Mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, Thừa Thiên Huế đã và đang cố gắng trong mọi lĩnh vực, đặc biệt có tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch. Bên cạnh những công trình văn hóa, di tích lịch sử, tỉnh đã có khá nhiều công trình giao thông vừa phát huy hiệu quả vừa mang tính thẩm mỹ cao.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định những nhiệm vụ của tỉnh nhằm cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2025 xây dựng, phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019.
Để có cơ sở tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề xuất, kiến nghị 5 nhóm vấn đề đến Bộ GTVT. Đó là những kiến nghị liên quan đến lĩnh vực hàng không, đường bộ, cảng biển, cửa khẩu và giao thông cửa khẩu, bổ sung quy hoạch cảng cạn.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019 cho thấy, một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có nhiệm vụ “Nâng công suất Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt”.
Do vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt là phù hợp, cần thiết. Trước mắt, để giải quyết nhu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng công suất khai thác 5 triệu hành khách/năm. UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ GTVT quan tâm, xem xét nâng cấp đường lăn song song với chiều dài 2.700m và các đường lăn nối đồng bộ, Hệ thống ILS/DME CAT 1 đầu 27 tại Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 800 tỷ đồng…
Ngoài ra, tỉnh cũng mong muốn Bộ GTVT cho phép tăng số lượng chuyến bay trên ngày đối với các hướng bay Huế – Hà Nội và Huế – TP. Hồ Chí Minh; phê duyệt nhiệm vụ, lập điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài…
Đối với đường bộ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề xuất Bộ GTVT xem xét nâng cấp mở rộng Quốc lộ 49, trước mắt, xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để ưu tiên đầu tư dự án Nâng cấp mở rộng đoạn từ đường Hồ Chí Minh ra biên giới tại cặp cửa khẩu chính Hồng Vân – Cô Tài có chiều dài khoảng 12,5km. Đồng thời, nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 9 nối từ Quốc lộ 1 lên đường bộ cao tốc…
Về cảng biển, ông Lê Trường Lưu đề nghị Bộ xem xét giải quyết nội dung kiến nghị của UBND tỉnh tại Công văn số 4048/UBND-GT ngày 27/4/2023 về hiệu chỉnh số liệu quy hoạch cảng biển Thừa Thiên Huế trong “Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030”;
Tại Khu kinh tế Chân Mây –Lăng Cô, tỉnh cũng đề xuất bổ sung quy hoạch cảng cạn Chân Mây với quy mô diện tích đến năm 2030 khoảng 5ha, năng lực thông hành khoảng 50.000TEU/năm; giai đoạn 2050 đạt khoảng 120ha và cảng cạn Kim Long với quy mô diện tích đến năm 2030 khoảng 10-15ha, năng lực thông hành khoảng 100.000-150.000TEU/năm; giai đoạn 2050 đạt khoảng 30ha.
Sau khi nghe các ý kiến, đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh kết nối chặt chẽ để có thể phối hợp triển khai các dự án, công trình giao thông một cách nhanh chóng.
“Bộ ủng hộ đề xuất làm đường lăn song song của tỉnh, tuy nhiên cần cân nhắc vấn đề ngân sách để việc đầu tư có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế. Nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí với chủ trương này, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và sẽ cùng phối hợp với tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tới, Bộ GTVT sẽ giao các đơn vị khẩn trương rà soát, xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để xem xét việc điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài. Còn về vấn đề tăng số chuyến bay (cả nội địa lẫn quốc tế), quan trọng nhất chính là sự kết nối giữa Thừa Thiên Huế với các hãng bay và các doanh nghiệp du lịch lữ hành”, Bộ trưởng nói.
Đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực đường bộ, nhìn chung, Bộ nhất trí và ủng hộ các đề xuất của tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị tỉnh rà soát các nút giao gửi Bộ GTVT để Bộ xem xét đưa vào quy hoạch. Đồng thời, ghi nhận kiến nghị của UBND tỉnh và giao Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện rà soát, hoàn thiện “Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch, để đảm bảo sự thống nhất, tính khả thi của quy hoạch.
“Về đầu tư bến số 6, 7, 8 và bến tàu khách quốc tế tại Khu bến Chân Mây và đầu tư đê chắn cát, Bộ GTVT ủng hộ và đề nghị UBND tỉnh triển khai kêu gọi đầu tư theo quy định”, Bộ trưởng cho biết.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hy vọng, Bộ GTVT và tỉnh sẽ liên tục cập nhật thông tin, kết nối chặt chẽ để có thể phối hợp triển khai các dự án, công trình giao thông tại Thừa Thiên Huế một cách nhanh chóng, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, du lịch.