Phòng chuyên quản cầu Thăng Long thành lập khi tôi tròn 27 tuổi. Nửa thế kỷ trôi qua, trong tôi vẫn nguyên vẹn một chi nhánh Thăng Long với bao điều khác biệt… Như một mảnh ghép hoàn hảo của BIDV. Vừa phản ánh đầy đủ, truyền thống, đặc trưng của BIDV, vừa như một chứng nhân lịch sử, vừa góp một sắc màu riêng có làm nên một thực thể BIDV sinh động, lung linh…
Ấn tượng về tên gọi và tổ chức
Tôi nhớ, khi thành lập, có bao nhiêu lựa chọn đặt tên: nào là Phòng cấp phát vốn xây dựng cơ bản (XDCB), nào là Phòng cấp phát Ngân hàng Kiến thiết… nào là Phòng chuyên quản vốn đầu tư XDCB… nhưng đều có chung một bổ ngữ gắn liền cầu Thăng Long… Để rồi tên ban đầu được chọn là Phòng chuyên quản Cầu Thăng Long (4/1974)… rồi thành chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng cầu Thăng Long; Và gần 20 năm sau, vào 1991, mới bỏ chữ “cầu” để là chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Thăng Long… Đến 2012, thật sự lột xác thành Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long (gọi tắt là BIDV Thăng Long)… Đây là một câu chuyện dài của lịch sử. Chỉ biết rằng, trước năm 1998, mỗi tỉnh thành phố thường chỉ có một chi nhánh BIDV và mang tên tỉnh, thành phố đó. Vậy mà 50 năm trước, trên địa bàn Thủ đô đã có thêm một chi nhánh Ngân hàng Kiến thiết, mang một cái tên thật đẹp: Thăng Long. Đó là một trong những tên cổ xưa của Thủ đô ngàn tuổi, để cùng với Hà Thành, Tràng An, Đông Đô và Hà Nội… gợi về một quá khứ vàng son, hào hùng.
Trong dòng chảy biến thiên của thời kỳ đổi mới (1981- 1990) đầy biến động trong toàn hệ thống: giải thể, hòa tan, cơ cấu lại, sáp nhập… có lúc cả hệ thống chỉ còn chưa đầy 30 chi nhánh. Thế mà thật lạ lùng, vẫn còn đó, nguyên vẹn một chi nhánh Ngân hàng Đầu tư Xây dựng cầu Thăng Long lặng lẽ tồn tại, phát triển như đứng ngoài dòng chảy,… như một nghịch lý… như một tất yếu. Càng lạ lùng hơn, là trong khi tổ chức Đảng của các chi nhánh (kể cả chi nhánh Hà Nội, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) đều trực thuộc tỉnh Đảng bộ địa phương… thì chi bộ của chi nhánh cầu Thăng Long lại thuộc Đảng bộ trụ sở chính BIDV từ thuở ấy… có đặc biệt không các bạn?
Ấn tượng về nghề nghiệp
Phòng chuyên quản cầu Thăng Long ra đời như một mối lương duyên với một công trình trọng điểm lớn thời đó: Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng – cây cầu đầu tiên được xây dựng sau cầu Long Biên độc đạo từ trăm năm trước. Chúng ta từng có phòng cấp phát 70.1/70.2 chuyên cấp phát phục vụ công trình đường ống dẫn dầu B12, sau này có Phòng cấp phát Sông Đà, phục vụ cho công trình thế kỷ Thủy điện Sông Đà… thì Phòng chuyên quản cầu Thăng Long mở ra để cấp vốn dự án Cầu Thăng Long, phục vụ khép kín cả cấp vốn ngân sách cho chủ đầu tư (bên A) và cho vay các đơn vị thi công, các đơn vị cung ứng tham gia xây dựng cầu ( bên B).
Cầu Thăng Long
Phòng chuyên quản tham gia từ khâu đọc thiết kế, thẩm tra dự toán, bóc tiên lượng thi công,… đến bám sát hiện trường, theo dõi tiến độ, giám sát xác định khối lượng hoàn thành quy ước, để đảm bảo cho vay vốn kịp thời cho các đơn vị thi công, cấp phát thanh toán khối lượng cho bên A đúng thiết kế, đúng dự toán, đúng hợp đồng thi công, đúng tiến độ, đúng chất lượng…
Cả chi nhánh như hòa tan vào cây cầu, cán bộ chuyên quản, cán bộ tín dụng, cán bộ kỹ thuật, cán bộ thanh toán, tiền mặt… bám sát công trình kịp thời phát hiện sai sót, kịp thời phục vụ và kịp thời cùng tháo gỡ khó khăn… cùng trèo lên thành cầu, cùng đo khối lượng dầm cầu, móng cầu dưới mặt nước… Bây giờ hẳn các bạn khó hiểu, tại sao làm nhiệm vụ cấp phát vốn mà phức tạp, mà vất vả thế… Nhưng mấy ai cảm nhận được niềm vui, niềm tự hào nghề nghiệp của những người cán bộ chuyên quản thời đó đã góp phần tiết kiệm từng đồng vốn cho ngân sách… Những giọt mồ hôi, những đêm không ngủ của các cán bộ Phòng chuyên quản cầu Thăng Long cũng lặng lẽ, âm thầm như những người công nhân xây dựng cầu năm ấy. Họ đã thực sự đồng hành cùng nhau trong suốt hành trình ra đời cây cầu tuyệt vời ấy… Có thể nói Phòng chuyên quản cầu Thăng Long là tiêu biểu cho nghề nghiệp cấp phát của Ngân hàng Kiến thiết chúng ta.
