Ngày 22/4, Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đã bắt đầu đàm phán với Niger về việc rút hơn 1.000 nhân viên của họ khỏi quốc gia châu Phi này.
Cờ Mỹ và Niger treo cạnh nhau tại trại căn cứ dành cho các lực lượng hỗ trợ xây dựng Căn cứ Không quân Niger 201 ở Agadez, Niger, hồi năm 2018. (Nguồn: AP) |
Hồi tháng 3, chính quyền quân sự Niger thông báo sẽ chấm dứt thỏa thuận hợp tác quân sự với Mỹ. Vào tuần trước, Washington cũng đồng ý rút quân và cho biết sẽ cử một phái đoàn đến thủ đô Niamey của quốc gia Tây Phi này trong vài ngày tới.
Al-Monitor đưa tin, chia sẻ với báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder nói: “Chúng tôi có thể xác nhận việc bắt đầu các cuộc thảo luận giữa hai nước về việc rút quân Mỹ khỏi Niger một cách có trật tự”.
Bộ Quốc phòng Mỹ đang cử một phái đoàn nhỏ từ Lầu Năm Góc và Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) tham gia vào các cuộc thảo luận.
Theo ông Ryder, Mỹ sẽ xem xét các lựa chọn để có thể tiếp tục giải quyết các mối đe dọa khủng bố tiềm ẩn sau khi rút quân.
Niger từ lâu đã trở thành trụ cột trong chiến lược của Mỹ và Pháp nhằm chống lại các chiến binh thánh chiến ở Tây Phi.
Sự hiện diện của Mỹ tại Niger trong gần một thập kỷ tập trung vào các hoạt động như huấn luyện quân đội Niger và hỗ trợ các chiến dịch quân sự chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Jama’at Nusrat al-Islam wal Muslimeen, một chi nhánh của al-Qaeda.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng sau cuộc đảo chính quân sự ở Niger vào tháng 7/2023. Sau sự kiện này, Niger cũng đã yêu cầu lực lượng Pháp rời đi và chuyển hướng hợp tác với Nga.
Trước đó, ngày 21/4, hàng trăm người Niger cũng đã biểu tình phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại đất nước của họ.
Cuộc biểu tình do một nhóm gồm 24 hiệp hội xã hội dân sự kêu gọi, diễn ra ở thị trấn sa mạc phía Bắc Agadez, nơi có căn cứ không quân của Mỹ.