Mới đây VietNamNet nhận được đơn thư từ một nhóm giáo viên Trường THCS Lý Nam Đế, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Theo đơn, nhóm giáo viên cho rằng, hiệu trưởng Trường THCS Lý Nam Đế có sự ưu ái khi phân công không đúng chuyên môn một số giáo viên trong nhiều năm. Họ thắc mắc “giáo viên môn nào cũng có, tại sao phải hoán đổi cho nhau?”.
Đơn phản ánh nêu trường hợp cô giáo N.M.D khi về trường là giáo viên tổng phụ trách, có bằng cấp về môn Công nghệ nhưng được phân công dạy Toán. Còn giáo viên có chuyên môn Toán lại được phân công dạy Công nghệ.
Hay cô B.T.B.D có quyết định tuyển dụng và bằng cấp là giáo viên Tin học nhưng được phân công dạy cả Toán và Tin học. Tương tự, cô N.T.T.L vốn là giáo viên Địa lý nhưng được dạy Văn và Địa lý.
Cũng liên quan vấn đề này, nhóm giáo viên thắc mắc việc nguyên phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của trường từng phân công giáo viên dạy Toán đi tập huấn Công nghệ, trong khi giáo viên Công nghệ đi tập huấn Toán.
Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Nam Đế xác nhận thực tế này.
Tuy nhiên, theo bà Thảo, việc bố trí này theo năng lực chuyên môn, bằng cấp giáo viên có và trong bối cảnh trường thiếu giáo viên nhằm để đảm bảo định mức về số tiết dạy và tránh lãng phí ngân sách khi thuê thêm giáo viên hợp đồng.
“Trong quyết định điều động và tiếp nhận của cô N.M.D ghi rõ vị trí nhận công tác là giáo viên tổng phụ trách, có trình độ chuyên môn về Công nghệ và Sư phạm Toán. Với một trường hạng 3 như trường chúng tôi thời điểm đó, giáo viên tổng phụ trách phải đảm nhiệm 50% số tiết theo quy định. Trong khi cô N.M.D có bằng đại học chuyên ngành Sư phạm Toán. Chưa kể, trước khi tôi về tiếp quản trường, hiệu trưởng tiền nhiệm cũng đã phân công cô N.M.D dạy Toán. Cô N.M.D cũng chứng minh năng lực khi trở thành giáo viên giỏi môn Toán cấp thành phố. Cô vẫn dạy cả Toán và Công nghệ, chứ không chỉ dạy mỗi Toán. Ngược lại, những giáo viên môn Toán được bố trí dạy môn Công nghệ sẽ dạy cả 2 môn này”, bà Thảo lý giải.
Theo bà Thảo, trường hợp 2 giáo viên B.T.B.D và N.T.T.L cũng tương tự.
“Cô B.D biên chế là giáo viên Tin học nhưng có văn bằng 2 hệ chính quy là Sư phạm Toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cô B.D phải đảm bảo số tiết Tin học của toàn trường theo vị trí việc làm. Nhưng nếu trường thiếu giáo viên Toán, chúng tôi cũng tạo điều kiện để cô dạy 1 lớp. Năm nay, trường có thêm nhân sự dạy Toán, chúng tôi lại bố trí cô B.D dạy chính về Tin học. Còn cô T.L dù vị trí khi tuyển dụng là giáo viên môn Địa lý nhưng bằng tốt nghiệp cao đẳng của cô là ngành Văn-Địa, chưa kể hiện nay cô cũng có bằng cử nhân Văn.
Trong thời điểm thiếu nhân sự, chúng tôi suy nghĩ thay vì thuê thêm giáo viên hợp đồng, tại sao không sử dụng, bố trí nhân sự của trường vừa có đủ điều kiện về bằng cấp vừa có kinh nghiệm đứng lớp và chuyên môn đáp ứng (được tổ chuyên môn thừa nhận). Chúng tôi muốn tạo điều kiện cho giáo viên tâm huyết. Chưa kể các cô giáo cũng được phụ huynh, học sinh tin tưởng”, bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, đây cũng là lý do phân công giáo viên dạy Toán đi tập huấn Công nghệ, trong khi giáo viên Công nghệ đi tập huấn Toán nhằm bồi dưỡng chuyên môn cho họ.
Trong đơn thư, nhóm giáo viên cũng nêu ý kiến về công tác quản lý học sinh, sắp xếp thời khóa biểu không phù hợp của Ban giám hiệu: “Giờ chính khoá dạy chiều, dạy thêm vào sáng. Chưa kể việc dạy tiếng Anh liên kết xen giữa buổi dẫn đến tình trạng học sinh không đăng ký phải lang thang, không người quản lý diễn ra nhiều năm”, đơn thư nêu.
Về điều này, bà Thảo cho hay: “Thời khóa biểu bố trí đảm bảo giáo viên đến trường dạy được nhiều lớp nhất. Các tiết tiếng Anh liên kết chủ yếu vào buổi chiều. Có 1-2 lớp do sắp xếp về nhân sự nên có tiết được đưa lên buổi sáng. Khi thực hiện chương trình dạy học 2 buổi/ngày thì việc có tiết chính khóa rơi vào buổi chiều không trái quy định”.
“Tuy nhiên, năm học này, nhà trường không còn việc bố trí như vậy đối với việc dạy Tiếng Anh liên kết. Với những học sinh có nguyện vọng không học liên kết, chúng tôi tập trung các em về phòng thư viện và do nhân viên thư viện quản lý”, bà Thảo nói.
Bà Thảo cho hay, với tư cách người đứng đầu nhà trường, bà sẽ rút kinh nghiệm trong việc công khai các thông tin, tập trung dân chủ hơn trong hội đồng sư phạm.
Đề xuất cấm công khai thông tin sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức
Tại sao Bộ GD-ĐT rút quy định chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo Luật Nhà giáo?
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bi-phan-anh-phan-cong-giao-vien-mon-cong-nghe-day-toan-hieu-truong-noi-gi-2332355.html