Liên quan việc Sở GTVT TP.HCM có văn bản ý kiến về việc đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông), đơn vị này vừa có phản hồi bằng văn bản gửi Sở Nội vụ.
Theo đó, Ban Giao thông chưa đồng tình với một số nội dung do Sở GTVT báo cáo. Ban Giao thông cho rằng Sở GTVT đã sử dụng nhiều số liệu, nhận định chưa chính xác, chưa phản ánh đúng bản chất sự việc dẫn đến nhiều nhận định, kết luận chưa khách quan, chưa phù hợp, đặc biệt cách nhận định trên sẽ dễ gây ra ngộ nhận là mọi chậm trễ hiện nay đều có nguyên nhân từ Ban Giao thông.
Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập Ban quản lý mới
Trước đó, trong báo cáo của đơn vị, Sở GTVT TP.HCM cho rằng Ban Giao thông đang làm chủ đầu tư 162 dự án và thực hiện công tác giám sát nhà nước 8 dự án PPP. Trong đó có 2 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A và các dự án nhóm B, C. Khối lượng công việc quản lý là rất lớn, với tổng nguồn nhân lực hiện nay là 239 người, tính ra trung bình chưa đến 2 người quản lý 1 dự án.
Sở cho rằng với mô hình, số lượng quản lý dự án như hiện nay, Ban Giao thông còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Hiện Ban Giao thông có 10 ban điều hành dự án quản lý hơn 162 dự án, nhưng không có tư cách pháp nhân và không đủ thẩm quyền, chức năng để phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan, dẫn đến quá tải cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo ban.
Ngoài ra, bất cập của Ban Giao thông còn ở giai đoạn chuẩn bị dự án: Công tác tham mưu chuẩn bị dự án chất lượng chưa cao, có lúc gián đoạn làm giảm hiệu quả đầu tư. Như dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài, đến nay đã gần 2 năm nhưng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án chưa được phê duyệt.
Giai đoạn thực hiện dự án, vẫn còn tồn tại hạn chế, thiếu sót ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư. Như đường Vành đai 3 và cao tốc TP HCM – Mộc Bài là các dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, liên quan nhiều ngành lĩnh vực, nhiều chủ thể tham gia, chủ đầu tư chưa kịp thời nhận diện được các vấn đề phức tạp, khó khăn để chủ động đề xuất, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền tháo gỡ.
Sở GTVT cho rằng số lượng dự án mà Ban Giao thông quản lý là rất lớn, đặc biệt các năm gần đây được giao làm chủ đầu tư 2 dự án trọng điểm quốc gia thuộc đường Vành đai 3 và các dự án trọng điểm khác như đường nối Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hóa, xây dựng Nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50.
Chưa kể, nhiều dự án lớn sẽ được triển khai trong thời gian tới như cao tốc TP HCM – Mộc Bài, Vành đai 2, 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT trên đường hiện hữu theo cơ chế đặc thù của NQ 98.
Vì vậy, Sở GTVT đề nghị cần thành lập thêm một Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành giao thông vận tải trực thuộc UBND TP.HCM.
Ban Giao thông phản hồi
Phản hồi về những ý kiến của Sở GTVT TP.HCM, Ban Giao thông cho biết tuy tổng số lượng dự án ban được giao làm chủ đầu tư là 162 dự án, nhưng trong đó đã bao gồm 67 dự án đã và đang quyết toán hoàn thành, 24 dự án đang chuẩn bị đầu tư nên công tác trọng tâm trên thực tế chỉ tập trung vào 71 dự án, bao gồm 23 dự án đang trực tiếp thi công và 48 dự án đang tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Cũng theo Ban Giao thông thì nếu cập nhật đặc điểm thực tế của các dự án Ban đang quản lý thì con số này sẽ là 10 người quản lý một dự án đang triển khai (239 người chia cho 23 dự án đang triển khai).
