17:21, 09/06/2023
BHG – Nơi cực Bắc Tổ quốc, rừng với dân là “máu thịt”, rừng bảo vệ sự sống, mang lại nhiều sinh kế, giảm nghèo bền vững; bởi vậy, bảo vệ “lá phổi xanh” là nhiệm vụ cấp thiết được cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực thực hiện. Sau 5 năm thực hiện, Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần phủ thêm màu xanh hy vọng trên dải đất biên cương.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vị Xuyên. |
Một ngày cuối tháng 5, nắng như nổ lửa. Buổi tuần rừng của tổ tuần tra, bảo vệ rừng thôn Hoàng Lỳ Pả, xã Minh Tân (Vị Xuyên) bắt đầu từ 6 giờ sáng. 20 thành viên của tổ có mặt tại trụ sở thôn, trao đổi thông tin, phương án, phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn, chia thành 4 nhóm đi tuần rừng ở các hướng khác nhau. Tổ trưởng Vàng Seo Sính triển khai nhanh: “Mấy hôm nay nắng nhiều, nguy cơ cháy rừng cao, mọi người ngoài việc tuần rừng, cần quan sát các vị trí dễ xảy ra cháy rừng, đặc biệt khu vực giáp với nương rẫy người dân để kịp thời cảnh báo”. Vào sâu vùng lõi rừng đặc dụng Phong Quang, những cây Nghiến cổ thụ đến chục người ôm sừng sững vươn mình đón nắng, được đánh số cẩn thận để bảo vệ nghiêm ngặt. Các thành viên tổ tuần rừng kiểm tra, ghi chép cụ thể từng chi tiết, khu vực. Tổ trưởng Vàng Seo Sính vừa đi vừa trò chuyện: “Tổng diện tích rừng tổ đang tuần tra, bảo vệ hơn 290 ha; tổ thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn tuần rừng, tích cực tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng. Chục năm về trước, Hoàng Lỳ Pả là “điểm nóng” phá rừng, nhưng giờ đây, bà con xem rừng như “máu thịt”. Anh Nguyễn Đức Luận, cán bộ Trạm Kiểm lâm Hoàng Lỳ Pả chia sẻ: “Trạm có 3 cán bộ, phụ trách gần 3.000 ha rừng, lực lượng mỏng, địa hình phức tạp, khó khăn trong khi diện tích quản lý, bảo vệ rừng lớn, nên việc phối hợp với các tổ tuần rừng và người dân là rất quan trọng, họ là “cánh tay” nối dài của lực lượng”.
Tổ bảo vệ rừng thôn Khuôn Làng, xã Tùng Bá (Vị Xuyên) tuần tra, bảo vệ rừng. |
Vào tháng 2 và tháng 7 (âm lịch) hàng năm, cộng đồng người Nùng ở Hoàng Su Phì long trọng tổ chức Lễ cúng rừng. Những người già ở bản kể rằng: Ngày xưa, khi người Nùng đang sinh sống bình yên, thì quân giặc đến xâm chiếm đất đai, của cải, thủ lĩnh của người Nùng là Hoàng Vần Thùng chiến đấu quả cảm với quân địch, bị thương và lâm bệnh chết. Người Nùng phải chạy vào rừng sâu ẩn náu. Để tưởng nhớ thủ lĩnh, người Nùng dành những khu rừng già tươi tốt, có vị trí đẹp, linh thiêng lập miếu thờ và tôn ông làm Đổng Trứ (Thần rừng). Lễ cúng rừng của người Nùng được tổ chức hàng năm, là nét văn hóa độc đáo, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Hoàng Su Phì Trần Chí Nhân chia sẻ: “Từ tục cúng thần rừng, công tác giữ rừng ở Hoàng Su Phì được thực hiện rất tốt, các quy định quản lý, bảo vệ rừng được đưa vào quy ước, hương ước thôn, những cánh rừng cấm được bảo vệ nghiêm ngặt, người dân phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, sống hòa hợp với thiên nhiên”.
Để quản lý, bảo vệ rừng (QLBVPTR) hiệu quả, các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân; bảo vệ rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu; nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả, sáng tạo ở cơ sở. Chi cục Kiểm lâm tỉnh được kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ theo hướng giảm biên chế văn phòng, tăng cường lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn; củng cố hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, các Ban quản lý (BQL) rừng đặc dụng, phòng hộ. Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hiện, cảnh báo sớm cháy rừng. Tỉnh chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm các Công ước quốc tế, tổ chức đa phương, song phương, diễn đàn về lâm nghiệp; duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều nhà tài trợ và tổ chức quốc tế, địa phương giáp ranh trong QLBVPTR.
Bên cạnh đó, việc giao, khoán rừng cũng mang lại hiệu quả rõ nét; đến nay, tổng diện tích rừng đã giao trên 103.268 ha, trong đó, giao rừng cho các BQL rừng đặc dụng trên 43.084 ha, các BQL rừng phòng hộ trên 39.589 ha, gia đình, cá nhân trên 14.664 ha, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn 2.559 ha. Giám đốc BQL rừng phòng hộ Vị Xuyên Nông Việt Hùng cho biết: “BQL được giao bảo vệ rừng phòng hộ với diện tích trên 16.767 ha, thuộc địa bàn 14 xã. Hàng năm, BQL phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, tổ bảo vệ rừng thôn thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm rừng phòng hộ; tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức và ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho cộng đồng dân cư; chỉ đạo công tác trồng rừng và chăm sóc, bảo vệ rừng trồng”.
Sự đa dạng các hình thức QLBVPTR đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, huy động nguồn lực bảo vệ rừng hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có trên 576.300 ha diện tích đất lâm nghiệp, chiếm trên 72% diện tích tự nhiên, trong đó diện tích rừng tự nhiên trên 381.820 ha, diện tích rừng trồng đã thành rừng trên 78.220 ha, diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh 33.272 ha. Đến nay đã trồng được 11,6 triệu cây phân tán các loại; cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) được trên 9.162 ha; nâng độ che phủ rừng từ 55,57% năm 2017 lên 58,58% năm 2022.
Kết quả trên là minh chứng sinh động, khẳng định việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch, dự án phát triển KT – XH có tác động đến rừng, phát huy vai trò lực lượng Kiểm lâm, sử dụng hiệu quả tiền chi trả DVMTR, giao đất, giao rừng, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường hợp tác quốc tế… theo tinh thần Chỉ thị số 13 thực sự đi vào cuộc sống trên mảnh đất biên cương.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Biên cương xanh màu hy vọng: Kỳ 2: Yêu rừng, rừng “trả công”
Biên cương xanh màu hy vọng: Kỳ cuối – Phát triển lâm nghiệp bền vững