Di tích cấp quốc gia nơi ở và hoạt động của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo (1922 – 1965). Ảnh: ST
Niềm mong mỏi sau hơn 26 năm
Vào ngày 4-2-1998, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UB về việc phát động phong trào thi đua 3 năm 1998 – 2000, trong đó có một nội dung quan trọng là: Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre (1900 – 2000); In tập sách 100 năm xây dựng và phát triển tỉnh; đồng thời mỗi ngành, địa phương và từng đơn vị cơ sở chọn một vài công trình, dự án trọng điểm để tập trung thực hiện và hoàn thành xuất sắc, nhằm lập thành tích dâng quà kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập tỉnh (1900 – 2000). Nhưng thật đáng tiếc, do điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn lúc đó chưa chín muồi, nên nội dung này không thể thực hiện được.
Đến nay, sau khi đã lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài tỉnh, các cán bộ lão thành cách mạng, các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất chọn ngày 1-1 hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập tỉnh. Năm 2025 sẽ là lần đầu tiên được tỉnh long trọng tổ chức công bố và tiến hành kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre (1-1-1900 – 1-1-2025).
Bến Tre trước khi thành lập tỉnh
Ngày 5-1-1876, Đô đốc Duperré, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ ra nghị định phân chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính (Circonscription administrative): Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc (Bassac). Mỗi khu vực hành chính được chia thành nhiều tiểu khu (arrondissement adminitratif). Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sa Đéc thuộc khu vực hành chính Vĩnh Long. Tòa hành chính Bến Tre được xây dựng (nay là Bảo tàng tỉnh).
Vào năm 1892, thực dân Pháp lập hạt Bến Tre (Arrondissement de Bentre) thuộc tỉnh Vĩnh Long, gồm cù lao Bảo (11 tổng, 99 làng) và cù lao Minh (10 tổng, 83 làng). Đến năm 1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên gọi “tiểu khu” (Arrondissement), cũng gọi là Sở tham biện (Inspection) – đơn vị hành chính ở Nam Kỳ lúc đó, thành tỉnh (Province) và phân chia làm 3 miền: Miền Đông gồm 4 tỉnh: Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một. Miền Trung gồm 6 tỉnh: Chợ Lớn, Gia Định, Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre, Sa Đéc. Miền Tây gồm 7 tỉnh: Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng.
Bến Tre lúc này có khoảng 217.000 người, trong đó có 213.000 người Việt, 1.150 người Minh Hương và 2.500 người Hoa. Đến ngày 1-1-1900, thi hành nghị định của Toàn quyền Paul Doumer (ký ngày 20-12-1899), Sở tham biện Bến Tre đổi thành tỉnh cùng lúc với các tỉnh khác ở Nam Kỳ. Tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ gồm cù lao Bảo và cù lao Minh.
Đơn vị hành chính tỉnh qua 125 năm thành lập
Từ năm 1912, Bến Tre có 4 quận: Ba Tri, Sóc Sãi, Mỏ Cày và Thạnh Phú. Năm 1948, cù lao An Hóa thuộc Mỹ Tho mới được chính quyền cách mạng nhập vào phần đất Bến Tre.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng ở Bến Tre đổi tên thành tỉnh Đồ Chiểu, lập thêm huyện Tán Kế, nhưng đến năm 1948 thì giải thể. Từ năm 1948, chính quyền cách mạng lập thêm huyện Chợ Lách. Như vậy, giai đoạn này tỉnh Bến Tre gồm 3 cù lao, có 7 huyện: Mỏ Cày, Thạnh Phú, Chợ Lách, Ba Tri, Châu Thành, Sóc Sãi và An Hóa, với 117 xã.
Trong vùng địch chiếm đóng, tỉnh Bến Tre được đổi tên thành tỉnh Kiến Hòa vào ngày 22-10-1956, theo Sắc lệnh số 143-NV của chính quyền Sài Gòn, gồm ba cù lao: An Hóa, Bảo và Minh. Năm 1957, tỉnh Kiến Hòa có 7 quận. Tỉnh lỵ gọi là Trúc Giang.
Ngày 5-12-1960, dưới thời Tỉnh trưởng Phạm Ngọc Thảo (26-11-1960 – 26-5-1962), chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 1192-NV thành lập quận Hương Mỹ thuộc tỉnh Kiến Hòa, quận lỵ đặt tại Cầu Mống. Ngày 7-3-1963, theo Nghị định số 209-NV, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Đôn Nhơn thuộc tỉnh Kiến Hòa, quận lỵ đặt tại Ba Vát.
Ngày 7-3-1974, chính quyền Sài Gòn có Nghị định số 184-NĐ/NV thành lập thêm quận mới thuộc tỉnh Kiến Hòa là quận Phước Hưng, gồm 9 xã, quận lỵ đặt tại xã Phước Long. Đến năm 1975 (trước khi miền Nam được giải phóng), tỉnh Kiến Hòa gồm 10 quận: Trúc Giang, Hàm Long, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày, Thạnh Phú, Đôn Nhơn, Hương Mỹ và Phước Hưng.
Sau ngày 30-4-1975, khi miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, người dân xứ Dừa được gọi lại tên nơi chôn nhau cắt rốn của mình từ bao đời nay là tỉnh Bến Tre.
Đến cuối năm 2024, theo Nghị quyết số 1237/NQ-UBTVQH15 ngày 24-10-2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025, sau khi sắp xếp lại tỉnh có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 8 huyện và 1 thành phố (TP. Bến Tre, Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Chợ Lách); 148 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 132 xã, 6 phường và 10 thị trấn (Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1-12-2024).
Tính đến năm 2024, tỉnh có diện tích 2.380km2, dân số trung bình trên 1,3 triệu người, mật độ dân số trên 500 người/km2. Tuổi thọ trung bình trên 75.
PV (lược ghi)
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/van-hoa/doi-song/ky-niem-125-nam-ngay-thanh-lap-tinh-a140386.html