Sản xuất thực phẩm và thức uống từ dừa xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Văn Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre cho biết: Bến Tre đã từng không phải là sự lựa chọn của các DN và nhà đầu tư. Trước năm 2009, cầu Rạch Miễu chưa khánh thành, Bến Tre như một ốc đảo, chia cách xứ Dừa với đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Từ sau khi có cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và sau này là cầu Cổ Chiên, Bến Tre đã vươn mình phát triển hội nhập trong và ngoài nước, với nhiều nhà đầu tư.
Để phát triển kinh tế tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng cho DN. Những nỗ lực đó được cộng đồng DN ghi nhận, ủng hộ và đánh giá cao. Cộng đồng DN ngày càng hài lòng về chất lượng điều hành của chính quyền, đánh giá tốt về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư thể hiện ở chỉ số PCI năm sau cao hơn năm trước.
Với góc nhìn của nhà kinh doanh, DN thấy rằng, Bến Tre còn rất nhiều dư địa để khai thác: điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa đã tạo cho Bến Tre sự khác biệt hơn với các tỉnh khác của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp chế biến, kinh tế du lịch và kinh tế biển. Tuy nhiên, đến nay Bến Tre vẫn chưa khai thác và phát huy tối đa tài nguyên bản địa, cũng như lợi thế về đặc trưng sông nước xứ Dừa để phát triển kinh tế – xã hội một cách tương xứng. Với vị trí địa lý vừa gần TP. Hồ Chí Minh, vừa giáp Biển Đông, tạo cho Bến Tre lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển. Đặc biệt là khai thác tiềm năng của chiến lược phát triển kinh tế hướng Đông của tỉnh.
Lợi thế trong thu hút đầu tư FDI
Ông Trịnh Đức Tiếng – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tỷ Thành cho hay: Công ty được thành lập từ năm 2012, với quy mô 2,8ha, vốn đăng ký 20 triệu USD. Lĩnh vực đăng ký đầu tư kinh doanh là giày da. Công ty tọa lạc tại Khu phố 4, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, thu hút 2.334 lao động, đáp ứng xuyên suốt quá trình sản xuất, kinh doanh và quản lý điều hành mọi hoạt động sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 12,4 triệu USD, chủ yếu hàng hóa xuất khẩu sang các nước như: Hà Lan, Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Brazil, Panama, Trung Quốc, Italy.
Công ty TNHH Tỷ Thành là một DN FDI đến Bến Tre từ những ngày đầu sau khi tỉnh có cầu Rạch Miễu. Công ty đã tin tưởng chọn Bến Tre làm nơi đầu tư lâu dài. Bởi, lãnh đạo công ty đã nhìn ra được Bến Tre có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên và tiềm năng, thế mạnh để các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Bến Tre có vị trí chỉ cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 86km và vị trí địa lý thuận lợi giao thương với các tỉnh; vừa là trung tâm kết nối của khu vực. Cùng với đó, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa, với dân số gần 1,3 triệu người, có tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Những năm qua, Việt Nam luôn được các DN FDI đánh giá cao về sự ổn định chính trị – xã hội, qua đó đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, khiến các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất. Đối với tỉnh nhà, cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, nâng cấp để mời gọi đầu tư.
Kết quả nổi bật là trong năm 2023, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bến Tre xếp thứ hạng 7/63 tỉnh, thành phố của cả nước; xếp vị trí thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Nhiều DN FDI đã đầu tư, phát triển thành công ở Bến Tre. Nhiều DN đầu tư vào công nghiệp chế biến dừa, với công nghệ hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực thủy hải sản, du lịch và công nghiệp phụ trợ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Bến Tre tăng bình quân 18,34%, đạt trên 1,5 tỷ USD, đứng thứ 6 của đồng bằng sông Cửu Long.
Là một trong 68 doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại tỉnh Bến Tre, bà Nathwadee Wiratphong – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Alliance One (KCN Giao Long, huyện Châu Thành) kiến nghị cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc phát triển lực lượng lao động. Các cấp lãnh đạo quan tâm hơn đối với đời sống của công nhân lao động. Cụ thể, cần tập trung phát triển mô hình nhà ở xã hội cho công nhân thuê, mua với mức ưu đãi hợp lý. Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Văn Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre đề xuất: Chính phủ, các bộ ngành Trung ương quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo thực hiện hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật vừa mới ban hành như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn tốt hơn. Chính phủ, các bộ ngành Trung ương sớm ban hành chương trình giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình cụ thể; xây dựng bộ Chỉ số xanh (Green Index) thúc đẩy bảo vệ môi trường, thành lập thị trường tín chỉ Carbon, điện mặt trời, điện mái nhà… giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/kinh-te/thuong-mai/tao-lap-moi-truong-thuan-loi-cho-cong-dong-doanh-nghiep-a136465.html