Phát triển du lịch biển tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú.
Khai thác tiềm năng kinh tế ven biển
Tỉnh có 3 vùng kinh tế gồm ven biển phía đông (Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú) và không gian biển thuộc địa phận tỉnh, với chiều dài 65km, vùng Bắc sông Hàm Luông TP. Bến Tre, Châu Thành và Giồng Trôm) và Nam sông Hàm Luông (Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách). Trong đó, khu lấn biển vùng phía Đông được xác định là vùng động lực phát triển, gồm: Huyện Bình Đại rộng 21.000ha, huyện Thạnh Phú 15.000ha và huyện Ba Tri 14.000ha. Khu lấn biển sẽ được đầu tư một cảng biển để đón tàu công suất lớn.
Hệ thống cảng biển và giao thông kết nối được quy hoạch đồng bộ, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, vận tải và du lịch. Song song đó, các dự án điện sinh khối và điện rác cũng được đưa vào kế hoạch phát triển, nhằm đảm bảo sự đa dạng và bền vững của nguồn năng lượng.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã xác định ngành năng lượng mới, năng lượng Hydro xanh là một giải pháp đột phá. Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, thời gian qua, tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư và tập trung triển khai 19 dự án điện gió với tổng công suất 1.007,7MW. Hiện tại, có 9 dự án hoàn tất công tác thi công lắp dựng cơ bản với tổng công suất lắp đặt 365,9MW. Trong đó, có 250,75MW đã được phát điện vận hành thương mại, công suất lắp đặt còn lại 115,15MW nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý đàm phán giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng dự án “Khu tổ hợp Hydro xanh”, nhằm khai thác nguồn năng lượng từ điện gió và điện mặt trời tự sản tự tiêu và sản xuất Hydro xanh.
Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) tương đối hiệu quả, được đầu tư cải tiến, năng suất nuôi đạt khoảng 60 – 70 tấn/ha. Lũy kế đến nay, ước đạt 3.610ha, đạt 90,25% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 4.000ha. Song song đó, tỉnh đang triển khai dự án hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng CNC tại huyện Bình Đại, Ba Tri để tăng diện tích nuôi.
Ngành chế biến thủy sản ước tính tăng trưởng bình quân 0,39%/năm, đóng góp 13,48% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản ước tăng bình quân 10,30%/năm, chiếm 5,56% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Tỉnh tiếp tục nỗ lực khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Các cảng cá tại Ba Tri và Bình Đại đã thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống khai thác IUU. Hiện toàn tỉnh có 3.080 tàu, trong đó tàu đánh bắt xa bờ 2.034 tàu. Tỉnh đã thực hiện chuyển vùng, cải hoán nhiều phương tiện. Đến nay, có 2.006/2.034 (98,6%) tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Những năm gần đây, các huyện ven biển của tỉnh đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của ngành du lịch. Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đã và đang trở thành những điểm đến du lịch mới. Các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng với nhiều tua tuyến có sự liên kết vùng và liên kết với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến tổng lượt khách du lịch đến 3 huyện biển đạt khoảng 2,3 triệu người, chiếm 25,4% so với tổng lượng khách của tỉnh, đem lại nguồn thu khoảng 2.822 tỷ đồng, chiếm 24,6% so với tổng thu từ khách du lịch của tỉnh.
Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, hiện tỉnh có Khu công nghiệp (KCN) Giao Long I, II và KCN An Hiệp đã lấp đầy 100%. Có 8 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, với tổng diện tích 267,94ha; trong đó, 4 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện KCN Phú Thuận và dự án Khu nhà ở công nhân và tái định cư phục vụ KCN Phú Thuận để thu hút đầu tư thứ cấp.
Các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục được đầu tư và đẩy nhanh tiến độ. Tỉnh đã khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8 trên Tuyến đường bộ ven biển. Tỉnh đã chủ động phối hợp với tỉnh Vĩnh Long hoàn thiện hồ sơ thủ tục xây dựng cầu Đình Khao. Tỉnh đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định, trình phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Cửa Đại và hoàn chỉnh đề xuất dự án xây dựng Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh…
Huy động nguồn lực đầu tư
Nhằm huy động nguồn lực lớn từ bên ngoài, tỉnh đã xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn với các chính sách thông thoáng và chỉ số PCI, PAPI thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội thảo quốc tế để quảng bá tiềm năng và thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư lớn.
Dấu ấn quan trọng nhất trong năm 2024 là tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư. Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao 6 quyết định chủ trương/giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 8 ngàn tỷ đồng; ký thỏa thuận hợp tác (MOU) với 23 nhà đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 303 ngàn tỷ đồng. Các thỏa thuận hợp tác được ký kết tại hội nghị là cơ sở ban đầu để các nhà đầu tư tập trung nghiên cứu, chuẩn bị, quyết định và triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhấn mạnh: Việc thực hiện thành công “Tầm nhìn về hướng Đông và tiềm năng phát triển bền vững” có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh, với các trọng tâm như: phát triển kinh tế biển; hạ tầng giao thông trục ven biển; năng lượng tái tạo, cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, chế tạo; hình thành các khu đô thị – dịch vụ – du lịch tổng hợp; nông nghiệp công nghệ cao…
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nêu rõ: “Kết quả Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024 mới chỉ là thành công bước đầu. Nhiệm vụ năm 2025 là phải hấp thu cho được nguồn vốn đó, triển khai các dự án vào thực tế, giúp khai thác các tiềm năng, thế mạnh mà tỉnh đã xác định…”.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong triển khai thực hiện chủ trương chung của tỉnh. Đặc biệt, các vấn đề huy động nguồn lực để triển khai các công trình trọng điểm phát triển về hướng Đông. Với sự quyết tâm từ chính quyền, sự đồng lòng của người dân và sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, tỉnh đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm kinh tế biển và năng lượng tái tạo hàng đầu cả nước.
“Tỉnh còn nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá, lan tỏa cho vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Trong đó, Quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt với tư duy mới, tầm nhìn dài hạn, phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế từ thiên nhiên, con người, truyền thống, văn hóa, lịch sử đã xác định rõ phương hướng phát triển, các nhiệm vụ, giải pháp để tạo đột phá cho tỉnh. Tỉnh sẽ hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước đến năm 2030 và đến năm 2050 là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành động lực phát triển quan trọng của vùng tại đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”. (Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhận định tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024) |
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/van-hoa/du-lich/tap-trung-nguon-luc-phat-trien-ve-huong-dong-a140483.html