Dự hội nghị có các ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Nguyễn Hồng Sơn – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương;  Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư; Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh, thành ủy thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng.

Dân mãn nguyện, vui mừng khi Hải Phòng là thành phố đáng sống

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, Nghị quyết số 45 ra đời là kim chỉ nam cho sự phát triển của Hải Phòng với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể, cơ chế, chính sách đủ mạnh để thành phố phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, bứt phá mạnh mẽ. Người dân Hải Phòng vui mừng, phấn khởi khi sống trong một thành phố đi đầu về công nghiệp hóa – hiện đại hóa, là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước.

Lê Tiến Châu
 Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ TP Hải Phòng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.X 

Trong khi đó, Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết, trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 45, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành. Nhiều nguồn lực được bố trí nhất là trong các lĩnh vực mũi nhọn. Vai trò là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của TP Hải Phòng đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định. Phát triển kinh tế – xã hội đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Cụ thể, quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong vùng đồng bằng sông Hồng, sau Hà Nội. 

Tăng trưởng GRDP bình quân đầu người giai đoạn 2019 – 2023 đạt 11,64%/năm, gấp 2,83 lần mức tăng bình quân chung của cả nước và gấp 1,97 lần GDP vùng đồng bằng sông Hồng. 

GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 7.800 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. 

Tuy nhiên, so với mục tiêu của Nghị quyết 45 đến năm 2025 đạt 14.740 USD/năm, chỉ tiêu này mới đạt khoảng 53,1%. 

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước.

Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ TP Hải Phòng đã có những bước phát triển đột phá. Tính chung giai đoạn 2019-2023, Hải Phòng xây mới được 19,67 km đường quốc lộ, 28,78 km đường tỉnh lộ, 55,49 km huyện lộ, 137,04 km đường đô thị. 

z5691680156090 24ce8140656445b590934c1f63c02d4a 1780.jpg
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao sự phát triển của Hải Phòng. Ảnh: Đ.X

Cảng biển Hải Phòng đang khai thác với 52 bến cảng, nổi bật là cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Phát triển đô thị có nhiều khởi sắc, không gian đô thị được mở rộng. Tập trung đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Quyết liệt triển khai xây dựng các đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã TP Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025. Hoàn thiện đề án tổ chức chính quyền đô thị TP Hải Phòng trình Chính phủ.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, Hải Phòng trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Giai đoạn 2019 – 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Hải Phòng có những chuyển biến mạnh mẽ, liên tục đạt vị trí xếp hạng cao. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của thành phố luôn duy trì là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước kể từ năm 2012. 

Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc, thành phố đã thu hút được 14 tỷ USD vốn FDI, đứng thứ 6 trong cả nước và được 307.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư vùng đồng bằng sông Hồng với điểm sáng là khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. 

Nhiều dự án quy mô lớn đến từ các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới và trong nước như LG, SK, Bridgestone, Vinfast…

Thành phố đang tập trung chỉ đạo xây dựng khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha. Đây là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh, là đầu mối của thành phố tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới. 

Mục tiêu đến năm 2030, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố. 

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế được quan tâm, nhất là các chính sách vượt trội như miễn học phí cho học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT. 

Về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Hải Phòng sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu 15.400 căn nhà ở xã hội đến năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ giao. Phấn đấu hết năm 2024 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đến năm 2025, 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, năm 2023, vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với các giá trị thẩm mỹ và địa chất, địa mạo nổi bật toàn cầu.

Đánh giá về sự phát triển của Hải Phòng trong 5 năm thực hiện nghị quyết 45, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, TP Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu trong 5 năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa đạt được kỳ vọng trong lộ trình phát triển. Hải Phòng cần xây dựng, hoàn thiện và kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển trong giai đoạn tới, trọng tâm là cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội. 

z5691680149504 85d5c8bb0841e0a964ab8bffaec77ee1 1781.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu trong 5 năm qua. Ảnh: Đ.X

“Kim chỉ nam” để Hải Phòng vươn lên là thành phố cảng hàng đầu

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nhấn mạnh vào các cơ chế, chính sách để phát triển TP Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước, động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho thành phố chưa được ban hành như: Thành lập khu thương mại tự do, thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính; nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng.

Vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thức rõ, để tạo động lực cho TP Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng vị trí cần có các cơ chế, chính sách đủ mạnh tạo đột phá, xứng đáng là thành phố cảng, có nền công nghiệp hiện đại là trọng điểm về kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc. 

Để xây dựng và phát triển Hải Phòng như mục tiêu Bộ Chính trị đã đặt ra tại nghị quyết 45, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng cơ chế, chính sách. Đó là:

Phối hợp với TP Hải Phòng thực hiện sơ kết 3 năm nghị quyết số 35 của Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách khác để đề xuất Quốc hội bổ sung, sửa đổi hoặc áp dụng chung cho cả nước.

Hải Phòng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay trong nước và quốc tế, đặc biệt là các cơ chế chính sách đang được áp dụng tại khu thương mại tự do trên thế giới để xây dựng đề án thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng.

Nghiên cứu, xây dựng đề án tổ chức chính quyền đô thị được quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền thành phố gắn với một số cơ chế, chính sách hợp lý, kết hợp đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý theo “mô hình chính quyền đô thị” phù hợp đặc thù đô thị loại 1. 

Tiếp tục nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng của các nước để đề xuất áp dụng thí điểm tại Hải Phòng bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.