Thanh HóaĐôi rồng đá hay các pho tượng nghê, sấu đá… được tìm thấy ở Thành nhà Hồ trong các đợt khai quật khảo cổ hầu hết bị chặt đầu.
Ở trung tâm di sản Thành nhà Hồ (còn gọi thành Tây Đô), xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, hiện có hai rồng đá rất lớn nằm song song trên cung đường chính đi xuyên nội thành từ cổng Nam lên cổng Bắc. Theo Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, tượng rồng đầu tiên được một nông dân phát hiện khi cày ruộng trong thành vào mùa xuân 1938. Pho tượng được đưa lên bờ, cọ rửa sạch sẽ.
Cho rằng đã là tượng rồng ở cung đình thì nhất thiết phải có cặp nên các chức dịch trong làng thời bấy giờ đã cho đào bới khắp vùng, tìm được tượng rồng đá thứ hai ngay trung tâm hoàng thành nhà Hồ.
Mỗi con rồng dài 3,4 m, cao 1,2 m, rộng 0,3 m, nặng 3-4 tấn, được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Theo các nhà điêu khắc, đôi rồng mang đặc trưng của rồng thời Trần – Hồ, thân khỏe khoắn thon nhỏ dần về đuôi, uốn bảy khúc, phủ kín vảy. Rồng có bốn chân, mỗi chân ba móng với các túm lông lượn mềm mại. Đầu rồng bị mất nhưng vẫn còn bờm dài lượn chín nếp. Khoảng trống dưới bụng và ô tam giác ghép thành bậc đều được chạm hoa cúc, móc hoa lượn mềm.
Dưới các triều đại phong kiến, tượng rồng bằng đá thường được đặt ở bậc thềm của các cung điện như hiện thấy tại điện Kính Thiên ở hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) hay chính điện Lam Kinh ở Thanh Hóa… Theo Đại Việt sử ký toàn thư, triều đại Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương kéo dài 7 năm (1400-1407), trong hoàng thành Tây Đô có lầu son, gác tía điệp trùng như điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Dực, Đông Cung, Thái Miếu… Vì thế đôi rồng đá cỡ lớn nhiều khả năng nằm ở bậc thềm một trong số cung điện đó.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ, cho hay trong các đợt khai quật khảo cổ tại thành nhà Hồ hơn 20 năm qua còn phát hiện hàng chục cổ vật đá tạc khắc tượng nghê (tương tự con chó), sấu (như con sóc)… và những hiện vật này đều bị chặt đầu.
Ai, thế lực nào đã cho phá hủy đầu rồng cũng như đầu linh vật khác ở thành nhà Hồ hiện vẫn là bí ẩn. Theo ông Long, có ý kiến cho rằng do những người bất đồng chính kiến với nhà Hồ gây ra. Cũng có người nói thời kỳ mới chiếm đóng Việt Nam, người Pháp bắt dân hàng tháng, hàng năm phải trải chiếu hoa trên con đường dẫn tới đôi rồng đá. Người dân bức xúc nên lén chặt đầu rồng.
Còn một cách lý giải lưu truyền trong dân gian là có thời kỳ làng Xuân Giai (nằm ở cổng Nam, thuộc xã Vĩnh Tiến) thường xuyên bị cháy nhà. Người dân cho rằng rồng quay đầu về làng phun lửa gây cháy nên đã chặt đầu rồng.
Người dân quanh thành nhà Hồ còn truyền tai câu chuyện nghe đồn trong mắt rồng ở cung cấm thường được yểm rất nhiều vàng ngọc, châu báu. Lợi dụng lúc trời mưa lớn, hoàng thành hoang vắng, kẻ gian bí mật chặt đầu đôi rồng mang đi xa đập nát để tìm ngọc.
Tiến sĩ Trần Anh Dũng, Viện Khảo cổ học, lại có cách lý giải khác. Rồng là biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh của vương triều thời phong kiến. Khi nhà Hồ để mất nước, sau khi chiếm được kinh thành Tây Đô, quân Minh có thể đã chặt đầu đôi rồng đá như đánh dấu sự sụp đổ, chấm dứt sự tồn tại của vương triều Hồ.
Ngoài ra, chính sách nhà Minh khi đó là ra sức phá hủy những giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng đất họ đô hộ. Vì vậy không những đầu rồng mà hàng loạt linh vật khác cũng bị mất đầu như nghê, sấu…
Ngoài ra, theo ông Dũng, trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có rất nhiều cuộc nội chiến giữa các thế lực nhằm tranh giành sự thống trị, như nội chiến Nam – Bắc triều, chiến tranh Trịnh – Nguyễn, cuộc tấn công của Tây Sơn đối với thế lực họ Trịnh…. “Có thể khi thế lực mới giành thắng lợi hoặc lên thay thế sẽ báo thù bằng cách chặt đầu linh vật của thế lực cũ”, ông Dũng nhận định.
Ngoài thành nhà Hồ còn có nhiều nơi linh vật bị mất đầu như Hoa Lâm Viên (Đông Anh, Hà Nội), văn hóa Chăm ở các tỉnh miền Trung… Linh vật tại các di tích lịch sử phần lớn được làm bằng đá, khối lượng rất lớn nên cũng có thể những kẻ chuyên trộm đồ cổ đã chặt phần đầu để dễ dàng mang đi.
PGS.TS Đặng Hồng Sơn, Phó trưởng khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học và Nhân văn Hà Nội, đồng tình với giả thuyết rằng khi quân Minh xâm lược đã cho phá hủy đầu rồng. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu hay sử liệu nào khẳng định chính xác lập luận này.
Hiện Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ bảo quản, hệ thống lại các cổ vật được tìm thấy qua các đợt khai quật, trong đó có pho tượng linh vật đá bị mất đầu để trưng bày, phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử.
Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, được xây vào năm 1397 dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy, người không lâu sau đó lập ra nhà Hồ, lấy tên nước là Đại Ngu. Tuy nhiên, nhà hồ chỉ tồn tại được 7 năm.
Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng cung điện xưa giờ vẫn nằm ẩn phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng. Ngày 27/6/2011, thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.