Tiêm chủng đầy đủ theo lịch
Trẻ càng nhỏ khả năng đề kháng chưa được hoàn thiện vì vậy mà khả năng mắc bệnh càng cao, biến chứng càng nặng. Tiêm vaccine là biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa bệnh, giảm nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm.
Hầu hết những bệnh giao mùa đều có thể được ngăn ngừa bằng vaccine, Đảm bảo cho trẻ tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong vòng 2 năm đầu đời, trẻ có thể được tiêm chủng để phòng ngừa rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác nhau, nhất là các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, sởi, lao,…
Thay đổi sinh hoạt cho trẻ
Do thời tiết thất thường kèm theo ẩm thấp, mưa gió, việc thay đổi sinh hoạt cho trẻ là cần thiết. Cụ thể.
– Cần giữ ấm cho trẻ: Các mẹ cần lưu ý trang phục cho trẻ trong ngày để đảm bảo thân nhiệt. Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm, chú ý phần cổ, tay, chân.
– Cần chú ý đến vệ sinh cho trẻ: Bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh trẻ, việc vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng hết sức lưu ý như: Cắt móng tay chân cho trẻ, thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày.
– Cần cho trẻ ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Cha mẹ hãy đảm bảo rằng con được ngủ đủ 9 – 12 tiếng mỗi ngày tùy theo lứa tuổi. Phòng ngủ của trẻ phải thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định, giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
– Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật: Những sợi lông từ chó, mèo hay từ chăn gối, vỏ đệm… không được vệ sinh sạch sẽ là nguyên nhân chính khiến trẻ dễ bị ho, hen suyễn…
Giữ ấm đường thở cho trẻ
Nên duy trì nhiệt độ phòng từ 25-28 độ C, thông thoáng và tránh gió lùa. Giữ ấm đồ ăn, thức uống.
Trước khi cho trẻ ra ngoài nên đeo khẩu trang, đội mũ kín tai, mặc thêm áo khoác và đi giày ấm để tránh cảm lạnh đột ngột. Tuy nhiên không cần ủ ấm quá mức vì nếu mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu, rồi thấm ngược lại dẫn đến cảm lạnh, viêm phổi… Hơn nữa, việc ứ đọng mồ hôi trên da còn là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da, gây ngứa ngáy, khó chịu.
Vận động, vệ sinh đúng cách
Cho trẻ ra ngoài vận động thể chất giúp tăng cường sức đề kháng cũng như tăng hệ miễn dịch cho trẻ. Thời điểm lí tưởng cho trẻ ra ngoài vận động và đón nhận ánh nắng mặt trời vào mùa đông là vào khoảng 8 giờ – 9 giờ30 và buổi chiều từ 15 giờ -17 giờ. Lưu ý cần hạn chế cho trẻ tới nơi đông người, tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh, tránh xa các nguồn ô nhiễm như khói bụi, khói thuốc lá.
Tắm và vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ. Nhiệt độ nước ấm thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 33 độ C đến 36 độ C. Khi dùng tay để thử thì người lớn cảm thấy nước đủ ấm tức là nước đó bị nóng với trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên dùng nhiệt kế để xác định nhiệt độ nước tắm thích hợp cho trẻ.
Khi tắm cho trẻ cần tắm trong phòng kín gió, nếu cần thiết chuẩn bị thêm quạt sưởi và chỉ tắm tối đa trong thời gian 5-7 phút để tránh cảm lạnh. Lưu ý đừng để điều hòa hay quạt sưởi chĩa thẳng vào người bé dễ khiến trẻ bị khô da hoặc gây bỏng.
Chăm sóc đúng cách khi trẻ mắc bệnh
Khi trẻ sốt, cần cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, lau mát cho trẻ và nên đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế.
Khi trẻ ho:
– Đối với trẻ dưới 12 tháng: Vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
– Đối với trẻ trên 12 tháng: Dùng ½ muỗng cà phê mật ong trước khi ngủ 30 phút, sẽ giúp làm giảm cơn ho và ít thức giấc về đêm.
Chủ động đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế nếu diễn tiến bệnh không cải thiện.
Khi trẻ bị nôn ói, tiêu lỏng: Cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước và ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hoá. Tình trạng nôn ói sẽ cải thiện trước, tình trạng tiêu lỏng sẽ ổn sau 5 – 7 ngày. Nếu biểu hiện ngày càng nhiều thì nên đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bi-quyet-giup-phong-benh-cho-tre-luc-giao-mua.html