Quang cảnh đêm Đồng khởi 1960. Ảnh: Tư liệu
Phong trào cách mạng bùng lên
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đế quốc Mỹ dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, tuyên bố không thi hành Hiệp định, điên cuồng đàn áp, khủng bố trả thù những người kháng chiến cũ và đồng bào yêu nước khắp miền Nam. Chỉ trong vòng 4 năm (1955 – 1958), cả miền Nam có khoảng 7 vạn người bị địch giết; gần 90 vạn cán bộ, nhân dân bị bắt, tù đày, gần 20 vạn bị tra tấn thành thương tật; chỉ còn khoảng 5 ngàn so với 60 ngàn đảng viên trước đó. Ở tỉnh, địch đã giết hại 2.519 người, bỏ tù 17 ngàn người, hàng vạn người bị bắt bớ, đánh đập, tra khảo. Toàn tỉnh chỉ còn 18 chi bộ với 162 đảng viên; cơ sở nòng cốt bị tiêu hao, tan rã, trên 90% cơ sở nội tuyến trong lòng địch bị phát hiện, toàn bộ vũ khí giấu lại đều bị địch cướp mất.
Trước tình hình đó, tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương họp, thống nhất ban hành Nghị quyết số 15 về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ gìn hòa bình, thực hiện thống nhất đất nước. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu, con đường của cách mạng miền Nam lúc này là “lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Nghị quyết số 15 đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng ở nông thôn và đô thị, mở ra cao trào mới. Thật sự là “pháo lệnh” cho công cuộc Đồng khởi ở miền Nam Việt Nam đầu năm 1960.
Ngày 17-1-1960, Đồng khởi nổ ra đồng loạt trên địa bàn tỉnh. Định Thủy là nơi nổi dậy đầu tiên ở ba xã điểm (Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh), do Tỉnh ủy chỉ đạo, hàng ngàn đồng bào trương cờ, đốt đuốc họp mít-tinh mừng thắng lợi. Từ Đồng khởi đợt 1 diễn ra từ ngày 17 đến 24-1-1960, đến thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị dưới hình thức “tản cư ngược” của hơn 10 ngàn đồng bào kéo dài 12 ngày đêm (bắt đầu từ ngày 1-4-1960) thắng lợi; Tỉnh ủy đúc rút kinh nghiệm và phát động toàn Đảng, quân và dân liên tục tiến công địch bằng các đợt Đồng khởi “nhồi”, Đồng khởi “bồi”, cao điểm là Đồng khởi đợt 2 trong thời gian từ 15 đến 20 ngày, bắt đầu từ ngày 24-9-1960. Cuối năm 1960, qua các đợt Đồng khởi, tỉnh đã giải phóng hoàn toàn 51 xã trên tổng số 115 xã, 21 xã giải phóng một phần. Nhân dân làm chủ 300 ấp trên tổng số 500 ấp. Hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn cơ bản bị phá rã; ta diệt trên 100 đồn bót, thu 1.700 súng; cơ sở đảng và lực lượng cách mạng phát triển rộng, mạnh. Đảng bộ tỉnh có 937 đảng viên, 80 xã có chi bộ; các đoàn thể quần chúng được hình thành và phát triển ở các xã, ấp; hơn 80 ngàn mẫu ruộng được chia cho nông dân nghèo; nội bộ nông dân đoàn kết giúp nhau sản xuất, bảo đảm đời sống.
Chiến thắng bước ngoặt
Thắng lợi của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre đã làm sáng tỏ tính đúng đắn và kịp thời của đường lối cách mạng mà Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15 đã vạch ra và là kết quả của sự lãnh đạo sáng tạo và linh hoạt của Đảng bộ, tinh thần kiên cường, quật khởi của nhân dân tỉnh. Trong phong trào Đồng khởi, quân và dân Bến Tre đã sáng tạo ra và phát triển nghệ thuật tiến công địch một cách độc đáo, thể hiện rõ nét sự kết hợp hai chân: chính trị, quân sự và ba mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận. Phong trào Đồng khởi ở tỉnh mở đầu cho cao trào tiến công và nổi dậy của quân và dân toàn miền Nam, qua đó chuyển tình thế cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công địch, đẩy chế độ Sài Gòn rơi vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện, đối diện với nguy cơ sụp đổ rất cao.
