Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 của cụm thi đua số 4 diễn ra tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM ngày 7.7. Nhiều ý kiến từ các trường ĐH được chia sẻ liên quan đến các tiêu chí thi đua khối đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT trong năm học. Đặc biệt, các trường nhấn mạnh tiêu chí xét thi đua liên quan đến việc tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Nên xem xét lại tiêu chí đánh giá thi đua liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh
Chia sẻ tại hội nghị, GS-TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết năm học vừa rồi trường ông đã nhận được 2 kết luận thanh tra yêu cầu giải trình. Trong đó, một kết luận về việc vi phạm hành chính do vượt chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo GS Toàn, trước đây Trường ĐH Cần Thơ có chỉ tiêu đào tạo sư phạm khoảng 1.000 mỗi năm, năm ngoái giảm xuống còn 520 chỉ tiêu – tức mỗi ngành chỉ tuyển 15 chỉ tiêu. Riêng ngành sư phạm hóa học, trường lấy điểm chuẩn ở mức 22 và xét từ trên xuống được 17 thí sinh. “Nếu hạ xuống 0,01 điểm thì bị giảm 5 thí sinh, tức thiếu chỉ tiêu nên trường quyết định giữ mức 22 điểm. Với điểm chuẩn này, 1 thí sinh ảo trúng tuyển không nhập học nên trường chỉ vượt 1 thí sinh. Nhưng trên tổng 15 chỉ tiêu của ngành, trường vẫn tuyển vượt 6,6%”.
Từ thực tế trên, GS Hà Thanh Toàn kiến nghị: “Những vấn đề có tính chất khách quan cần được xem xét trong vi phạm hành chính hoặc đánh giá trong thi đua khen thưởng”.
Góp ý tại buổi làm việc, tiến sĩ Lê Trường Sơn, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng đưa ra góp ý từ việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu ảnh hưởng đến kết quả xếp loại thi đua năm học của các trường. Ông Sơn nói: “Các trường công không bao giờ có ý nghĩ cố ý vượt chỉ tiêu để vi phạm các quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh hiện nay như ‘đếm cua trong lỗ’, các trường phải xác định điểm chuẩn để vừa đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh vừa không bị vượt. Dù căn rất sát nhưng có những trường hợp không loại trừ được dẫn đến tuyển vượt 3-4%”.
Do đó, theo Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, việc cụm có kiến nghị nên xem xét lại tiêu chí đánh giá thi đua liên quan đến chỉ tiêu tuyển sinh là rất hợp lý.
Chỉ tiêu tuyển sinh nên tính theo quy mô đào tạo 4-5 năm
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng chia sẻ liên quan đến việc tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH. Nêu ví dụ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ông Lý cho biết tại thời điểm báo cáo, trường vượt chỉ tiêu 103,4% nhưng đến thời điểm trước khi làm việc với thanh tra Bộ GD-ĐT, số tuyển vượt chỉ còn 101,9%. Trong khi đó, báo cáo tỷ lệ sinh viên khoá tuyển sinh 2018 cho thấy tỷ lệ ra trường chưa tới 90%.
Từ thực tế đó, tiến sĩ Lý đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH nên chăng tính theo quy mô đào tạo 4-5 năm. “Năm nay có thể vô ý tuyển vượt chút, năm sau sẽ điều chỉnh giảm xuống. Việc điều chỉnh quy mô đào tạo trong 4-5 năm sẽ tránh việc các trường rơi vào tình trạng bị xử phạt vượt chỉ tiêu ‘oan'”, tiến sĩ Lý chia sẻ thêm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị các trường tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thi đua khen thưởng trong các lĩnh vực quản lý, giảng dạy và học tập. Đặc biệt là trong học tập, cần phải quan tâm tới phong trào thi đua khen thưởng của sinh viên để tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng và khơi dậy khát vọng cống hiến của các em. Từ các phong trào thi đua tạo động lực giúp sinh viên phát huy tinh thần học tập đạt được những thành tích cao hơn.
Được thành lập từ năm 2020, cụm thi đua số 4 gồm 7 trường ĐH bao gồm: Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Kinh tế quốc dân và Trường ĐH Ngoại thương. Tại hội nghị, Trường ĐH Cần Thơ đã được trao vai trò là Cụm trưởng cụm thi đua số 4 năm học 2023-2024.
Liên quan sự việc này, tháng 6 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có thông báo tạm dừng thực hiện quyền tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm đối với một số trường ĐH do vi phạm về tuyển sinh, cụ thể là tuyển vượt số lượng chỉ tiêu so với quy định. Nội dung này cũng được bàn luận sôi nổi trong hội thảo góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 04 năm 2021 và Nghị định 127 năm 2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ngày 2.6 tại TP.HCM.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết sau một năm áp dụng Nghị định 127, trong số khoảng 300 trường ĐH và các trường CĐ sư phạm đã có tới gần 100 trường bị xử phạt. Về căn cứ xác định vi phạm vượt chỉ tiêu tuyển sinh, trong quy định hiện hành chỉ tính theo tiêu chí tỷ lệ phần trăm nhưng theo dự thảo sửa đổi, căn cứ này được xác định gồm cả tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối. Theo tổ soạn thảo, việc bổ sung tiêu chí này nhằm tránh tình trạng ngành hoặc lĩnh vực có chỉ tiêu thấp, số lượng tuyển vượt tuyệt đối rất nhỏ vẫn bị xử phạt.
Theo quy định hiện hành, mức phạt thấp nhất từ 5-10 triệu đồng áp dụng khi trường tuyển vượt từ 3% đến dưới 10% chỉ tiêu. Nhưng với dự thảo mới, mức phạt này được áp dụng trong trường hợp số tuyển vượt từ 3% đến dưới 10% và số lượng người học tuyển vượt từ 60 người trở lên. Tương tự ở các mức tiếp theo, số tiền phạt tăng lên cùng với tỷ lệ và số lượng người học tuyển vượt.