Nhà thơ Chim Trắng (1938 – 2011). Ảnh: ST
Nếu như trên đời có một nhà thơ tài hoa, vô tư mà tốt bụng hơn người ta tưởng – thì đó là Chim Trắng. Anh có đôi mắt đen tròn, trung thực, xúc cảm mạnh mẽ, hào hiệp. Anh Tám Nhàn – tức nhà văn Nguyễn Văn Bổng, từ Cà Mau, sau khi tập huấn anh chị em trẻ ở đây xong, về Càng Long – Trà Vinh mở lớp tập huấn tiếp theo. Chị Yến Ca và Chim Trắng dự lớp này. Tôi đã đọc những câu thơ rất lẫm liệt của Chim Trắng hoặc nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam như:
“Hàm Luông, Hàm Luông ơi mênh mông
Ta viết tên em rực rỡ vô cùng!”
Hoặc:
“Bàn chân con gái bàn chân nhỏ
Em chết buổi chiều nắng rực lên”.
Đến khi gặp Chim Trắng ở trại tập huấn, nhận thấy tác giả hiền và mãnh liệt hơn tôi tưởng qua thơ. Ba Quy (tên nhà thơ Chim Trắng) sống bằng thơ, trong thơ… nhưng anh không hề bình thơ, ngâm thơ hay nói về thơ như nhiều nhà thơ khác (ngay cả Thi hào Puskin – mặt trời thơ Nga, cũng phải đọc tác phẩm của mình).
Sau giải phóng, Chim Trắng “trúng mùa” thơ. Vừa phụ trách Tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh vừa tranh thủ viết. Giai đoạn thơ này có âm vang khác thời “Hoa chói đỏ trái tim bà mẹ Kế” trong cuộc đọ sức với đối phương ở Bến Tre, ở “Mẹ Lương Hòa”. Nhưng Chim Trắng được giới trẻ ủng hộ và cám ơn anh.
Với tôi, kỷ niệm sâu lắng nhất là năm 1974, mùa Đông năm chuẩn bị kết thúc cuộc chiến, tôi lên “R” (Trung ương Cục miền Nam) để chuẩn bị ra miền Bắc theo yêu cầu của Khu ủy Tây Nam bộ. Ba tháng ở lại rừng già Chiến khu Đ – Tây Ninh (Vùng Lò Gò – Xa Mát – Tà Nốt) tôi ở chung cái chòi con của Ba Quy. Anh Sáu Lăng – nhà văn Bùi Kinh Lăng, Trưởng Tiểu ban Văn nghệ “R” nhờ bảo vệ cất cho tôi cái chòi gần đó mà tôi và Chim Trắng vẫn cứ ở chung. Có một bộ vạc nhỏ xíu đủ một đứa nằm, đứa còn lại phải giăng võng phía trên mà ngủ. Sợ muỗi cắn lắm. Muỗi ở Tà Nốt cắn là sốt rét, sốt ác tính ngay. Khi đó Nguyễn Bé mới 14 tuổi, Trần Thanh Phong 16 tuổi vừa lên tới “R” là sốt rét xanh người. Cô Sáu Kiều ở Cà Mau lên dự lớp báo chí cũng bị sốt rét hành hạ. Một hôm tình cờ đọc một đoạn ghi chép của tôi có đoạn đêm lỗi hẹn cùng Thị Tường Sông Đốc, Chim Trắng chợt hỏi “Hình như đây là quê của Sáu Kiều”.
Ba Quy và tôi lấy cái thùng sắt 250 viên đạn đại liên của Mỹ, chọc thủng đít làm bếp nấu nước, nấu cơm, nấu chè… Ba Quy có tính hay lật lật cây củi mới chụm nên lửa cứ tắt, mà tôi giành nhóm lửa thì Quy không cho. Dụm bếp kiểu Ba Quy lâu lắm củi mới cháy tốt, vì củi bị xáo trộn không yên.
Những năm 1990, tôi viết kịch bản phim, Chim Trắng làm tài tử đóng phim, vai thám tử tư… Coi oai nghiêm lắm chớ. Anh em hỏi tôi thế nào? Tôi nói: “Hay thôi”. Các bạn trẻ yêu cầu chúng tôi làm gì, chúng tôi vui vẻ làm. Nếu như điều đó có lợi cho Tổ quốc.
(Nhà báo Nguyễn Bé sưu tầm và giới thiệu)
Nguyễn Bá
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/van-hoa/doi-song/nho-chim-trang-a141289.html