Sáng 22/3, phiên xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác tiếp tục phần bào chữa.
Tự bào chữa, bị cáo Hồ Bửu Phương, cựu Phó Tổng Giám đốc (TGĐ) phụ trách Tài chính tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho rằng, toàn bộ dữ liệu công ty được thống kê, quản lý bởi văn phòng hội đồng quản trị, bản thân bị cáo cũng không được chia sẻ.
Theo bị cáo, khi điều tra, bị cáo bị đề nghị truy tố là tội tham ô tài sản, bị cáo không hiểu vì sao mình lại tham ô. Nhưng khi đọc cáo trạng, nhìn tổng thể hành vi của bị cáo không quá nghiêm trọng, nặng về.
“Hôm bị VKS đề nghị tuyên phạt 19 – 20 năm tù, bị cáo không biết phải nghĩ gì nữa, không biết tại sao nữa. Thời gian tạm giam bị cáo chưa được gặp gỡ gia đình, rất muốn gặp gia đình. Nhưng đề nghị xong, bị cáo không dám gặp con, vì xấu hổ”, bị cáo Hồ Bửu Phương xúc động, khóc trình bày.
Bị cáo cũng xin HĐXX cân nhắc xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Mắt xích nhỏ cuối cùng trong vụ án
Bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương, luật sư cho rằng, mức án mà VKSND TP.HCM đề nghị đối với bị cáo là quá nặng so với mức độ và hành vi thực hiện.
Bị cáo Hồ Bửu Phương bị VKSND đề nghị HĐXX tuyên phát 19 – 20 năm tù về tội Tham ô tài sản.
Theo luật sư, bị cáo Phương thừa nhận mình đã sai khi phối hợp với các bị cáo khác thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát, để “giải quỹ” bằng cách tạo lập các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đối với các khoản vay tại Ngân hàng SCB, gây hậu quả nghiêm trọng, và bị cáo đã xin nhận một phần trách nhiệm về mình.
Tuy nhiên, vai trò của Hồ Bửu Phương trong hệ thống, quy trình rút tiền từ SCB là hạn chế, mang tính chuyên môn riêng biệt, không như quy buộc của cáo trạng và lời luận tội.
Hồ Bửu Phương là người có chuyên môn sâu về kiểm toán và chứng khoán. Ông có bằng cấp nước ngoài về hoạt động chứng khoán nên được bà Trương Mỹ Lan tuyển dụng vào Vạn Thịnh Phát giữ các vai trò hoạt động chuyên môn sâu.
Luật sư bào chữa cũng cho rằng, tại phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan khẳng định thân chủ mình thực hiện hoạt động chuyên môn, không biết sâu về các công việc nội bộ, nói cách khác, không biết những việc mang tính quan trọng liên quan đến rút tiền, đường đi dòng tiền mà bản thân bà Trương Mỹ Lan chỉ làm việc với những người thân cận.
Ngoài ra khi nhận được hồ sơ các công ty, Hồ Bửu Phương không biết đây là công ty thật hay ma. Vì vậy khi cho ý kiến áp giá, Hồ Bửu Phương dựa trên kiến thức, kinh nghiệm cá nhân để đánh giá rồi áp giá phù hợp theo nhận thức chủ quan của mình.
“Rõ ràng không có sự móc nối, chỉ đạo cụ thể nào từ bà Trương Mỹ Lan trong hoạt động công việc của Hồ Bửu Phương”, luật sư nói và cho rằng, đặt trong bối cảnh, quy mô hoạt động của tập đoàn Vạn Thịnh Phát rất rầm rộ, quy mô, nguồn lực hùng mạnh, gần như vô tận thì việc Hồ Bửu Phương có niềm tin để áp giá cho các công ty là điều có thể giải thích được.
Cũng theo luật sư, phương án “giải quỹ” các khoản vay được SCB giải ngân đã xuất hiện từ trước khi Hồ Bửu Phương giữ chức Phó TGĐ phụ trách tài chính tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Do đó, bị cáo Phương cũng chỉ làm theo thông lệ có từ trước tại Vạn Thịnh Phát mà không dự liệu đến tính đúng sai của hoạt động này nên mong HĐXX, VKS xem xét nội dung này để đánh giá lại hoàn cảnh, bối cảnh phạm tội cho bị cáo.
