Tin mới y tế ngày 19/8: Bị ung thư gan do viêm gan B không điều trị
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC vừa tiếp nhận bệnh nhân nam Đ.V.T (63 tuổi, Hà Nội) có tiền sử mắc viêm gan B mạn tính hơn 10 năm nay nhưng chủ quan không điều trị.
Viêm gan B tiến triển thành ung thư gan
Khi xuất hiện tình trạng đau ngực trái, đầy tức bụng, người đàn ông đi khám thì phát hiện mắc ung thư tế bào gan. Trước nhập viện một tuần, ông Đ.V.T xuất hiện triệu chứng đau ngực trái, cơn đau không lan, không tăng lên khi gắng sức, không khó thở. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị đau tức bụng, đầy bụng khó tiêu.
Ảnh minh họa |
Khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân cho biết có tiền sử mắc viêm gan B mạn tính hơn 10 năm nay nhưng không khám định kỳ và chưa điều trị đặc hiệu, thường xuyên sử dụng rượu bia, khoảng 120 – 200ml mỗi ngày. Đặc biệt, gia đình ông T. có mẹ đẻ bị K gan đã mất 10 năm trước, anh trai cả cũng chung cảnh ngộ qua đời cách đây 8 năm.
Bác sỹ chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết. Kết quả xét nghiệm HBeAg dương tính, tải lượng virus HBV DNA cao. Hình ảnh siêu âm ổ bụng phát hiện khối tăng âm gan phải, kích thước 60x53mm, siêu âm đàn hồi mô gan kết luận nhu mô gan thô.
Tiếp tục thực hiện chụp cắt lớp vi tính cho hình ảnh khối tăng sinh mạch hạ phân thùy VIII gan phải (xếp loại LIRADS 4) và một số nốt ngấm thuốc không điển hình gan phải/ nhu mô gan không đồng nhất. Để chẩn đoán xác định, các bác sỹ tiến hành thủ thuật sinh thiết u gan và gửi mẫu giải phẫu bệnh. Kết quả giải phẫu bệnh kết luận ung thư biểu mô tế bào gan, biệt hóa vừa.
Dựa trên cơ sở kết quả các cận lâm sàng đã thực hiện, bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
Viêm gan B là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu và là căn bệnh nhiễm trùng gan phổ biến trên thế giới. Bệnh do virus viêm gan B (HBV) gây ra, các triệu chứng thường gặp gồm mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, vàng mắt, vàng da, nước tiểu vàng sậm, đau bụng, đau cơ khớp, sụt cân bất thường…
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có đến 257 triệu người mắc viêm gan B trên thế giới (tương đương 8,1% dân số).
Số liệu ước tính ở Việt Nam năm 2020 có 8,9 triệu ca viêm gan B mạn tính, 58.650 bệnh nhân xơ gan, 25.000 bệnh nhân ung thư gan và có đến 40.000 người tử vong hàng năm vì bệnh lý này.
TS.Ngô Chí Cương, Phó Giám đốc chuyên môn, Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, Trưởng Chuyên khoa Truyền nhiễm & Y học Nhiệt đới, Hệ thống Y tế Medlatec cho biết, nếu không sớm được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm gan B có thể tiến triển mạn tính, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ gan, suy gan, ung thư gan. Đặc biệt, bệnh nhân viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 100 lần bình thường, với tỷ lệ tử vong rất cao.
Trước những con số đáng báo động về thực trạng viêm gan B hiện nay, TS.Cương đưa ra khuyến cáo, người dân cần chủ động trong việc thăm khám sức khỏe định kỳ, thực hiện xét nghiệm sàng lọc để phát hiện virus viêm gan.
Tùy từng giai đoạn của bệnh, các bác sỹ sẽ có phương án điều trị thích hợp. Thời điểm phát hiện bệnh quyết định hiệu quả điều trị, hạn chế các biến chứng nguy hiểm và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe Nhân dân năm 2024
Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 3659/KH-SYT về việc hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024.
