Viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như áp xe amidan, sốt thấp khớp, rối loạn tâm thần kinh tự miễn…
Viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây ra. Bác sĩ thường thường kê đơn thuốc kháng sinh điều trị. Trong một số trường hợp, bệnh có thể xảy ra các biến chứng sau:
Áp xe amidan
Áp xe amidan là nhiễm trùng (mủ, dịch nhầy hoặc chất lỏng) hình thành ở khu vực xung quanh amidan. Tình trạng này phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên hơn người lớn tuổi.
Viêm cầu thận
Một dạng bệnh thận có thể phát triển từ một đến hai tuần sau khi nhiễm trùng cổ họng không được điều trị. Bệnh xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong thận bị viêm và thường gặp nhất ở trẻ em từ 6-10 tuổi.
Ban đỏ
Đây không hẳn là một biến chứng của viêm họng liên cầu khuẩn mà là một dạng nhiễm trùng liên cầu khuẩn có thể phát triển cùng lúc với các triệu chứng ở cổ họng. Bệnh được đặc trưng bởi sốt cùng nốt ban đỏ xuất hiện đầu tiên ở cổ và ngực trước, sau đó lan ra khắp cơ thể. Phát ban này có kết cấu thô ráp, giống như giấy nhám.
Sốt thấp khớp
Biến chứng này có thể phát triển từ 14-28 ngày sau khi bị nhiễm trùng cổ họng. Nếu điều trị viêm họng liên cầu khuẩn trong vòng 9 ngày đầu xuất hiện các triệu chứng thì nguy cơ sốt thấp khớp thấp. Sốt thấp khớp có thể gây sốt, chảy máu cam, đau bụng và các vấn đề về tim. Biến chứng này cũng có thể gây sưng đau ở đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay hoặc cổ tay, đôi khi dẫn đến cử động cơ thể bất thường.
Rối loạn tâm thần kinh tự miễn
Rối loạn tâm thần kinh tự miễn ở trẻ em liên quan đến nhiễm trùng liên cầu khuẩn. Bệnh gồm rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc rối loạn Tic (là cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được) xuất hiện lần đầu hoặc đột ngột trở nên tồi tệ hơn ngay sau khi bị nhiễm liên cầu khuẩn.
Nhiễm trùng xoang và tai
Virus liên cầu ảnh hưởng đến cổ họng có thể gây nhiễm trùng xoang và tai.
Để ngăn ngừa nhiễm trùng liên cầu khuẩn, mọi người cần rửa tay thường xuyên, vứt bỏ khăn giấy sau sử dụng, không dùng chung đồ cùng (khăn, cốc uống nước, bàn chải đánh răng…), che miệng khi ho hoặc hắt hơi.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm họng liên cầu khuẩn. Người bệnh cần uống đủ liều kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để không tái phát và không lây nhiễm cho người khác trong quá trình điều trị.
Mai Cat (Theo Everyday Health)