Ngày 20/7, Bệnh viện Tai mũi họng trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi bị chó cào và cắn gây thương tích. Cụ thể, lúc ra khỏi nhà, bé H.P.N. (8 tuổi, trú tại Hà Nội) bị một con chó thuộc giống chó Phú Quốc, cao khoảng 50cm, đang được thả rông và không đeo rọ mõm cào cắn vào tai.
Theo người nhà của bé, do chó lao vào rất nhanh nên không ai kịp ngăn cản. Sau khi bị chó tấn công, bé N. được gia đình đưa đến Bệnh viện Tai mũi họng trung ương. Các bác sĩ đã sơ cứu vết thương rồi hội chẩn với chuyên khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để đánh giá nguy cơ về bệnh dại. Bé trai nhập viện trong tình trạng hoảng hốt, sợ hãi, vành tai phải bị biến dạng, mất một phần sụn, chảy nhiều máu.
Sau khi đánh giá, trẻ đã được tiêm phòng dại và trở lại Bệnh viện Tai mũi họng trung ương thực hiện phẫu thuật phục hồi vành tai.
Bác sĩ Đỗ Bá Hưng – khoa tai thần kinh, Bệnh viện Tai mũi họng trung ương cho biết vành tai phải của trẻ đã bị đứt rời một phần, bờ nham nhở dài khoảng 3cm, lộ sụn. Ê kíp mổ đã tiến hành loại bỏ một phần sụn, cắt lọc phần mép vết thương nham nhở và khâu tạo hình vết rách vành tai.
Bác sĩ Hưng cho biết thêm đã có một vài trường hợp do không biết hoặc chủ quan trong điều trị vết thương do chó, mèo cắn, cào dẫn đến bị nhiễm bệnh dại, trong khi đã lên cơn tỉ lệ tử vong của bệnh dại đến 100%. Theo đó, thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng vi rút dại được truyền sang người. Tới hiện tại, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chỉ phòng ngừa được bằng cách tiêm phòng dại.
Từ đó, bác sĩ Hưng khuyến cáo khi tai nạn xảy ra, cần sơ cứu vết thương đúng cách, tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại càng sớm càng hiệu quả. Đây vẫn là biện pháp hữu hiệu duy nhất để phòng ngừa bệnh dại cho người bị chó cắn.
Lê Trang