Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Phú, đến nay, toàn huyện có 14 HTX nông nghiệp (NN) hoạt động cơ bản ổn định, có liên kết tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện như chuỗi dừa, lúa, xoài, rau sạch. Huyện đã chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất NN tập trung gắn với nâng cao chất lượng các chuỗi giá trị sản phẩm NN chủ lực phù hợp từng tiểu vùng theo hướng sản xuất hàng hóa, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, có liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, chuỗi giá trị cây lúa, dừa, xoài và con tôm biển dần hoàn thiện và phát triển; chuỗi giá trị con bò và gia cầm đang từng bước hình thành.
Nuôi tôm càng xanh ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú. Ảnh: CTV
Thực hiện chính sách hỗ trợ hợp tác
Các nguồn vốn chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), vốn khuyến công, khuyến nông được tập trung ưu tiên bố trí hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), HTX đầu tư mở rộng sản xuất như: hỗ trợ Công ty TNHH QT Hải sản Xanh đầu tư máy móc thiết bị sản xuất chả tôm, xúc xích tôm, chả giò, chả cá; HTX Dừa Phú Nông cải tiến máy xay tàu dừa; HTX NN Thới Thạnh đầu tư hệ thống băng tải dừa và ủ phân hữu cơ; HTX Lúa – Tôm Thạnh Phú đầu tư nhà máy xay xát và máy hút chân không; HTX NN Bình Thạnh với mô hình trồng rau sạch với kinh phí 631,3 triệu đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ 11 lượt HTX lập hồ sơ trình hưởng chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí 1,069 tỷ đồng.
Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, huyện đã triển khai thực hiện các đề tài trên địa bàn huyện để ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến hiệu quả như: Đề tài Quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm xoài tứ quý huyện Thạnh Phú, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển nhãn hiệu, kết nối thương mại cho sản phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng thu hoạch xoài tứ quý Thạnh Phú từ 5.486 tấn trong năm 2020 lên bình quân đạt 7.000 tấn/năm. Đề tài Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá hồng Mỹ thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp tại tỉnh đã tạo điều kiện cho sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và được tiêu thụ rộng rãi tại các tỉnh thông qua sàn thương mại điện tử. Nguồn vốn Tiểu dự án 5 WB hỗ trợ xây dựng vùng trồng và 120ha xoài tứ quý đạt tiêu chuẩn VietGAP, kết nối xuất khẩu và các mô hình sản xuất, trong trồng trọt, nuôi thủy sản…
Ngoài ra, từ các nguồn lực hỗ trợ của các dự án, trong dân, DN và nguồn vốn hỗ trợ từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các chương trình, dự án, đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân, DN triển khai đầu tư, nhân rộng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: Mô hình nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao với diện tích đạt 1.200ha; mô hình lúa – tôm với diện tích khoảng 5.500ha (lúa hữu cơ 300ha); mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực với diện tích khoảng 900ha; nguồn vốn Tiểu dự án 5 WB hỗ trợ xây dựng vùng trồng và 120ha xoài tứ quý đạt tiêu chuẩn VietGAP, kết nối xuất khẩu và các mô hình sản xuất trong trồng trọt, nuôi thủy sản. Qua đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng và thu nhập của người dân, DN và thông qua các tổ hợp tác (THT), HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Các nhiệm vụ, giải pháp
Thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh trong hỗ trợ kinh phí sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm NN nên lĩnh vực kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp trên địa bàn huyện có bước phát triển ổn định. Công tác thông tin tuyên truyền liên quan đến chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NN được quan tâm thực hiện. Nông dân, các HTX, THT được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cách thức sản xuất sạch, an toàn. Qua đó, ý thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được nâng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Các HTX NN từng bước mở rộng các dịch vụ cơ bản phục vụ cho sản xuất NN và hoạt động có hiệu quả hơn. Sự liên kết giữa các HTX với các DN trong cung ứng đầu vào và tiêu thụ nông sản, hàng hóa ngày ổn định do các HTX áp dụng tốt các quy trình sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, nhờ đó đã mở rộng thêm quy mô sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho thành viên.
Sắp tới, tỉnh xem xét tiếp tục ban hành các chính sách mới hỗ trợ xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm cấp vùng để hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Hỗ trợ mời gọi DN đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực NN, nhất là sản xuất NN công nghệ cao và đầu tư chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản. Sở NN&PTNT thường xuyên hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn cấp huyện, xã trong triển khai thực hiện Nghị định số 98/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách ưu đãi của Nhà nước có liên quan đến chính sách hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NN và phát triển NN công nghệ cao. Kịp thời tham mưu, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tiếp cận do hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thay đổi nhiều, việc nắm các cơ chế chính sách có lúc chưa kịp thời dẫn đến việc triển khai chậm.