Nhiều giảng viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) phản ứng trước yêu cầu này của nhà trường. Họ cho rằng tư vấn tuyển sinh là việc của bộ phận tuyển sinh nên không lý do gì buộc giảng viên, nghiên cứu viên phải học quy chế tuyển sinh để làm bài thi.
Làm kiểm tra tối đa 20 lần, phải đạt 10/10 điểm
Trường đại học Bách khoa (Đại học học Quốc gia TP.HCM) vừa gửi email đến toàn thể viên chức, người lao động nhà trường triển khai truyền thông nội bộ về công tác tuyển sinh của trường năm 2024.
Theo nhà trường, để giúp toàn thể viên chức, người lao động có nguồn thông tin để tham khảo, phòng quản trị thương hiệu – truyền thông kết hợp với phòng đào tạo biên soạn và phát hành tài liệu “Thông tin nhà trường và thông tin tuyển sinh Trường đại học Bách khoa năm 2024”.
Đây là tài liệu tổng hợp với 4 phần chính gồm: tổng quan về Trường đại học Bách khoa, thông tin tuyển sinh năm 2024, quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tất cả viên chức, người lao động đều nắm rõ các thông tin nói trên, Trường ĐH Bách Khoa đề nghị viên chức, người lao động thực hiện một bài kiểm tra đánh giá, trong thời gian từ 5h ngày 25-5 đến 5h ngày 27-5.
Cấu trúc bài kiểm tra gồm 30 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm. Viên chức, người lao động sẽ thực hiện bài kiểm tra trên hệ thống mạng của trường.
Theo danh sách của nhà trường, 1.068 người gồm giảng viên, chuyên viên, trợ giảng, nghiên cứu viên và kỹ sư của trường phải tham gia thực hiện bài kiểm tra này.
Đáng chú ý, nhà trường quy định: “Số lần và thời gian làm bài tối đa 20 lần, thời gian làm bài 1 lượt 120 phút. Trường yêu cầu viên chức, người lao động cần phải đạt 10 điểm (trên thang điểm 10) để hoàn thành bài kiểm tra nhằm đảm bảo nắm chắc toàn bộ thông tin”.
Sau khi nhận được thông tin trên, nhiều giảng viên, nghiên cứu viên của trường bức xúc: “Việc tư vấn tuyển sinh là trách nhiệm của phòng truyền thông, phòng đào tạo… tại sao lại bắt giảng viên, nghiên cứu viên phải làm bài kiểm tra này? Điều vô lý hơn là làm bài kiểm tra phải đạt điểm tuyệt đối. Việc này khác gì phải học thuộc lòng quy chế tuyển sinh để làm bài kiểm tra?”.
Bên cạnh đó, một số giảng viên khác còn cho biết họ từng tham gia nhóm tư vấn tuyển sinh với khoa, trường và đã tự làm bài kiểm tra này trước đó, nhưng nay nhà trường lại bắt phải làm lại.
“Trong khi nhiều người đang rất bận rộn coi thi, phản biện luận văn, ngồi hội đồng cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Việc thực hiện bài kiểm tra này không liên quan gì đến chuyên môn và nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu”, một nhóm giảng viên phản ánh.
Không buộc giảng viên học thuộc hoặc trở thành tư vấn viên tuyển sinh
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Bùi Mai Hương – trưởng phòng quản trị thương hiệu – truyền thông nhà trường – cho biết trong bối cảnh quy chế tuyển sinh của Trường đại học Bách khoa có nhiều điểm mới, nhà trường nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyển sinh.
Thực tế cho thấy phụ huynh, thí sinh và cộng đồng xã hội luôn coi thông tin từ cán bộ, giảng viên của trường là một kênh quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn cán bộ, giảng viên chỉ hiểu rõ về lĩnh vực chuyên môn của mình hoặc một số ngành khác liên quan mà chưa có cái nhìn tổng thể về những thay đổi trong các phương thức xét tuyển, học phí, học bổng…
“Thực tế đã có một số tư vấn chưa chính xác trong quá trình học sinh, phụ huynh tham vấn. Do vậy, nhà trường triển khai hoạt động truyền thông nội bộ về thông tin tuyển sinh của trường năm 2024 tới viên chức, người lao động”, bà Hương giải thích.
Cũng theo bà Hương, để đảm bảo viên chức, người lao động nắm rõ thông tin, trường có yêu cầu làm bài trắc nghiệm thông tin trên hệ thống nội bộ của trường.
Do cài đặt trên hệ thống nên có thông báo trước tới cán bộ về số lần làm bài tối đa 20 lần, thời gian làm bài 1 lượt là 120 phút. Việc đánh giá hoàn thành bài trắc nghiệm là làm đúng 30/30 câu hỏi để tránh sai sót trong quá trình truyền tải thông tin.
“Việc thông báo rõ ràng số lần và thời gian làm trắc nghiệm để thầy cô sắp xếp thời gian, trong trường hợp đang làm trắc nghiệm và bận việc khác dừng lại thì hệ thống sẽ ghi nhận và tính lượt làm hoặc sẽ tự động ngắt quá 120 phút để thầy cô sắp xếp. Nhà trường không yêu cầu cán bộ, giảng viên phải học thuộc hoặc trở thành tư vấn viên tuyển sinh”, bà Hương khẳng định.
“Công tác tuyển sinh là nhiệm vụ của giảng viên”
Bên cạnh đó, bà Hương còn cho biết công tác tuyển sinh là một trong các nhiệm vụ quan trọng của nhà trường, nên được các đơn vị đưa vào là một trong các nhiệm vụ thuộc nhiệm vụ 3 (nhiệm vụ 1: giảng dạy, nhiệm vụ 2: nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ 3: các nhiệm vụ khác) của một giảng viên.
Lý giải việc một số giảng viên đã làm kiểm tra, nay phải làm lại, bà Hương cho biết: “Nhà trường đã xem xét lại vấn đề này và không yêu cầu giảng viên trong tổ tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp đã làm trắc nghiệm đợt tháng 3, tháng 4-2024 làm lại phần trắc nghiệm.
Tuy nhiên thầy cô cần tự cập nhật thông tin bổ sung như đã nêu trên bằng nhiều cách như thông qua tờ rơi tuyển sinh, thông tin trên website trường, cẩm nang tư vấn tuyển sinh… Thời gian hoàn thành bài trắc nghiệm trên hệ thống nội bộ sẽ tăng thêm số ngày so với thông báo ban đầu”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bi-buoc-kiem-tra-ve-quy-che-tuyen-sinh-nhieu-giang-vien-truong-dh-bach-khoa-phan-ung-20240520195706574.htm