Thắng lợi của phong trào Đồng khởi ở miền Nam khởi đầu từ Bến Tre đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng, từ đấu tranh chính trị là chủ yếu chuyển sang kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang, tạo nên bước ngoặt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Đánh giá về vai trò của phong trào Đồng khởi ở tỉnh nói riêng và cao trào Đồng khởi toàn miền Nam nói chung, Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (6-1973) đã khẳng định: “Phong trào Đồng khởi cuối năm 1959 đầu năm 1960 giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Đây là một cái mốc rất quan trọng chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, tạo cơ sở vững chắc để ta đánh thắng chiến tranh đặc biệt của Mỹ”. Thắng lợi của Đồng khởi là bước khởi đầu quan trọng đưa cách mạng miền Nam nói riêng và cả nước nói chung bước vào những giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành thắng lợi từng bước: đánh thắng chiến lược Chiến tranh đặc biệt (1961 – 1965), chiến lược Chiến tranh cục bộ (1965 – 1968) và chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh (1969 – 1973) của Mỹ, giành thắng lợi cuối cùng trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tầm vóc của Đồng khởi Bến Tre
Tầm vóc của Đồng khởi Bến Tre năm 1960 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được cả nước ghi nhận, thể hiện rõ qua phát biểu của Đại tướng Hoàng Văn Thái – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường trực Đảng ủy Quân sự Trung ương tại Hội nghị tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ ngày 12 đến 17-7-1982): “Phong trào Đồng khởi Bến Tre năm 1960 là một mô hình hoàn chỉnh của khởi nghĩa toàn dân, của khởi nghĩa ở nông thôn đồng bằng. Nó thúc đẩy toàn Nam Bộ nổi dậy chống Mỹ, cứu nước với khí thế long trời lở đất. Vì vậy, Bến Tre là quê hương của Đồng khởi theo đúng nghĩa của Đồng khởi. Những ưu điểm về chỉ đạo phong trào Đồng khởi năm 1960 của Bến Tre đã đóng góp một phần xứng đáng vào nghệ thuật chỉ đạo khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa của Đảng ta”.
Có thể khẳng định, Đồng khởi Bến Tre năm 1960 thực sự để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam (1954 – 1975). Đồng khởi Bến Tre năm 1960 là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Bến Tre, đại diện tiêu biểu cho ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta, thể hiện ở nghệ thuật tổ chức lực lượng, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, giáng đòn chí mạng vào sự tự tin của kẻ thù, lấy trí tuệ của con người để chiến thắng vũ khí và sự hung tàn của chính quyền Ngô Đình Diệm với sự hậu thuẫn của chính quyền Mỹ, tạo nên sự chuyển biến quan trọng, đưa lực lượng cách mạng miền Nam trưởng thành và bước sang những chặng đường tiếp theo của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cố Giáo sư Trần Văn Giàu cũng đã viết trên Báo Đồng Khởi thứ Bảy số Xuân năm 1989, đánh giá: “Kỳ công của Bến Tre mà lịch sử hiện nay và trăm năm sau đã và sẽ khắc trên bản đồng, là cuộc Đồng Khởi năm 1960 mở đầu một cao trào vũ trang đấu tranh dài 15 năm đi đến toàn thắng của kháng chiến chống Mỹ. Tôi biết có nhiều nơi “tranh chấp” (trong số các nhà viết sử thôi) cái danh hiệu Đồng khởi. Là một người chép sử, tôi nhận xét rằng ở mấy nơi miền Trung và miền Nam hồi đó ngay cả trước năm 1960 nữa, quả có những cuộc vũ trang đấu tranh giành quyền làm chủ, nhưng Đồng khởi như là cuộc nổi dậy mang tính quần chúng. Cuộc nổi dậy có tác động lâu dài, rộng lớn và đưa lại nhiều bài học kinh nghiệm rất cơ bản, là thành tích của đồng bào Bến Tre …”. |
Bùi Hữu Nghĩa (tổng hợp)
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/van-hoa/doi-song/su-kien-co-tam-voc-vi-dai-a140837.html