Chuyển đổi – Đổi mới – Hội nhập
Năm 1995 cả hệ thống chuyển sang hoạt động như một Ngân hàng thương mại. Tôi vẫn nhớ những tâm tư, nỗi lo lắng, băn khoăn của Ban Giám đốc và cán bộ chi nhánh NHĐT&PT Thăng Long năm đó. Từ một đơn vị độc canh chỉ làm mỗi nhiệm vụ cấp phát vốn ngân sách cho một công trình, một bên A, chỉ cho vay mấy công ty cầu, mấy đơn vị cung ứng tham gia xây dựng cầu… lại ở một địa bàn chưa phát triển kinh doanh, thương mại, công nghiệp bỗng nhiên mất hẳn nhiệm vụ cấp phát (chiếm 80% nhiệm vụ) để bắt đầu đi tìm kiếm khách hàng sản xuất, kinh doanh, xây lắp, bỗng nhiên làm quen với giấy gửi tiền tiết kiệm, bảng kê tính lãi… bỗng nhiên phải tìm nguồn vốn “đi vay để cho vay”… Bao nhiêu lo lắng… tự cân đối nguồn vốn… tự cân đối thu chi… vậy mà chi nhánh đã làm được, làm tốt. Từ 20 năm bao cấp làm cấp phát đến 30 năm làm ngân hàng thương mại… mà vững vàng, mà thăng hoa, vượt qua bước trầm cảm, vấp ngã để vươn lên ngoạn mục… để tôi được ngắm nhìn một BIDV Thăng Long ngày hôm nay. Các em vui vẻ, tự hào kể rằng: Chi nhánh thứ 8/36 trên địa bàn thủ đô và thứ 9/190 trong toàn hệ thống về kết quả kinh doanh và năng suất lao động đạt 4 tỷ / cán bộ. Đúng là gần như từ 0 đến có, từ thấp đến cao và cao hơn. Một BIDV Thăng Long thay da, đổi thịt, thay đổi tư duy, tự tin đặt ra mục tiêu bước vào nhóm câu lạc bộ ngàn tỷ của hệ thống trong bước tiếp theo. Các bạn có cùng ý nghĩ với tôi là những bước chuyển đổi và phát triển của BIDV Thăng Long cũng rất điển hình và mang đậm chất BIDV không?
Trụ sở chi nhánh BIDV Thăng Long
Ấn tượng con người
Trong 50 năm qua, tôi có 30 năm trực tiếp gắn với BIDV Thăng Long (1974 – 2004) và 20 năm nghỉ hưu chỉ đứng xa xa lặng lẽ ngắm nhìn, lắng nghe… 30 năm gắn bó không chỉ trong công việc, cùng chia sẻ khó khăn, chỉ đạo nghiệp vụ, chứng kiến từ lúc trụ sở ở nhờ Ban Kiến thiết cầu Thăng Long đến lúc lần đầu tiên xây dựng được trụ sở nhỏ 3 tầng để ở riêng. Từ chỗ vách nhà bằng cót, bàn ghế thô sơ đến lúc có cái máy lạnh đầu tiên… Nhưng gắn bó nhất là tình cảm và những con người thuở ấy. Tôi đã được làm việc cùng thời với bác Huỳnh Quang Huy, bác Tô, chị Đỗ Thị Tuất, cùng các em Đoàn Thị Chinh, Phạm Thị Quý, Phan Thị Doạt, Vũ Thị Chiu… những người gắn bó với chi nhánh từ trẻ đến lúc về hưu. Tất cả đều giản dị, chân chất, trung hậu, tận tụy với công việc và mang đậm dấu ấn thời bao cấp – cả chi nhánh như một gia đình… mà tôi như một thành viên. Đến hôm nay tôi được tiếp xúc với một lớp cán bộ trẻ trung đang làm chủ chi nhánh, vận hành chi nhánh theo một quỹ đạo mới, tốc độ mới, phong cách mới, đầy tự tin. Nhưng tôi thấy không hề xa lạ bởi dường như vẫn mang đậm chất Thăng Long thuở nào, đó là nhiệt tình, tâm huyết với nghề, là niềm tự hào về chi nhánh, về các anh chị đi trước, là sự tận tâm trong công việc, về nghị lực vượt qua những khó khăn, trầm cảm, và tự tin hướng đến mục tiêu mới. Trò chuyện với các em, tôi thêm mơ mộng, thêm tin tưởng rằng… các thế hệ tiếp nối sẽ đưa BIDV Thăng Long phát triển ngày càng rạng rỡ hơn – Rạng rỡ như tên gọi THĂNG LONG – Một cái tên đẹp nhất trong toàn hệ thống. Năm mươi năm, BIDV Thăng Long trẻ lắm, có phải không các bạn?