Luật sư bào chữa cũng cho hay, Hồ Bửu Phương không biết nguồn gốc các khoản tiền được giao thực hiện giải quỹ là tiền được vay trái pháp luật; không biết số tiền này được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng vào mục đích gì trên thực tế.
Do đó, hành vi giải quỹ chỉ là bước giả cách để tạm thời chuyển tiền chưa có lý do sử dụng ra khỏi Công ty vay, rồi sau đó thu hồi lại.
Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét về mức độ hành vi của bị cáo Hồ Bửu Phương chỉ là một mắt xích nhỏ cuối cùng trong vụ án, không phải hoạt động có tổ chức và tinh vi.
Theo cáo trạng, Hồ Bửu Phương là Phó TGĐ phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Đầu tư Vạn Thịnh Phát từ năm 2013 đến 31/7/2020.
Ngoài các nhiệm vụ chuyên môn về tài chính, Phương còn được Trương Mỹ Lan chỉ đạo, giao nhiệm vụ phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Phương Anh và các cá nhân liên quan lên phương án “giải quỹ” đối với số tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân vào tài khoản các Công ty thụ hưởng tiền theo phương án vay khống để Trương Mỹ Lan sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Để giải quỹ, các bị cáo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, trong đó, các công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân (được thuê đứng tên sở hữu cổ phần của công ty “ma” khác).
Sau khi ký hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần và chuyển tiền, các cá nhân sẽ đến Ngân hàng ký chứng từ rút tiền; Công ty thụ hưởng hứa mua cổ phần chỉ hạch toán vào mục “các khoản phải thu”, không làm thủ tục sang tên, chuyển nhượng cổ phần nên không phát sinh thuế, tránh việc bị cơ quan Thuế, cơ quan Thanh tra kiểm tra phát hiện sai phạm.
Mỗi khi cần sử dụng khoản tiền lớn, Nguyễn Phương Anh báo cáo, xin ý kiến Hồ Bửu Phương để tạo lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần. Những lúc như vậy bà Lan sẽ triệu tập Hồ Bửu Phương và Trưởng Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Hà Thục Kim hoặc Đặng Phương Hoài Tâm) và Phan Chí Luân, nhân viên Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để tổ chức họp, thống nhất danh sách, số lượng cổ phần và đơn giá cổ phần tham gia hứa chuyển nhượng cổ phần.
Sau đó Văn phòng HĐQT trình ra danh sách các công ty, cá nhân sở hữu cổ phần để dự kiến tham gia hứa chuyển nhượng cổ phần.
Bị cáo Phương đưa ý kiến về đơn giá áp cho cổ phần từng công ty trên cơ sở đánh giá thời gian thành lập, quy mô vốn, tài sản hiện có (đơn giá cổ phần đối với các công ty mới thành lập, không có tài sản với mức 10.000 đồng/cổ phần đến 30.000 đồng/cổ phần) để bị cáo Lan tham khảo và quyết định.
Trên cơ sở ý kiến của Hồ Bửu Phương, Nguyễn Phương Anh tạo lập các hợp đồng hứa mua, hứa bán cổ phần giữa các công ty (do Phương Anh phụ trách) đã đứng tên vay vốn Ngân hàng SCB, để rút tiền sau khi được giải ngân.
Hồ Bửu Phương yêu cầu Phương Anh làm việc với Phan Chí Luân để lấy phương án hứa chuyển nhượng cổ phần, cùng Luân rà soát các công ty (để tránh tình trạng sở hữu chéo cổ phần giữa các công ty) và áp đơn giá cổ phần tương đối theo quy mô, thời gian thành lập và tài sản của công ty mà bị cáo Luân đã lập theo hướng dẫn và công thức của bị cáo Phương.
Kết quả điều tra xác định: Trong thời gian từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/7/2020, Nguyễn Phương Anh đã báo cáo, xin ý kiến Hồ Bửu Phương để tạo lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần đối với 277 khoản vay của 118 công ty tại SCB, đến ngày 17/10/2022, còn dư nợ gốc là gần 216.983 tỷ đồng và nợ lãi hơn 99.228 tỷ đồng. Trong đó, số tiền được rút ra dưới hình thức tạo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống là 190.771,5 tỷ đồng.