Ngày 11/3, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử đối với bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Sau 4 ngày vắng mặt tại phiên tòa, sáng nay, bị cáo Nguyễn Cao Trí được dẫn giải tới tòa để làm rõ hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trả lời xét hỏi của HĐXX, bị cáo Nguyễn Cao Trí, thừa nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố.
Bị cáo Trí khai, quen biết với bà Trương Mỹ Lan từ cuối năm 2017. Sau này, khi hợp tác, bà Lan đã chuyển cho bị cáo khoảng 807 tỷ đồng, nhưng tháng 1/2021 khi ngồi lại thống nhất các khoản phí thì làm tròn số tiền bà Lan chuyển là 1.000 tỷ đồng.
Cũng theo lời khai của ông Trí, sau khi có thông tin bà Trương Mỹ Lan bị bắt, bị cáo rất bối rối vì lo sợ khi xảy ra sự cố sẽ có nguy cơ làm tăng gấp đôi số tiền mà bà Lan đã chuyển. Ngoài ra, bị cáo sợ rủi ro cho bà Lan, vì bà này nhờ môi giới đứng tên chứ không đứng tên trên hợp đồng.
“Lúc đó, bị cáo suy nghĩ nên công khai tên chị Lan để có lợi cho chị. Bị cáo cũng muốn tách bạch khỏi hệ thống của chị Lan nên đã có quyết định dẫn tới sai phạm. Về suy nghĩ chủ quan, bị cáo nghĩ hành động của mình không phải là chiếm đoạt tiền của chị Lan.
Trước khi bị khởi tố, bị cáo biết việc làm đó là không đúng và đã nhiều lần muốn trả lại tiền cho chị Lan nhưng không được chấp nhận. Sau khi bị khởi tố, bị cáo đã nộp lại hơn 800 tỷ và bị phong tỏa tài sản hơn 300 tỷ. Tại phiên tòa này, bị cáo mong muốn tiếp tục dùng tiền mặt để khắc phục toàn bộ số tiền cho chị Lan”, ông Trí trần tình về hành vi của mình.
Cũng theo lời khai của ông Trí, những người mà bị cáo chỉ đạo việc thanh lý hợp đồng đối với bà Lan đều không biết mục đích việc này.
Tại phiên tòa, bị cáo Trí nhờ HĐXX và cơ quan điều tra hỗ trợ thu hồi số tiền 1.500 tỷ đồng mà 400 cá nhân và doanh nghiệp đang thiếu nợ. Tuy nhiên, HĐXX thông báo, việc thu hồi nợ thuộc thẩm quyền của một vụ án khác, bị cáo có thể đề nghị cơ quan điều tra xử lý.
Đối chất tại tòa, bà Trương Mỹ Lan khai, quan hệ giữa bà và bị cáo Trí là bạn bè giúp đỡ lẫn nhau.
“Khi bị bắt tôi không biết chuyện gì. Việc Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt tiền của tôi, tôi rất cám ơn cơ quan điều tra đã điều tra ra. Tuy nhiên, đến nay anh Trí đã khắc phục hậu quả, tôi không có ý kiến gì, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho anh ấy”, bà Trương Mỹ Lan nói.
Theo cáo buộc, từ năm 2017-2020, bà Trương Mỹ Lan đã hợp tác với ông Nguyễn Cao Trí để đầu tư dự án, mua cổ phần một số công ty của ông Trí. Trong đó có thỏa thuận chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty cao su công nghiệp với giá 45 triệu USD. Sau đó, bà Lan đã thanh toán cho ông Trí số tiền 21,25 triệu USD, tương ứng hơn 476 tỷ đồng để mua 31,22% vốn điều lệ ông Trí đang sở hữu.
Do cổ phần Công ty cao su công nghiệp chưa được chuyển nhượng trong vòng 5 năm, ông Trí và bà Lan thống nhất ký “hợp đồng ủy thác đầu tư” và để ông Hồ Quốc Minh (là người quen, môi giới của bà Lan) đứng tên trên hợp đồng.
Tiếp đó, bà Lan thỏa thuận với ông Trí mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh với giá trị 3.000 tỷ đồng. Bà Lan đã đặt cọc và 5 lần chuyển tiền cho ông Trí tổng cộng 20 triệu USD, tương ứng hơn 463 tỷ đồng.
Ngoài ra, giữa ông Trí và bà Lan còn thỏa thuận để bà Lan tham gia đầu tư vào dự án tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, thanh toán tiền theo tiến độ phát sinh chi phí. Bà Lan đã 2 lần thanh toán cho ông Trí, tổng cộng 9,5 triệu USD, tương ứng hơn 220 tỷ đồng.
Tháng 1/2021, ông Trí gặp bà Lan để thống nhất chốt các khoản đầu tư mà ông Trí nhận được tổng cộng là 1.000 tỷ đồng. Để đảm bảo tín nhiệm và tin tưởng, ông Trí thống nhất chuyển nhượng cho bà Lan 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang và đồng ý với bà Lan để Hồ Quốc Minh đứng tên sở hữu cổ phần. Việc chuyển nhượng này không được ghi nhận trên hệ thống sổ sách kế toán.
Tổng số tiền mà ông Trí nhận của bà Lan qua nhiều lần hợp tác là 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi bà Lan bị bắt, ông Trí đã cho soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ Công ty Văn Lang đã ký theo thỏa thuận với bà Lan, chiếm đoạt số tiền 1.000 tỷ đồng.