Chỉ sau một thời gian triển khai, Vĩnh Phúc đã khởi công xây dựng và khánh thành hàng loạt khu thiết chế văn hóa, thể thao của các “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Những ngôi làng đó, theo kỳ vọng, sẽ trở thành nơi đáng sống, người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc hơn và thực sự được thụ hưởng những thành quả từ sự phát triển của tỉnh.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, “Làng văn hóa kiểu mẫu” sẽ kiến tạo nền tảng cơ bản để Vĩnh Phúc phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững.
Ý tưởng xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” được “thai nghén”, hình thành trong bối cảnh như thế nào, thưa bà?
– Sau hơn 26 năm tái lập tỉnh, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, với sự năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, tại các thôn, làng, khu dân cư trong tỉnh còn có những hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn: Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; năng suất lao động và thu nhập của một bộ phận cư dân còn thấp, chưa có các chính sách đủ mạnh khuyến khích người dân phát triển sản xuất, tạo kế sinh nhai tại chỗ.
Ô nhiễm môi trường còn bức xúc. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương; thiết chế văn hóa còn thiếu đồng bộ, có nơi xuống cấp…
Để giải quyết những hạn chế đó, tri ân những công lao, đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với sự phát triển của tỉnh và với quan điểm xuyên suốt “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, đặc biệt là từ năm 2022 qua nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi đã “thai nghén” ý tưởng xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Đến ngày 16/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, với mục tiêu tạo sự chuyển biến rõ rệt, đột phát trong việc xây dựng các thôn, làng, khu dân cư phát triển đồng bộ, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân…
Trong đó, chúng tôi lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực trong xây dựng các làng và lấy người dân là chủ thể, trung tâm, đối tượng được hưởng lợi chính của thành quả.
Chủ trương xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” đã được người dân Vĩnh Phúc đồng tình, ủng hộ tích cực vì ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Những làng đáp ứng các điều kiện như thế nào thì được Vĩnh Phúc lựa chọn thí điểm xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu“?
– Chủ trương xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh là một chủ trương lớn và mới, chưa có tiền lệ, nên trong quá trình triển khai chắc chắn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Do vậy các đơn vị, địa phương vừa làm vừa phải đúc rút kinh nghiệm.
Đặc biệt, để thực hiện chủ trương này đòi hỏi công sức rất lớn, nên để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong quá trình triển khai, Vĩnh Phúc xác định phải thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn, có lộ trình cụ thể.
Chúng tôi dự kiến đến hết năm 2025 hoàn thành 30 làng được chọn thí điểm, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành 60 làng đạt được các tiêu chí của “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Kết quả đạt được sẽ là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình này trong những năm tiếp theo.
Chính vì vậy, tỉnh đã ưu tiên lựa chọn các thôn, làng có hệ thống chính trị vững mạnh, có quỹ đất phù hợp để tích hợp được cả 3 hạng mục (Nhà văn hóa thôn và sân bãi tối thiểu 800m2; khu thể dục thể thao tối thiểu 800m2; khu vườn dạo, cây xanh tối thiểu 500m2); thôn có lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, du lịch, làng nghề nhằm phát huy tối đa thế mạnh của địa phương.
Đây có thể coi là mô hình “làng kiểu mẫu” đầu tiên trên cả nước không? Ở những nơi được lựa chọn xây dựng sẽ có những gì đặc biệt, được coi là “kiểu mẫu“?
– Như tôi được biết, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Dù là một chủ trương mới, chưa có tiền lệ, nhưng với sự quyết tâm chính trị cao, đặc biệt có sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ người dân, chủ trương đã được triển khai quyết liệt, bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực chất, hiệu quả với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu việt nhằm hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện.
Các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh sẽ trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững.
Ở đó sẽ có các đặc trưng cơ bản: Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc…
Vĩnh Phúc làm sao để xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” không trùng lặp các tiêu chí của phong trào xây dựng nông thôn mới?
