Cập nhật ngày: 07/07/2023 14:37:15
ĐTO – Sáng ngày 7/7, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan có chuyến khảo sát tại Vườn Quốc gia Tràm Chim về chuẩn bị cho công tác bảo tồn sếu đầu đỏ.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (bìa phải) cùng đoàn công tác khảo sát tại phân khu A4, Vườn Quốc gia Tràm Chim
Để công tác bảo tồn sếu được thực hiện hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Vườn Quốc gia Tràm Chim nên vẽ lại bản đồ đánh giá diễn biến mực nước lũ 10 năm qua. Từ đó, có những giải pháp điều tiết phù hợp trong công tác khôi phục lại sinh cảnh, phục hồi lại đàn sếu tại Vườn trong thời gian tới.
Khảo sát tại phân khu A1 và phân khu A4, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Vườn Quốc gia Tràm Chim cần giữ nguyên hiện trạng hệ sinh thái tại đây nhằm tạo sân chơi cho sếu. Song song với công tác chuẩn bị điều kiện tự nhiên để phục hồi sếu thì vẫn cần quan tâm đến công tác phục hồi lại sinh cảnh của Vườn giống như thời điểm cách đây 10 năm.
Để khai thác du lịch tại Vườn Quốc gia Tràm Chim trong thời gian tới được hiệu quả và bền vững hơn, ông Lê Quốc Phong yêu cầu đơn vị khai thác du lịch nghiên cứu, thay đổi lại khung giờ phục vụ tham quan khoa học và phù hợp với tình hình thực tế tại Vườn. Đồng thời nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân tại địa phương, huyện Tam Nông cần vận động người dân tham gia vào hoạt động du lịch; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn kiến thức về hệ sinh thái tại Vườn, vận động người dân địa phương cùng tham gia phục vụ du lịch. Đây là yếu tố nền tảng để công tác bảo tồn sếu được thực hiện bền vững.
Trong chuyến khảo sát, Đoàn công tác đến thăm các hộ dân làm lúa hữu cơ vùng đệm thuộc xã Phú Đức và Tân Công Sính. Các hộ dân ở đây chia sẻ, ban đầu khi được vận động sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có nhiều lo lắng. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn tận tình từ ngành nông nghiệp địa phương và thông qua mô hình sẽ giúp cho công tác bảo tồn sếu trong thời gian tới nên các hộ dân rất đồng tình.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (bìa phải) thăm các hộ dân làm lúa hữu cơ vùng đệm thuộc xã Phú Đức và Tân Công Sính
Bí thư Tỉnh ủy phấn khởi với sự đồng thuận của nông dân trong canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Bởi, nông dân thông hiểu được lợi ích của mô hình như: có liên kết tiêu thụ sản phẩm, giảm giá thành đầu tư, giá bán sản phẩm tăng cao và nâng lợi nhuận. Hiện nay, có 4 hộ ở xã Phú Đức và xã Tân Công Sính tham gia mô hình canh tác gần 40ha, lúa được trên 80 ngày tuổi, đang trong giai đoạn trổ chín… Nông dân đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí tôn tạo bờ bao, đầu tư đường điện, trạm bơm chống úng cho lúa… Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và yêu cầu các sở, ngành chức năng tỉnh cùng chính quyền địa phương khảo sát thực tế để hỗ trợ nông dân hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất để thực hiện thành công dự án… Đồng thời mong người dân duy trì và phát triển mô hình, đồng lòng giữ chất lượng lúa để xây dựng thương hiệu cho địa phương cũng như công tác bảo tồn sếu đầu đỏ.
Mỹ Lý