Năm 2023, tỉnh Bến Tre đã đạt và vượt 15/24 chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy. Trong đó, các chỉ tiêu cơ bản như thu ngân sách, GRDP bình quân đầu người, lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm, tỷ lệ đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới… đều đạt và vượt so với Nghị quyết. Trong đó, có sự đóng góp của ngành khoa học và công nghệ thể hiện qua đóng góp của các nhân tố tổng hợp TFP vào tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt chỉ tiêu và đạt 47%.
Các công trình, dự án lớn như cầu Rạch Miễu 2, Khu công nghiệp Phú Thuận, các dự án điện gió, tuyến đường bộ ven biển, cầu Đình Khao, cầu Tân Phú… phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương đã và đang được triển khai. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; UBND tỉnh đã tổ chức công bố vào ngày 5/12/2023.
Đặc biệt, trong năm 2023, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo công tác lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt và tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch. Đây là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên phát triển về hướng đông để tạo không gian phát triển mới, nhằm phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước và nâng cao mức sống của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2050 đạt được mục tiêu “là tỉnh phát triển thịnh vượng, trở thành nơi đáng sống”.
Nhấn mạnh về đóng góp của khoa học, công nghệ, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, những ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến đã góp phần đưa Bến Tre giữ vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI cả nước và đứng thứ 3 ở đồng bằng sông Cửu Long; tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 37%; là tỉnh có 9 chỉ dẫn địa lý thuộc nhóm đầu của cả nước về bảo hộ Chỉ dẫn địa lý…
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Tam, vẫn còn tình trạng chậm đổi mới tư duy trong quản lý hoạt động khoa học, công nghệ của một số cơ quan quản lý và ngay trong đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; các chính sách cũng thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, dẫn đến các sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế trong thương mại hóa.
Những thách thức to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ; tình hình thế giới vẫn đang diễn ra phức tạp và khó đoán định…. Do đó, đòi hỏi ngành khoa học, công nghệ Bến Tre phải có những bứt phá, phát triển mạnh mẽ, tăng cường tiềm lực đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh đó, Bến Tre mong muốn hợp tác lĩnh vực khoa học và công nghệ nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung để giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra và phát huy lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long để thúc đẩy sự phát triển chung của vùng, góp phần phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ, phát triển kinh tế đất nước.
Nguồn: https://www.vietnam.vn/khoa-hoc-cong-nghe-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-ben-tre/