Các bà mẹ Mường Lò truyền lại cho con gái mình những câu thành ngữ mà qua đó, người ta có thể thấy ngay được quan niệm về cái đẹp xuân thì của người phụ nữ theo tiêu chuẩn của người Thái. Ấy là kinh cổm nỗm tẳng (mình thon vú dựng), eo kíu meng day (thắt đáy lưng con tò vò), kinh dao khao lụa (người thon dong dỏng)…
Cái tóc cái răng
Ở Mường Lò nói riêng và Tây Bắc nói chung, đã rất lâu rồi bà con vẫn lưu truyền những câu hát được coi như bao hàm tiêu chuẩn về cái đẹp của phụ nữ: Má thơm mùi quả lê, cao gạc/ Miệng nên khiếu khi hát/ Chân nên công khi xòe… Ngọt ngào như tiếng cười câu hát/Giỏi đánh cồng, ham xòe quạt/Thích gội đầu lá sả tóc như rêu…
Bà Hà Thị Thành, 68 tuổi, ở bản Chao Hạ, Nghĩa Lợi, Nghĩa Lộ (Yên Bái) bảo rằng phụ nữ Thái rất coi trọng mái tóc. Từ nhỏ phụ nữ trong vùng thường xuyên gội đầu bằng nước vo gạo đặc với bồ kết, gội nước vo gạo tóc mềm, mượt và thơm, để cho tóc khô búi ra phía sau, nếu đã có chồng thì búi tóc lên.
“Mỗi bữa nấu cơm giữ lại nước vo gạo bỏ vào chum”, bà Thành nói. “Vài bữa gom lại thì đủ một lần gội. Đầu tiên phải vớt phần nước trong nổi lên trên. Rồi mang phần nước gạo đục như sữa đã bắt đầu chua đó đem đun sôi, kết hợp cùng sả, bồ kết và thứ không được thiếu là cỏ mần trầu. Đợi nước nguội bớt là có thể đem gội đầu”, bà Hà Thị Thành tiết lộ.
Cụ bà Lường Thị Là ở bản Sà Rèn, cũng thuộc xã Nghĩa Lợi thì bảo, phụ nữ Thái khi lấy chồng thì phải “tằng cẩu”, tức là búi tóc vấn cao trên đỉnh đầu, báo hiệu cho người đàn ông khác là gái này đã có chồng, tấm thân ngọc ngà này đã có chủ. Vậy nên để chống tóc xơ, xoăn, phụ nữ Thái dùng nước vo gạo kết hợp sả và cỏ mần trầu nhằm làm tóc suôn, mềm, có “tằng cẩu” cả ngày cũng không sao.
Những nếp nhà sàn ở bản Sà Rèn
Có người nói nước vo gạo để chua chính là dầu gội đầu tinh chất thiên nhiên của người Thái từ bao đời nay. Theo một số nghiên cứu, nước gạo đã lên men thành chất axit loãng có tác dụng bảo vệ tóc. Chúng có khả năng lưu giữ vitamin A và C giúp tóc óng mượt, đồng thời tăng cường vitamin B giúp các tế bào sắc tố màu đen trở nên đen hơn. Đó là lý do vì sao đến các bản làng người Thái, đâu cũng thấy phụ nữ có mái tóc dài, đen mượt, chắc khỏe, có thể búi thành búi lớn trên đỉnh đầu mà không bị gãy ngang hay rụng trên vai.
Bà Là và bà Thành đều không rõ vì sao phụ nữ Thái từ xưa đã dùng mần trầu, thứ cỏ rất phổ biến ngoài đồng ruộng nước ta, để làm đẹp. “Chỉ biết từ xưa các bà các mẹ đã dạy chúng tôi thế”, bà Là nói.
Tất nhiên giới y học không lạ gì tác dụng của cỏ mần trầu. Ngoài chống viêm, hạ sốt, hạ huyết áp, kháng khuẩn… loại thực vật này còn có tác dụng chống rụng tóc, đặc biệt khi kết hợp với bồ kết.
Một bài tư vấn đăng trên báo của Bộ Y tế viết rằng ai bị chứng tóc khô cứng, dễ gãy, đổi màu, dù đã dùng các loại dầu gội không có kết quả kể cả dầu gội bồ kết, thì lấy 40 – 50g cỏ mần trầu, nấu sôi kỹ lấy nước gội đầu hàng ngày. Sau hai tuần sẽ thấy chuyển biến rõ. Sau một tháng tóc mọc đen đều mềm mượt. Dân gian đã truyền miệng “Bồ kết sạch gầu, mần trầu tốt tóc” là vì thế.
Bà Là bảo trước đây phụ nữ Thái có tục nhuộm răng đen như phụ nữ dân tộc Kinh. Ngày nay các cô gái thích để răng trắng. Khi còn tuổi răng sữa, chiếc răng mới nhú, người mẹ luôn chú ý nắn chân răng để khi răng phát triển không bị vênh hay chìa ra.
Các cô gái thường dùng cỏ nhả xay (một loại cỏ mềm) hoặc miếng cau tươi để đánh răng, giúp răng vừa trắng, thơm, lại chắc chân lợi và không hại men. Các bà mẹ Thái còn khuyên con gái tập thói quen không nên xỉa răng, vì xỉa răng, lớn lên chân răng sẽ nhiều khe hở, rất xấu và răng chóng hỏng.
“Nhưng bây giờ bọn trẻ không còn biết cỏ nhả xay, chúng nó quen dùng tăm hơn. Cũng chẳng mấy đứa còn gội đầu bằng nước vo gạo, bằng cỏ mần trầu nữa. Toàn thấy dùng dầu gội đầu bán sẵn thôi”, bà Hà Thị Thành nói.
