Đa dạng sản phẩm từ dừa của tỉnh được giới thiệu ra thị trường.
Sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng
Được mệnh danh là “Thủ phủ dừa” của Việt Nam, tỉnh hiện có diện tích trồng dừa lớn nhất nước, với diện tích hơn 79.000ha. Sản lượng hơn 705 ngàn tấn/năm. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 157 doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa. Tỉnh đang khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ dừa. Diện tích cây ăn trái khoảng 24.000ha, cho sản lượng 300 ngàn tấn/năm (chủ yếu là bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn, trái cây có múi, sầu riêng, măng cụt…).
Dừa uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2018. Đến nay, toàn tỉnh có 9 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được công bố chỉ dẫn địa lý, dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Trong đó, có 7 sản phẩm vừa được công nhận năm 2024 (sầu riêng, tôm càng xanh, xoài tứ quý, cua biển, chôm chôm, gạo và nghêu). Cuối tháng 8-2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký các nghị định thư cho phép sầu riêng đông lạnh và dừa tươi Việt Nam được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Tỉnh có đàn bò với trên 230 ngàn con. Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao văn bằng bảo hộ chứng nhận nhãn hiệu “Bò Ba Tri” từ tháng 12-2016. Đàn heo hơn 440 ngàn con. Đàn gia cầm 7,53 triệu con. Thủy sản đang phát triển theo hướng sản xuất tập trung vùng nuôi tôm công nghệ cao. Diện tích nuôi thủy sản hơn 47.800ha (trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh 12.850ha) cho sản lượng hơn 302 ngàn tấn/năm. Ngành nông nghiệp đã tập trung phát triển vùng sản xuất tập trung tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Trong 4 năm qua, tỉnh đã phát triển thêm hơn 1.500ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, lũy kế đến nay đã phát triển hơn 3.500ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Sản lượng khai thác, đánh bắt khoảng 25 ngàn tấn/năm. Đặc biệt, năm 2009, con nghêu Bến Tre được Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Hội đồng Bảo tồn biển quốc tế (MSC) cấp chứng nhận MSC, giúp giá trị sản phẩm tăng từ 25 – 30%, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao lợi thế cạnh tranh gần nhiều lần trên thị trường thế giới.
Toàn tỉnh có hơn 10 DN lớn chế biến thủy sản, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu nghêu, cá tra, tôm đông lạnh. Đến nay, tỉnh đã xây dựng 256 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, có 198 sản phẩm 3 sao, 54 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 5 sao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh, nhằm xây dựng tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cho hàng hóa nông sản, thời gian qua ngành nông nghiệp đã cùng với hệ thống chính trị nỗ lực xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị nông sản chủ lực gắn với vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, GAP và tương đương. Đến nay, toàn tỉnh có 26.470ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương, gồm: dừa (20.401ha), cây ăn trái (664ha) và thủy sản (5.405ha). Đặc biệt, toàn tỉnh thu hút hàng chục DN xuất khẩu nông sản trong nước xây dựng 24 mã số vùng trồng nội địa (diện tích 640,52ha) và xây dựng 62 vùng trồng xuất khẩu, với 152 mã số (diện tích 1.054,93ha). Trong đó, có 6 DN được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường như: Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan…
Cải thiện Môi trường đầu tư, kinh doanh
Thời gian qua, tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút DN nước ngoài vào đầu tư tại tỉnh. Chính quyền tỉnh thân thiện, năng động và cam kết luôn đồng hành với nhà̀ đầu tư và DN.
Dừa uống nước của tỉnh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Từ kết quả của những nỗ lực trên, năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh/thành trong bảng xếp hạng cả nước và đứng thứ 3 ở khu vực ĐBSCL, tăng 6 bậc so với năm 2022 và nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt của cả nước. Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của tỉnh xếp thứ 19 trong bảng xếp hạng cả nước.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Dương Văn Phúc khẳng định: Tất cả những kết quả này đã ghi nhận sự nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền tỉnh trong việc kiên định mục tiêu đồng hành với DN, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đem lại sự hài lòng của nhân dân và DN. Thể hiện rõ sự nhất quán của chính quyền tỉnh là luôn quan tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.
Thông qua các chỉ số phát triển kinh tế tỉnh năm 2023 cho thấy, tỉnh đang phát triển đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 5,16%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người/năm. Kim ngạch xuất khẩu 1.530 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu 450 triệu USD. Cơ cấu kinh tế, công nghiệp – xây dựng chiếm 21,3%, nông – lâm – thủy sản 34,3%, dịch vụ 41%, thuế sản phẩm 3,4%.
Đến tháng 9-2024, tỉnh có 262 dự án, tổng vốn đăng ký 59.590 tỷ đồ̀ng; 68 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 1.656 triệu USD. Toàn tỉnh có 6.384 DN, với vốn đăng ký hơn 77 ngàn tỷ đồ̀ng. Trong đó, có hơn 4 ngàn DN đang hoạt động, với vốn đăng ký 59 ngàn tỷ đồ̀ng. Toàn tỉnh có 198 hợp tác xã, với tổng vốn điều lệ 336,63 tỷ đồng.
Hiện tỉnh có 3 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập. Trong đó, có 2 khu đã lấp đầ̀y 100% (KCN An Hiệp 72ha và KCN Giao Long 168ha), KCN Phú Thuận 232ha đang đầu tư hạ tầng. Có 5 KCN dự kiến mở rộng và thành lập mới, gồm: Mở rộng KCN Giao Long (giai đoạn III), KCN Giao Hòa, Phước Long, An Nhơn, Bảo Thạnh. Bên cạnh đó, còn có các cụm công nghiệp tại các huyện và thành phố; trong đó, có 268ha đã thành lập, dự kiến mở rộng 134ha và sẽ bổ sung mới thêm 515ha.
Với quyết tâm tạo đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh đã tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, chú trọng thực hiện tốt công tác đối ngoại. Đặc biệt, hoạt động đối ngoại kinh tế. Tỉnh đã tận dụng tốt cơ hội các hiệp định thương mại tạo đà để thúc đẩy giao thương và xuất khẩu.
Tỉnh tăng cường quảng bá thương hiệu, liên kết, xúc tiến để thu hút vốn ODA, NGO, FDI, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Cùng với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sự nỗ lực của chính quyền trong hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư, và nhất là khi tuyến đường ven biển dài 53km sắp khởi động (dự kiến vào ngày 2-10-2024), tỉnh sẽ tạo nên sức hấp dẫn và thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong thời gian tới. |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/kinh-te/dau-tu/tiem-nang-the-manh-cua-tinh-trong-thu-hut-dau-tu-a136054.html