Đoàn cán bộ hưu trí diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý viếng Lăng Bác Hồ. Ảnh: Ngọc Hải
Ấm lòng những chuyến đi
Thành quả của quê hương hôm nay, có bàn tay và khối óc của thế hệ đi trước chung tay xây dựng nên. Người xưa dạy “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, câu tục ngữ không chỉ nhắc ta hãy nhớ đến công sức của người trồng cây mà thực chất là muốn khơi dậy trong ta lòng biết ơn đối với những người đi trước đã cống hiến trí tuệ, sức lực và thành quả của họ ta đang được thừa hưởng.
Ông Nguyễn Văn Lai, sinh năm 1958, nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Tri, khi được hỏi về những chuyến đi nghỉ dưỡng do tỉnh tổ chức, ông Lai bày tỏ niềm phấn khởi: “34 năm công tác phục vụ quê hương, tôi chỉ lo làm, rồi lo đi học để về làm, ít có dịp đi đâu. Tới khi nghỉ hưu, tôi được Tỉnh ủy, Ban Tổ chức quan tâm, cho tham gia các chuyến nghỉ dưỡng. Tôi đã được đi Côn Đảo và xuyên Việt. Đi xuyên Việt là dài ngày nhất, nhưng tôi lại thấy sức khỏe của mình dường như khỏe ra hơn…”.
Chuyến đi mà người đàn ông 67 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Ba Tri cảm thấy ấn tượng nhất là đi xuyên Việt dài 13 ngày vừa qua. Ông Nguyễn Văn Lai kể: “Xúc động nhất là khi tôi được đến thăm quê của Bác Hồ tại Nghệ An. Rồi đi trải dài đất nước, tôi thấy những công trình thủy điện tầm cỡ… đất nước mình đâu đâu cũng đẹp. Đặc biệt, điều kiện để người dân phát triển, làm giàu là có cơ sở. Sự quan tâm của Tỉnh ủy bằng chính sách dành cho những người nghỉ hưu đi nghỉ dưỡng là rất tốt đẹp”.
Nguyên Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bùi Văn Tạo cho hay: “Tôi nghỉ hưu đã 5, 6 năm rồi, nay được tham gia cùng những người bạn trong chuyến đi xuyên Việt 13 ngày, tôi thấy mình khỏe hẳn, nhất là về mặt tinh thần. Tôi nhận thấy sự nỗ lực của người dân từng miền là rất lớn để làm biến đổi quê hương mình. Tỉnh ta đang phấn đấu vươn lên. Tôi cho rằng mỗi cá nhân người Bến Tre và cả những người đã về hưu như tôi, cũng phải cố gắng thực hiện trách nhiệm công dân để đất nước mình, quê hương mình phát triển hơn”.
Nhận xét về sự tổ chức của tỉnh trong các chuyến nghỉ dưỡng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Võ Thị Thủy (nay là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin – Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh) – tham gia trực tiếp chuyến đi nghỉ dưỡng xuyên Việt trong năm 2024 nói: “Cái bao quát nhất mà tôi thấy là sự phấn khởi, vui vẻ vì chuyến đi thực sự là nghỉ dưỡng dành cho cán bộ hưu trí. Từ công tác tổ chức, lịch trình, điểm đến đều thể hiện sự chăm lo cho cán bộ nghỉ hưu thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong đoàn có một số anh chị bệnh nan y, nhưng họ đi cũng rất khỏe. Các chuyến đi nghỉ dưỡng của tỉnh tổ chức, thể hiện sự chăm lo đối với những người đã phục vụ, cống hiến tuổi xuân cho quê hương, mọi người đi rất vui và cảm thấy ấm áp vì nghĩa tình đó. Riêng tôi, khi vào viếng Lăng Bác Hồ, lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc thương Bác và nhớ lời Bác dạy, để tiếp tục cống hiến phục vụ quê hương”.
Chính sách tri ân
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tỉnh đã có chính sách đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, được chế độ nghỉ dưỡng hàng năm. Trên tinh thần này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tổ chức các chuyến đi nghỉ dưỡng trong nước đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nghỉ hưu theo quy định và đối tượng đảng viên tham gia kháng chiến có 40 năm tuổi Đảng trở lên.
Căn cứ vào nguồn quỹ chính sách cán bộ, Thường trực Tỉnh ủy sẽ quyết định tổ chức các chuyến đi trong năm. Từng chuyến đi nghỉ dưỡng do Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề xuất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định. Trong những năm qua, để thực hiện chế độ chăm sóc cho cán bộ, tỉnh có 3 loại hình cho cán bộ đi nghỉ dưỡng. Một là nghỉ dưỡng tại Nhà khách Kỳ Hòa, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Do Nhà khách Kỳ Hòa trước đây là của Nhà khách Bến Tre quản lý. Sau đó, tỉnh đã bàn giao lại cho Thành ủy TP. Hồ Chí Minh quản lý. Vì tình nghĩa đó, mỗi năm, Nhà khách Kỳ Hòa cho tỉnh 1 chuyến nghỉ dưỡng, lưu trú miễn phí. Kế đến, nghỉ dưỡng ngắn hạn như: Trong năm 2024, tỉnh tổ chức đi 5 ngày tham khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại tỉnh Tây Ninh và một số điểm di tích lịch sử của đất nước tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông và Lâm Đồng. Cuối cùng là loại hình nghỉ dưỡng dài ngày xuyên Việt.
Theo ông Trần Ngọc Hải – nguyên Phó chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy rất quan tâm đến chính sách cán bộ. Trong đó, có cán bộ nghỉ hưu, nên đã tổ chức nhiều chuyến tham quan, nghỉ dưỡng. Qua đó, vừa tạo không khí vui tươi, phấn khởi sau những tháng ngày miệt mài phục vụ cho quê hương đất nước, vừa để cán bộ hưu trí thấy được những thay đổi to lớn của đất nước, được tham quan “những công trình thế kỷ” phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, được về với quê cha đất tổ Hùng Vương, được vào lăng viếng Bác, được thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị… Đây là nguyện vọng thiết tha nhất của cán bộ đã nghỉ hưu. Chính sách nghỉ dưỡng hàng năm rất cần được phát huy, phát triển trong thời gian tới, kể cả trong nước và ngoài nước.
“Sau những chuyến tham quan, nguyện vọng của cán bộ nghỉ hưu theo diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý mong muốn Tỉnh ủy duy trì chế độ nghỉ dưỡng trong nước và phát triển thêm đi ngoài nước. Tôi cho rằng, những cán bộ hưu trí với bề dày kinh nghiệm sống và làm việc, nếu được mở mang tầm nhìn, sẽ có thêm điều kiện học hỏi và cống hiến nhiều ý tưởng mới, góp sức xây dựng quê hương”, nguyên Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Kiều Oanh, nay là Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh chia sẻ.
Mỗi chuyến nghỉ dưỡng đều được trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét. Trước mỗi chuyến đi, Ban Tổ chức Tỉnh ủy gửi văn bản đến từng đơn vị để mời cán bộ đi nghỉ dưỡng, có chỉ tiêu cụ thể số người được đi và những chức danh phù hợp theo diện quy định. |
Thạch Thảo
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/van-hoa/doi-song/nhung-chuyen-di-mang-dam-tinh-tri-an-a141021.html