– Vĩnh Phúc xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” gắn kết, bổ trợ chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, nhưng không trùng lặp với các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Các ngôi làng này mang nhiều đặc trưng tiêu biểu về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, liên kết với bên ngoài thuận lợi, phục vụ tốt sản xuất theo hướng hiện đại và từng bước tiệm cận tiêu chuẩn của đô thị.
“Làng văn hóa kiểu mẫu” có những đặc trưng khác biệt, có yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn so với “Thôn nông thôn mới”; đặc biệt là mang đặc trưng riêng của tỉnh Vĩnh Phúc vì hướng tới mục tiêu bao trùm, xuyên suốt là giúp người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc hơn.
Ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến dành khoảng 2.610 tỷ đồng để xây dựng 60 “Làng văn hóa kiểu mẫu” đến năm 2027. Liệu có việc “du di chỉ tiêu”, “chạy đua tốc độ” để hoàn thành 14 tiêu chí và hưởng được 16 chính sách hỗ trợ khi thực hiện “Làng văn hóa kiểu mẫu” không, thưa bà?.
– Để đạt được mục tiêu xây dựng 60 “Làng văn hóa kiểu mẫu” vào năm 2027, Vĩnh Phúc phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động nhiều nguồn lực.
Trong đó dự kiến dành một phần từ nguồn ngân sách để hỗ trợ xây dựng mô hình này thông qua 16 chính sách đặc thù theo Nghị quyết 06/2023 của HĐND tỉnh; phần còn lại huy động từ các nguồn lực do người dân, cộng đồng dân cư đóng góp.
Các hạng mục sử dụng vốn ngân sách nhà nước chủ yếu là đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu ban đầu, phục vụ đa mục tiêu, không chỉ riêng để thực hiện cho mô hình này. Chúng tôi hi vọng, phần vốn ngân sách sẽ là động lực để thu hút được nhiều nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân cho đầu tư phát triển tại các khu vực có “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Việc đánh giá, công nhận “Làng văn hóa kiểu mẫu” đạt chuẩn phải theo quy trình rất chặt chẽ, công khai, minh bạch, đảm bảo các tiêu chí đã ban hành. Do đó, không có việc “du di chỉ tiêu”, “chạy đua tốc độ” trong thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” cấp tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng cấp huyện, cấp xã để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện các tiêu chí. Định kỳ Ban Chỉ đạo các cấp họp nghe báo cáo về tiến độ, tình hình, kết quả triển khai và cho ý kiến tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Các lãnh đạo tỉnh và thành viên Ban chỉ đạo xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên đi kiểm tra, giám sát tại thực địa, kịp thời cho ý kiến hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
UBND tỉnh cũng đã phát động Phong trào thi đua “Vĩnh Phúc xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu” giai đoạn 2023-2030, nhằm tạo khí thế sôi nổi, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Việc lấy người dân là chủ thể, trung tâm và đối tượng được hưởng lợi chính từ thành quả xây dựng nên luôn có sự giám sát chặt chẽ của người dân.
Tôi khẳng định không thể có chuyện “chạy đua thành tích” khi xây dựng mô hình này.
Để có đất xây dựng các công trình nhà văn hóa, khu thể thao, được biết Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân. Nhiều người dân đã sẵn sàng hiến đất, nhường đất cho dự án được nhanh chóng triển khai. Theo bà, đâu là những bài học đã được rút ra trong công tác “dân vận” khéo léo và nhận được hưởng ứng lớn như vậy?
– Nhiều người dân đã sẵn sàng hiến đất, bàn giao sớm mặt bằng để cho các dự án được nhanh chóng triển khai, trở thành nét đẹp văn hóa trong cộng đồng làng, xã rất cần được tôn vinh, nhân rộng.
Để nhận được sự hưởng ứng lớn của đông đảo của nhân dân, tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận, vận dụng một cách sáng tạo trong điều kiện thực tế của địa phương.
