Những ngày qua, dọc theo tuyến đường chính dẫn vào xã Ninh Sơn, nông dân trải bạt hai bên đường, đổ bí đỏ thành đống để bán dần, ai cũng than thở vì sản lượng bí đỏ ở địa phương cho năng suất cao nhưng giá cả thấp, ít người thu mua.
Gia đình anh Đoàn Văn Chi (ngụ xã Ninh Sơn) trồng 6 ha bí đỏ da cóc từ đầu tháng 7, dự kiến thu hoạch vào khoảng tháng 10, nhưng giờ đã qua tháng 11 vẫn chưa có thương lái hỏi mua.
“Vụ bí năm nay, tôi đầu tư 100 triệu, dự kiến lượng bí đỏ thu hoạch được khoảng 80 tấn. Hiện giá bí đỏ chỉ bằng 1/3 năm trước nhưng không có thương lái hỏi mua”, anh Chi cho biết.
Tương tự, hàng chục tấn bí ngô của gia đình ông Hoàng Công Nhật (ngụ xã Ninh Sơn) phải thuê xe đem ra dọc đường chất đống. Ông Nhật than vãn: “Mấy năm trước trồng bí đỏ da cóc bán chạy nên nhiều người đổ xô trồng. Năm nay, vì không có thương lái đến mua nên gia đình tôi mang cho bà con dòng họ ở xa, số còn lại đang phải chất đống chờ người mua”
Theo ông Nhật, người dân xã Ninh Sơn trồng hai loại bí đỏ, loại bí da cóc (bí bánh xe) đang được bán với giá 2.800 – 3.000 đồng/kg, còn bí hạt đậu thì chưa đầy 2.000 đồng/kg. Năm ngoái, bí đỏ được bán với giá từ 7.000 – 10.000 đồng/kg.
“Thương lái họ nói các tỉnh phía Nam trồng rất nhiều nên không ra thu mua. Nhiều thương lái còn lấy cớ bí già, xấu, phân ra loại 1 và loại 2, 3 ép giá bà con. Thôi thì mình cứ chất đống, rồi chở ra chợ bán dạo, cũng coi như gỡ gạc lại ít vốn”, ông Nhật chia sẻ.
Theo ông Mai Xuân Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, năm nay trên địa bàn xã diện tích trồng bí đỏ tăng nhiều so với năm trước, từ 250 ha lên hơn 450 ha.
Nguyên nhân do keo trồng trên rừng đã khai thác, đang trồng lại, nên người dân tận dụng đất trống để trồng xen bí đỏ. Cùng với đó do năm trước, bí đỏ cho năng suất cao, lợi nhuận nhiều nên người dân trên địa bàn trồng nhiều.
Về đầu ra của bí đỏ thì những năm trước, nhiều thương lái ở các tỉnh phía Nam ra mua. Tuy nhiên, năm nay các tỉnh phía Nam cũng vào vụ thu hoạch bí đỏ nên thương lái không đến mua khiến bí đỏ của nông dân bị ùn ứ. Ước tính, sản lượng bí đỏ còn nằm trên rẫy của người dân lên tới 6.000 tấn.
“Hiện cơ quan chức năng phối hợp cùng người dân đăng tải sản phẩm bí đỏ lên các trang mạng xã hội, liên hệ với một số nhà ăn của các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa để tiêu thụ, nhưng số lượng chưa cao”, ông Bình nói.
MINH MINH