Xao xác Nậm Thia
Nhiều người nói để cho mình luôn đẹp, ngoài việc ăn uống các sản phẩm miền rừng và ngủ có điều độ, các cô gái Thái biết giữ làn da theo kiểu riêng của mình. Cuộc sống lao động chân tay giúp cho cơ thể phát triển đều, nhưng cũng làm cho làn da dễ rám nắng hoặc bắt bùn. Bởi thế mùa nóng hay mùa lạnh, họ đều dành thời gian ngâm mình hoặc chân tay trong nước, ngâm nước kết hợp với xoa da, tuyệt nhiên không lấy đá ráp kỳ lên da như một số dân tộc khác.
Khi tắm suối, các cô gái để khăn áo trên bờ, nâng váy cao dần theo mực nước, nước đến đâu, váy vấn đến đó, và cuối cùng được gấp trên đầu, cho dù có người đi qua họ vẫn kỳ cọ một cách tự nhiên, thoải mái dưới suối nước trong xanh. Thành ngữ Thái có câu me pạ ló co lưởi (người đàn bà đúc thành khuôn) là có ý nói về cái đẹp khi tắm suối của các “tòa thiên nhiên” ấy.
Truyền tích của người Thái Mường Lò cho rằng ngoài khí hậu, ngoài thổ nhưỡng, vẻ đẹp của cô gái Mường Lò còn đến từ dòng Nậm Thia. Tắm nước Nậm Thia khiến da dẻ cô gái Mường Lò trắng sáng, tóc dài mềm mượt.
Có người bảo rằng, bắt gặp con gái Thái tắm suối, thì đừng nhìn trộm. Phải nhìn thật, nhìn thẳng, nhìn tự nhiên, coi như không có vấn đề gì, thì các em cũng sẽ cảm thấy thoải mái mà tắm tiếp.
Nhưng mấy ngày ở bản Sà Rèn, tôi không thấy ai ra suối tắm, đừng nói đến cơ hội xem các em gái Thái “nâng váy cao dần theo mực nước”.
Bên dòng Nậm Thia đoạn chảy qua bản là một triền đê cao xây bằng bê tông rất chắc chắn. Lòng sông cạn, nước chảy liu riu thành từng con suối nhỏ. Cơ man nào là đá hộc, to cỡ quả mít, quả dưa hấu nằm lổn nhổn khắp đáy sông.
Anh Lò Văn Thủy ở bản Sà Rèn nói trước đây dòng Nậm Thia, hay nay nhiều người gọi là Ngòi Thia, chảy hiền hòa lắm. Lòng sông chỉ có rêu, cát, không nhiều đá hộc như bây giờ. “Đá ấy là do lũ dữ mang về đấy. Xưa Ngòi Thia chảy hiền hòa, nhưng vài năm trở lại đây xuất hiện nhiều lũ lớn”, anh Thủy nói.
Dòng Nậm Thia bây giờ cạn nước, nhiều đá to từ thượng nguồn theo lũ cuốn về nằm rải rác khắp đáy sông
Một thực tế làm thay đổi dòng Nậm Thia là cả chục nhà máy thủy điện mọc ở đầu nguồn, trên dòng suối chính và các chi lưu, như thủy điện Văn Chấn, Noong Phai, Trạm Tấu, Thác Cá 1, Thác Cá 2, Đồng Sung, Pá Hu, Hát Lừu, Nậm Tục, Nậm Đông III, Nậm Đông IV… “Lũ lớn làm sập cầu Ngòi Thia năm 2017, ở đây ai cũng còn nhớ rõ”, anh Thủy nói.
Theo tường thuật của nhiều tờ báo, trưa 11/10/2017 cầu Ngòi Thia bắc qua Nậm Thia ở thị xã Nghĩa Lộ bị sập làm 4 người rơi xuống sông mất tích, trong đó có một phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Nguyên nhân được xác định là do “trận lũ lớn quá”.
“Có thủy điện, Nậm Thia giờ vẫn có nước, nhưng chỉ khi thủy điện xả lũ. Mỗi ngày xả vài lần. Còn hầu hết thời gian, Nậm Thia đoạn chảy qua bản Sà Rèn chỉ như dòng suối cạn vậy thôi”, anh Thủy bảo.
Cũng theo lời anh, “giờ ở đây ít ai còn tắm ngòi Thia vì đầy đá, nước cạn, lúc đầy thì lại chảy dữ dội”. Dân bản ít tắm suối, các cô gái trong bản cũng ít có cơ hội dưỡng da tự nhiên bằng dòng Ngòi Thia như trước.
“Ăn bản Tủ, ngủ Ao Luông, muốn đi tắm truồng thì về bản Phán”, câu ca ấy nay đã không còn đúng. Dòng Nậm Thia qua bản Phán (Nghĩa Lợi, Nghĩa Lộ) không còn hiền hòa, tao nhã như xưa. “Bây giờ muốn tắm suối, hay xem tắm suối thì phải vào Nậm Đông”, anh Lò Văn Thủy bảo.
Nậm Đông là tên bản (xã Nghĩa An, Nghĩa Lộ), cũng là tên dòng Nậm Đông, một phụ lưu của Nậm Thia. Nhưng ai mà biết các cô gái Thái còn tắm được ở Nậm Đông bao lâu nữa, khi ngày càng có nhiều thủy điện mọc lên ở đầu nguồn dòng chảy ấy.
Kỳ trước: Lạc vào miền gái đẹp