Chúng tôi đã thấy rõ khi chủ trương, nghị quyết đúng đắn, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, hợp lòng dân, lấy người dân là chủ thể, trung tâm, mọi lợi ích nhân dân được thụ hưởng thì khi tuyên truyền, vận động sẽ được người dân nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ.
Nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất, nhường đất, đóng góp ngày công… để mở rộng, xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, các công trình chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Bản thân người dân thấy được lợi ích của mình trong lợi ích tập thể khi làng kiểu mẫu được xây dựng.
Vĩnh Phúc xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm từ nay đến năm 2025 nên các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể với quyết tâm chính trị cao đã vào cuộc quyết liệt; xây dựng kế hoạch và có lộ trình thực hiện cụ thể. Tỉnh cũng kịp thời trong thông tin, tuyên truyền tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.
Một bài học kinh nghiệm nữa mà chúng tôi rút ra được, đó là việc “nói đi đôi với làm”, không ngại khó khăn, vất vả, tâm huyết trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; cán bộ, đảng viên các cấp trong tỉnh luôn gương mẫu, đi đầu khi thực hiện. Do vậy, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ tuyệt đối.
Nhìn lại hành trình vừa qua, theo bà, mấu chốt để trong thời gian ngắn, các địa phương ở Vĩnh Phúc đã hoàn thành nhiều tiêu chí “Làng văn hóa kiểu mẫu” như vậy là gì?
– Qua 10 tháng triển khai, những thành quả bước đầu trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” của tỉnh được nhân dân hồ hởi, phấn khởi và đón nhận.
Chỉ sau một thời gian, Vĩnh Phúc khởi công xây dựng và đã tổ chức khánh thành 10 khu thiết chế văn hóa, thể thao của “Làng văn hóa kiểu mẫu”; đã hoàn thành hơn 50% tiêu chí trong Bộ tiêu chí “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Mấu chốt quan trọng đó là sự đồng bộ, tính khả thi cao trong việc ban hành chủ trương, nghị quyết, chính sách của tỉnh. Sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Đối với những khó khăn, vướng mắc trong triển khai đã được Ban chỉ đạo các cấp kịp thời bàn bạc, tham vấn và tháo gỡ. Mọi việc đều được chúng tôi công khai, minh bạch để người dân được biết, được bàn, thảo luận rộng rãi.
Luôn đặt lợi ích của người dân, của cộng đồng dân cư lên trước, huy động các nguồn lực, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia cùng chung tay xây dựng đã khơi dậy mạnh mẽ khát vọng chính đáng xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh trong mỗi người dân.
Bà kỳ vọng, tin tưởng Vĩnh Phúc sẽ đạt được mục tiêu xây dựng 60 “Làng văn hóa kiểu mẫu” vào năm 2027 và sẽ tiếp tục mở rộng xây dựng thêm nhiều các làng kiểu mẫu giai đoạn tiếp theo?
– Cá nhân tôi kỳ vọng và tin tưởng, Vĩnh Phúc sẽ đạt được mục tiêu xây dựng 60 “Làng văn hóa kiểu mẫu” vào năm 2027 và sẽ tiếp tục, mở rộng xây dựng thêm nhiều “Làng văn hóa kiểu mẫu” giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh việc triển khai xây dựng 30 làng của giai đoạn 2023-2025, tỉnh cũng đồng thời tiến hành song song việc khảo sát, đánh giá thực tế ở từng thôn, tổ dân phố; đối chiếu mức độ đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo Nghị quyết số 06 và Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh để lập danh sách 30 làng được xây dựng thành “Làng văn hóa kiểu mẫu” trong giai đoạn 2.
Việc xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” của Vĩnh Phúc chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc; kể cả khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng, các địa phương của tỉnh vẫn tiếp tục nỗ lực để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
“Làng văn hóa kiểu mẫu” sẽ kiến tạo nền tảng cơ bản để Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh.
Người dân ở đó sẽ có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc hơn và thực sự được thụ hưởng những thành quả của văn hóa.
Xin cảm ơn bà !
Ảnh: Mạnh Quân – Phùng Hải – Hồng Yến
Dantri.com.vn