Chiều ngày 4/11, phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề tại Phiên thảo luận của Quốc hội về về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn đến các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước bởi sự thấu hiểu, chia sẻ, chăm lo, quan tâm tới giáo dục và đào tạo của nước nhà, tới sự an toàn và phát triển của học sinh, tới sự giáo dục, phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Vướng vấn đề phân cấp quản lý
Về vấn đề tháo gỡ “điểm nghẽn”cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên sau sáp nhập mà đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đề cập, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận đây là vấn đề có thực, đang gặp vướng mắc để quản lý tốt, nâng cao chất lượng. Bộ trưởng cho biết, hiện nay cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở GD&ĐT, 526 trung tâm do Sở Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quản lý, tức là về vấn đề chủ thể quản lý, điều hành hiện nay đang rất đa dạng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: TL. |
“Trong các văn bản quy định hiện nay, có Thông tư 39 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên và Luật Giáo dục ra đời lại quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý, theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01 để làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này. Nhưng tuy nhiên vẫn còn một số điểm vướng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận…
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH để xử lý vấn đề liên quan đến Thông tư 39. Bên cạnh đó đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định 127 về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó xem xét trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trực thuộc đầu mối nào thì hợp lý.
“Chúng tôi đang cân nhắc phương án, giao về Sở GD&ĐT quản lý có lẽ sẽ phù hợp hơn. Đây là vấn đề lớn, chúng tôi đã lên kế hoạch. Cuối tháng 11 này, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc với tất cả giám đốc Trung tâm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên để trao đổi các nội dung cần tháo gỡ” – Bộ trưởng cho hay.
Định hướng lại chính sách phân luồng và hướng nghiệp
Liên quan đến việc phân bổ, hướng nghiệp cho học sinh theo Quyết định 522 năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay học sinh phải đối mặt với sức ép rất lớn khi thi vào lớp 10. Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải đánh giá một cách đầy đủ sau một thời gian triển khai Quyết định 522 xem mức độ phù hợp đến đâu.
Theo số liệu thống kê trong 10 năm của UNESCO, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 15 – 24 theo học các trình độ giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam có xu hướng tăng trong khu vực và cao hơn hẳn mức trung bình của Đông Á, Đông Nam Á; tăng từ 5,2% đến 9,2%; xấp xỉ bằng mức trung bình của Châu Âu, Bắc Mỹ, giữ ổn định trong 17,0 – 17,9%.
Trong khi đó, số liệu thống kê từ năm 2021 -2023 của Bộ GD&ĐT cho thấy, tỉ lệ người học đại học trong độ tuổi từ 18 – 22 của Việt Nam đạt từ 22,9% đến xấp xỉ 30%.
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: TL. |
Chúng ta chỉ ở mức bình quân của các nước trung bình và thấp hơn rất nhiều với các nước trong khu vực. Ví dụ: Thái Lan 34,8%, Singapo 54,9%, Đức 44,2%, Anh 44,36% và Mỹ xấp xỉ 46%, thấp hơn hẳn những nước có thu nhập trung bình cao gần 37%.
Như vậy, mô hình hình tháp nhọn truyền thống là lấy cơ sở là đào tạo sơ cấp, trung cấp không còn phù hợp. Mức độ đáy của trình độ đào tạo nghề nghiệp đang dần tiệm cận lấy trình độ đại học làm chuẩn.
Vì vậy, cần tính toán lại ở tầm vĩ mô cơ cấu và quan điểm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Quan điểm thầy – thợ trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng đang tiệm cận với nhau, rất khó phân biệt đâu là thầy, đâu là thợ, đặc biệt là các ngành nghề chất lượng cao và mũi nhọn.
Về nội dung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề mới nổi, các ngành công nghệ kỹ thuật mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế với tỷ trọng các doanh nghiệp FDI khá lớn. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI là thường sẽ đem theo những lĩnh vực mới vào Việt Nam và việc chúng ta đã chuẩn bị được đầy đủ nguồn nhân lực hay chưa vẫn luôn là câu hỏi khó trả lời.
“Cần phải phân tích hết được những khó khăn của việc đào tạo nhân lực đáp ứng cho các doanh nghiệp FDI. Kế hoạch và sự chủ động trong tương lai cần phải tăng lên thì mới có thể đáp ứng được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Liên quan đến vấn đề in ấn và phát hành sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã chấn chỉnh và xử lý những trường hợp liên quan đến lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành sách; đồng thời nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT sẵn sàng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để vấn đề này./.