Nhà sáng lập là nhân tố trung tâm, quyết định khả năng tuyển dụng thành công nhân sự chất lượng cao của start-up trong buổi đầu thành lập.
Trong giai đoạn khởi đầu, do nguồn lực còn hạn chế, định hướng phát triển chưa rõ ràng…, start-up không thể cạnh tranh với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong cuộc chiến giành giật nhân tài. Ngay cả khi tuyển dụng được nhân lực chất lượng cao, việc giữ người tài ở lại làm việc lâu dài cũng là “bài toán” nan giải với start-up.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, giai đoạn đầu, FPT cũng đối diện với thách thức tương tự. Tuy nhiên, FPT may mắn vì những nhà sáng lập là “dân” chuyên Toán, học cùng nhau từ lớp 7. Họ đã hiểu rõ nhau, cùng nhau thi cử, cùng ra nước ngoài học với nhau 5 – 10 năm, sau đó lại cùng thành lập doanh nghiệp.
Trong quá trình xây dựng FPT, ở cương vị người dẫn dắt, ông Bình cũng phải đổ nhiều công sức để thuyết phục nhân sự giỏi về làm với mình. Một trong những người đó là ông Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT.
“Ở thời điểm mời anh Ngọc về FPT, anh Ngọc đang có tất cả, còn chúng tôi không có gì cả”, ông Bình tâm sự.
Theo chia sẻ của Chủ tịch FPT, ông Ngọc được cử đi học tiến sĩ tại nước ngoài; khi trở về Việt Nam, ông nằm trong diện quy hoạch của một trường đại học danh giá. Để mời ông Ngọc tham gia FPT, ông Bình không đếm được bao nhiều lần cất công đến nhà ông Ngọc trò chuyện, tâm sự, thuyết phục.
“Tôi vẽ ra ước mơ lớn để chinh phục trái tim và trí óc của những người như anh Ngọc. Như Steve Jobs từng nói với cộng sự John Sculley: Anh về với tôi thay đổi thế giới, hay đi bán nước pha đường”, ông Bình “tiết lộ” chiến lược thuyết phục người tài của mình.
Chủ tịch FPT cho biết thêm, ở FPT, để giữ chân người tài, cùng với việc vẽ ra ước mơ đủ lớn, đội ngũ nhà sáng lập cần có những hành động thực tế, có kế hoạch để từng bước đạt mục tiêu. Xuyên suốt quá trình đó, lãnh đạo FPT luôn tâm niệm, cả Công ty là một gia đình, yêu quý, trân trọng người tài bằng cả trái tim và đối xử với người tài như người thân. “Chúng ta cần nhớ, tiền không giữ được người tài. Người tài muốn làm những thứ đáng kể cho đời”, ông Bình nói.
Từ câu chuyện của FPT, có thể thấy, để thu hút nhân sự chất lượng cao, điều kiện tiên quyết là nhà sáng lập phải có kết nối sâu sắc với tầm nhìn, sứ mệnh, là nguồn động lực đưa start-up hướng về giấc mơ lớn trong tương lai. Đây chính là sợi dây kết nối nhà sáng lập với những người ủng hộ ở giai đoạn đầu. Họ tìm thấy nhau vì có chung tầm nhìn, họ gắn bó với nhau vì muốn cùng nhau hiện thực hóa tầm nhìn đó.
Tiếp theo, nhà sáng lập cần có khả năng truyền cảm hứng và năng lực triển khai, hiện thực hóa tầm nhìn. Như vậy, những nhân sự chất lượng cao mới có thể tin tưởng vào ý chí, năng lực của nhà sáng lập, từ đó cùng nhà sáng lập bền bỉ vượt qua thách thức luôn thường trực tại start-up để chinh phục giấc mơ lớn.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, có một hiệu ứng cần chú ý trong quá trình tuyển dụng nhân sự của start-up, được gọi là hiring effect. Hiểu một cách đơn giản, nhân sự được tuyển vào những ngày đầu sẽ định hình “AND” của start-up; những người tuyển vào sau sẽ có xu hướng sở hữu đặc điểm, năng lực, phẩm chất tương tự những người đi trước.
Hiểu và áp dụng hiệu ứng tuyển dụng này từ giai đoạn sơ khai, start-up có thể tạo đà phát triển tích cực. Cụ thể, những người đầu tiên được tuyển vào start-up là nhân tài với năng lực và phẩm chất tốt sẽ tạo hiệu ứng giúp start-up có thể tuyển được những người sau có năng lực và phẩm chất tốt tương tự. Hơn nữa, những người tài luôn mong muốn được làm việc trong môi trường có nhiều người tài xung quanh, tạo thành một đội nhóm ưu việt, lần lượt giải các bài toán khó trong start-up cùng với các nhà sáng lập.
Nguồn: https://baodautu.vn/bi-quyet-chieu-mo-nhan-tai-trong-giai-doan-dau-khoi-nghiep-d222314.html