Đáng lo ngại, những căn bệnh này có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi. Trong các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm, khoảng 41% số ca tử vong xảy ra trước 70 tuổi.
Đó là thông tin được nêu ra tại hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam – Nhật Bản về phòng chống các bệnh không lây nhiễm, do Bệnh viện Bạch Mai phối hợp Trung tâm Y tế tiên tiến Nhật Bản tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, gần 165.000 ca mắc ung thư mới… Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới hơn 70% số ca tử vong.
Nguyên nhân của bệnh không lây nhiễm có liên quan đến các yếu tố về lối sống như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ăn nhiều chất béo, ăn ít rau củ quả, ăn quá ngọt hoặc quá mặn, lười vận động… Các yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu… và ngày càng có xu hướng gia tăng người trẻ tuổi.
Tại hội thảo, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay: “Bệnh không lây nhiễm đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của ngành y tế. Nhiều bệnh có thể phòng chống được nếu phát hiện sớm và điều trị hiệu quả”.
Tăng huyết áp là gánh nặng chính
Nhấn mạnh về nguy cơ bệnh tim mạch tại Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết tại Việt Nam tăng huyết áp là gánh nặng chính, là yếu tố cần can thiệp trực tiếp tại cộng đồng để giảm bớt gánh nặng liên quan đột quỵ sau này.
Theo chuyên gia, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch tại Việt Nam và xu hướng này vẫn tăng lên theo thời gian. Hằng năm, Việt Nam đối mặt với các ca tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu cũng như các biến cố tim mạch gia tăng. Trong nhóm bệnh không lây nhiễm, bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam bởi các biến cố đột quỵ, bệnh mạch vành…
Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ (duy trì cân nặng, chế độ ăn hợp lý, kiểm soát cholesterol, ngủ đủ giấc; luôn hoạt động, không hút thuốc, huyết áp được kiểm soát, đường máu được kiểm soát) thì sẽ kiểm soát 90% gánh nặng do bệnh lý tim mạch gây ra.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Quang lưu ý: Theo các nghiên cứu đánh giá trên bệnh nhân tăng huyết áp của Việt Nam , nếu những năm 1970 kiểm soát tốt cân nặng là kiểm soát tốt huyết áp, đến nay, chỉ kiểm soát cân nặng thì vẫn chưa kiểm soát huyết áp hiệu quả. Do đó, kiểm soát bệnh tim mạch cần xem xét các yếu tố mới nổi trong cộng đồng. Về lâu dài, kiểm soát tăng huyết áp và các biến cố tim mạch cần chuyển dịch ra cộng đồng; người bệnh và cộng đồng thay đổi lối sống như: tăng vận động thể lực, dinh dưỡng hợp lý… Với y tế, cần có đủ trang thiết bị, nhân lực giúp kiểm soát, chẩn đoán, ngăn chặn các biến cố nặng…
Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 2 về phòng chống các bệnh không lây nhiễm có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ Nhật Bản và Việt Nam . Các báo cáo nêu thực trạng, thách thức, chiến lược kiểm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Hiện Nhật Bản là một trong những nước có tuổi thọ trung bình của người dân cao nhất thế giới, sau nhiều năm kiên trì thực hiện các chính sách khuyến khích thực hiện dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực.
Hoạt động thể lực, tập luyện góp phần quan trọng nâng cao sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng…
Mặc dù Nhật Bản đang trở thành một xã hội già đi trước phần còn lại của thế giới, nhưng quốc gia này vẫn duy trì được tuổi thọ trung bình và tuổi thọ khỏe mạnh cao nhất thế giới. Chiến dịch nâng cao sức khỏe quốc gia đã thành công và sức khỏe là một trong những mối quan tâm lớn nhất đối với nhiều công dân Nhật Bản, “quản lý sức khỏe” đã trở thành một trọng tâm tại Nhật Bản.