Về nhận định của Sở GTVT là đặc điểm các Ban Điều hành dự án của Ban Giao thông không có tư cách pháp nhân và không đủ thẩm quyền, Ban Giao thông cho hay, theo quy định, mỗi ban quản lý dự án chỉ có 1 Ban giám đốc và các Ban Điều hành dự án trực thuộc. Các trưởng Ban Điều hành dự án trực thuộc các đơn vị vẫn có thể chủ trì, phối hợp hàng ngày với các địa phương.
Ban Giao thông cũng đặt câu hỏi ngược lại với Sở GTVT TP.HCM: “Nếu Sở GTVT TP lập luận như vậy thì Ban Quản lý dự án chuyên ngành sắp tới (giả sử được thành lập theo kiến nghị của Sở GTVT TP) sẽ khắc phục bất cập này như thế nào? Mỗi Ban Điều hành dự án trực thuộc sẽ có con dấu riêng, kế toán riêng để đủ thẩm quyền giao dịch với các địa phương?”.
Giải thích về dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được giao 2 năm, nhưng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương, Ban Giao thông cho biết, 2 năm qua có nhiều nguyên nhân làm tiến độ kéo dài không do lỗi của đơn vị.
Cụ thể, đó là việc tính toán lại dự án với quy mô thay đổi từ 4 làn xe hạn chế lên 4 làn xe hoàn chỉnh theo chủ trương mới của Thủ tướng; việc phải hoàn tất các thủ tục bổ sung 2.900 tỷ đồng cho dự án từ ngân sách trung ương cho 2 địa phương (chưa có tiền lệ); quan điểm khác nhau giữa Bộ GTVT và Bộ KHĐT liên quan việc đấu nối hay không đấu nối đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài với đường Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, nhiều dự án chậm trễ, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nhà thầu xây dựng yếu kém là công tác từ những đơn vị trước đó. Ban Giao thông chỉ tiếp nhận và triển khai các dự án này từ tháng 5/2019.
“Tóm lại, liên quan đến nội dung nêu trong văn bản số 12456 ngày 16/10 của Sở GTVT, Ban thống nhất là cần phải tiếp tục hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông. Nhưng Ban không thống nhất với cách lựa chọn các thông tin, dữ liệu, phân tích, nhận định của Sở vì các lý do như đã nêu trên”, văn bản Ban Giao thông thể hiện.
Về đề xuất lập thêm Ban quản lý dự án mới của Sở GTVT TP.HCM, Ban Giao thông cho rằng trong trường hợp UBND TP, Sở GTVT nhận thấy trong những năm sắp tới cần có thêm một Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông trực thuộc UBND TP.HCM (tạm gọi là Ban Quản lý dự án giao thông mới), Ban Giao thông đề xuất về mô hình Ban mới và mối quan hệ với Ban Giao thông hiện nay như sau:
Ban Quản lý dự án giao thông mới sẽ có chức năng, nhiệm vụ tương tự như Ban Giao thông hiện nay và có thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý các dự án giao thông triển khai theo phương thức PPP và các dự án mang tính thí điểm, đột phá về cơ chế trên tinh thần Nghị quyết 98.
Ban Quản lý giao thông mới sẽ chuẩn bị đầu tư, triển khai các dự án đầu tư theo phương thức PPP, một số dự án giao thông mới và tiếp nhận một số dự án bồi thường, GPMB, dự án của các chủ đầu tư trước đây (đang quyết toán) từ Ban Giao thông để hai bên cùng nhau đẩy nhanh tiến độ giải quyết các dự án tồn đọng.
Cả hai ban cũ và mới sẽ cùng triển khai các dự án giao thông trọng điểm (không thành lập Ban Quản lý dự án giao thông trọng điểm như đề xuất của Sở GTVT TP.HCM vì mô hình này sẽ gây mất cân đối về nguồn nhân sự giữa 2 ban và dễ ảnh hưởng tâm lý, động lực làm việc của cán bộ, công nhân viên).
Lương Ý