Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sau bài viết “Chiêu trò môi giới nhà đất mua gấp giá cao, bán gấp giá rẻ để dụ khách vào bẫy”, nhiều bạn đọc là nạn nhân của chiêu trò này tiếp tục lên tiếng.
Những chiêu trò đó là gì? Làm cách nào để tránh những cái bẫy ngày càng tinh vi?
Sau đây là lời kể của bạn đọc và tư vấn của chuyên gia.
Bị “gài” mua đất
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà N.P. (quận 3, TP.HCM) cay đắng kể lại câu chuyện bị lừa thông qua chiêu “mua đất gấp giá cao” mà bà là nạn nhân.
Bà P. cho biết bà có rao bán một miếng đất ở Đồng Nai với giá hơn 1 tỉ đồng. Ít hôm sau, bà nhận được cuộc gọi từ một người môi giới là nữ, nói có khách cần mua gấp với giá hơn 2 tỉ đồng. Để tạo lòng tin, người môi giới này nói thị trường bất động sản đang sốt nên bà P. tưởng “vớ” được khách “sộp”.
Bà P. rất hào hứng và vội vã sắp xếp dẫn người khách đi xem miếng đất.
Đến chỗ hẹn, bà P. không thấy khách mà chỉ gặp được người môi giới và liên tục nói về cơ hội đầu tư đất ở chỗ khác.
Rồi đến thời điểm phù hợp, người khách mua đất cũng xuất hiện và hứa mua miếng đất với giá 2 tỉ đồng, gấp đôi giá rao bán ban đầu và hứa đặt cọc 500 triệu.
“Có một miếng đất 100m2 ở Trảng Bom (Đồng Nai), giá cả rất hợp lý”, người môi giới nói, sau đó gợi ý bà P. dùng tiền đầu tư tiếp lô mới để tiền đẻ ra tiền, sau khi “lời” 1 tỉ đồng.
Chỉ sau một vài buổi gặp gỡ, thuyết phục với cả sự tham gia của người hứa mua đất, bà P. nghe xuôi tai và quyết định mua miếng đất giá 3,8 tỉ đồng, đặt cọc trước 1 tỉ đồng.
Theo thỏa thuận, bà P. chỉ cần đưa thêm 500 triệu đồng, 500 triệu còn lại sẽ cấn trừ vào số tiền mà vị khách mua đất của bà P. hứa đặt cọc (thực chất là chiêu gài bẫy của người môi giới).
Kết quả, bà P. đã mua lô đất trên với giá gần 3,8 tỉ đồng, trong khi giá thị trường chỉ 1,6 tỉ.
“Không hiểu tại sao lúc đó đầu óc tôi lại kém sáng suốt và quyết định nhanh chóng như vậy. Nếu bình thường ai mời mua đất cát tôi rất đề phòng, để kéo được tôi ra khỏi nhà đi xem là không thể. Nhưng với chiêu bài hỏi mua đất, trả giá rất cao, tôi đã bị ngợp và từng bước bị dẫn dụ”, bà P. kể lại trải nghiệm “đau thương”.
Bà P. nói cũng không thể kiện cáo được ai vì miếng đất đó thổ cư, có sổ đỏ, chỉ có điều đắt hơn gấp đôi giá thị trường.
Đây không phải trường hợp đầu tiên rơi vào tình huống như trên.
Chị Đ.T. (quận 1, TP.HCM) cũng phản ánh với Tuổi Trẻ Online, cách đây không lâu chị nhận được một cuộc gọi từ người lạ xưng là môi giới nhà đất.
Người này thấy chị đang rao bán căn hộ chung cư ở quận 1 với giá gần 4 tỉ nhưng nói có khách sẽ trả 4,5 tỉ đồng và đòi “mua gấp”.
Chị T. vui mừng vì bỗng chốc bán được giá cao hơn dự tính nên nhanh chóng hẹn môi giới và khách đến xem. Tuy nhiên, môi giới này đòi hẹn gặp chị ở một quán cà phê cùng khách chứ không qua căn hộ xem.
Lo sợ lừa đảo, chị T. kiên quyết không đi và chỉ giao dịch ở nhà. Thấy vậy, người môi giới kia cũng lặn mất tăm.
Đủ chiêu trò
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đinh Minh Tuấn – giám đốc khu vực miền Nam của trang Batdongsan.com.vn, thành viên của Tập đoàn Property Guru – cho biết trước đây nhiều người bị lừa đi “thổ tour”, nhắm vào những người có nhu cầu mua nhà đất.
Hiện nay, theo ông Tuấn, vẫn là chiêu gài khách nhưng những người này chuyển qua nhắm vào những người đang bán nhà đất hoặc chủ động hỏi mua của bất kỳ ai có nhà đất.
Ông Tuấn cho biết có trường hợp rao bán 2 tỉ đồng/lô đất nhưng các đối tượng tiếp cận đã trả lên đến 2,5 tỉ đồng. Sau đó dàn cảnh để thao túng tâm lý bằng chiêu “quân xanh, quân đỏ” và đưa vào tròng như trường hợp của bà N.P. ở trên.
Đáng chú ý, theo ông Tuấn, toàn bộ giao dịch đều đúng quy trình, miếng đất được gài mua đảm bảo tính pháp lý. “Chỉ có điều, giá bán sẽ đắt gấp 2, gấp 3 thị trường”, ông Tuấn nói.
Ngay cả khi biết mình bị lừa, người dân cũng sẽ chẳng làm gì được vì đều là thỏa thuận giữa hai bên.
Trong khi đó, một chuyên gia của OneHousing khuyến cáo khi mua nhà đất, người mua nhất định phải đến tận nơi để xem thật kỹ bất động sản định mua. Ngoài ra, nên đi cùng người có kinh nghiệm để có thể đánh giá được chính xác vị trí thửa đất, khu vực giáp ranh, đường đi, không gian…
Cũng theo chuyên gia, người mua không nên trả tiền một lần cũng như không đặt cọc quá nhiều tiền khi mua.
Để hợp đồng đặt cọc được chặt chẽ hơn, người mua nên liên hệ với phòng công chứng để được tư vấn đầy đủ và soạn thảo những văn bản đặt cọc đúng quy định pháp luật.
Tiền đặt cọc nên được tính sao cho phù hợp với giá trị của nhà đất, tránh trường hợp chủ nhà đổi ý không muốn bán hoặc người mua không muốn mua nữa sẽ bị mất tiền.
Nhắm tới những người thiếu thông tin, người lớn tuổi
Ông Đinh Minh Tuấn lưu ý trước bất kỳ giao dịch bất động sản nào cũng cần tìm hiểu kỹ, tránh vội vã mua bán.
Đa phần những người muốn lừa đảo đều cố tình làm sao đưa nạn nhân vào tình thế gấp gáp, không kịp suy nghĩ hay kiểm tra.
Theo chuyên gia, các đối tượng lừa đảo thường hướng tới những người thiếu thông tin hoặc những người lớn tuổi.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bi-mat-tien-ti-sau-cuoc-goi-mua-dat-gap-gia-cao-20241014075518874.htm