Mục đích của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, từng cơ quan, đơn vị, gia đình và toàn xã hội về phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.
Yêu cầu việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, theo hướng dẫn của Sở Y tế. Kế hoạch nêu rõ 4 nội dung hoạt động hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024.
Thứ nhất, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành vi nhằm giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh liên quan tới sức khỏe như vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch;
Đồng thời thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà; xây dựng cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp, bảo đảm vệ sinh trong trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, khu dịch vụ, khu du lịch, nơi công cộng.
Thứ hai, căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch các công trình vệ sinh tại nơi công cộng, khu du lịch, bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc…; tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới”.
Thứ ba, tổ chức và phát động các cuộc thi hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tại các khu dân cư, trường học, cơ quan, công sở. Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tham gia cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh -Sạch – Đẹp” theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát các nội dung về vệ sinh phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt; vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, vệ sinh môi trường trong cơ sở y tế và trường học; phòng chống, dịch bệnh tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nơi ngập lụt, bão lũ… bảo đảm hiệu quả và đúng theo các quy định hiện hành.
Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố làm đầu mối thực hiện hướng dẫn các đơn vị trong ngành triển khai, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng, xây dựng và cung cấp nội dung, tin bài tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về Ngày Vệ sinh yêu nước và Phong trào Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân trên các phương tiện truyền thông.
Phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn theo phân cấp.
Thực hiện tiếp nhận, tổng hợp kết quả hoạt động hưởng ứng của các đơn vị trong ngành y tế báo cáo Sở Y tế, Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) theo quy định.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thực hiện hướng dẫn các đơn vị trong ngành triển khai, tổ chức các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn về an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học, khu công nghiệp, khu du lịch… Phối hợp với các đơn vị tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp.
Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị khám, chữa bệnh trong ngành xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024.
Tổ chức và phát động các cuộc thi hưởng ứng Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, tham gia cuộc thi “Cơ sở y tế Xanh – Sạch -Đẹp” theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Quản lý bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản tại bệnh viện
Tại Việt Nam, có khoảng 4,1% dân số mắc hen phế quản, tuy nhiên chỉ 29,1% bệnh nhân hen điều trị duy trì và tỷ lệ kiểm soát hen tốt chưa đến 40%, số đợt cấp hen trung bình hàng năm là 2,14%.
Với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì tỷ lệ dân số Việt Nam từ 40 tuổi trở lên mắc bệnh là 4,2%, đây cũng là nguyên nhân tử vong hàng thứ 4 ở nước ta.
Để nâng cao chất lượng quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Hà Nội, TS.Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội đề xuất các tuyến y tế cần tăng cường hoạt động tầm soát hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trong cộng đồng; thành lập thêm các đơn vị quản lý ngoại trú hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đồng thời, các bệnh viện cần xây dựng phác đồ chẩn đoán điều trị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giúp chuẩn hóa quy trình khám chữa bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ sàng lọc, chẩn đoán đến điều trị duy trì và xử trí đợt cấp.
Ngày 1/11/2023, Bộ Y tế có Quyết định số 4032/QĐ-BYT về việc ban hành thí điểm “Tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ chẩn đoán, điều trị, quản lý Hen phế quản và bệnh Phổi tắc nghẽn mãn tính” với mục tiêu thiết lập hệ thống quản lý nhằm nâng cao chất lượng quản lý Hen và bệnh PTNMT, đảm bảo bệnh nhân có thể tiếp cận với chăm sóc sức khỏe tốt, kiểm soát và giảm gánh nặng tật.
Thời gian qua, Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Phổi Hà Nội thực hiện khảo sát với các bệnh viện trên địa bàn thực hiện đánh giá tiêu chí này.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-198-bi-ung-thu-gan-do-viem-gan-b-khong-dieu-tri-d222736.html