Trưởng phòng Kế toán nhà nước Võ Thị Thu Thủy trình bày tại hội nghị.
Thông tư số 17/2024/TT-BTC đã đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, phù hợp với sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật khác như Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và giải quyết một số bất cập khi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 62/2020/TT-BTC như:
Vướng mắc về kiểm soát “Dự toán chi tiết” trong kiểm soát chi mua sắm tài sản công theo quy định tại Thông tư số 62/2020/TT-BTC, cụ thể: tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu khi thanh toán hợp đồng, quy định việc thanh toán không căn cứ theo dự toán cũng như các quy định, hướng dẫn hiện hành của Nhà nước về định mức, đơn giá.
Vì vậy, khi kiểm soát “Dự toán chi tiết” theo quy định tại Thông tư số 62/2020/TT-BTC, các đơn vị gặp vướng mắc đối với các gói thầu có tổng gói thầu không vượt tổng“Dự toán chi tiết”, nhưng một số loại hàng hóa trong gói thầu vượt “Dự toán chi tiết” hoặc vượt tiêu chuẩn, định mức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Nội dung này tại Tờ trình số 245/TTr-PC ngày 18-8-2021 của Vụ Pháp chế – Bộ Tài chính đã trình Bộ giao KBNN chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan (Vụ NSNN, Cục QLCS, Vụ HCSN, Vụ Đầu tư) thực hiện rà soát Thông tư số 62/2020/TT-BTC để báo cáo Bộ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và đã được Bộ phê duyệt.
Vướng mắc trong việc thanh toán theo phương thức đặt hàng, theo đó chưa phân định rõ trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và Kho bạc Nhà nước trong việc thanh toán chi NSNN theo phương thức đặt hàng. Vướng mắc khi kiểm soát chi chi cấp bù tiền miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với các cơ sở giáo dục công lập, kiểm soát chi mua sắm theo phương thức tập trung…
Một số nội dung cần thiết hướng dẫn rõ hơn để có cơ sở thống nhất như hiện như: Chi thanh toán cá nhân qua tài khoản, thu hồi giảm chi hoặc thu hồi nộp NSNN, kiểm soát chi đối với các công trình từ nguồn kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, kiểm soát, thanh toán chi từ kinh phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư tự án hoàn thành của cơ quan chủ trì thẩm tra phê duyệt quyết toán, hướng dẫn kê khai các mẫu biểu…
Để góp phần triển khai thực hiện Thông tư số 17/2024/TT-BTC trên địa bàn tỉnh Bến Tre, đồng thời tạo thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) và KBNN trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi NSNN, Kho bạc Nhà nước Bến Tre (KBNN Bến Tre) đã tổ chức Hội nghị khách hàng năm 2024 nhằm phổ biến cụ thể và trực tiếp đến từng ĐVSDNS một số điểm mới của Thông tư số 17/2024/TT-BTC và một số lưu ý trong thực hiện kiểm soát chi thường xuyên NSNN qua KBNN Bến Tre.
Tham dự hội nghị có Phó giám đốc KBNN Bến Tre Võ Thanh Tâm, lãnh đạo phòng Kế toán Nhà nước và hơn 200 đại biểu là kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó giám đốc KBNN Bến Tre Võ Thanh Tâm nhấn mạnh kiểm soát chi thường xuyên là khâu quan trọng trong chu trình quản lý NSNN. Thời gian qua các đơn vị sử dụng ngân sách cơ bản đã thực hiện nghiêm các quy định về chi thường xuyên NSNN, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN.
Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn các nguy cơ rủi ro cho KBNN và đơn vị sử dụng NSNN, gây thất thoát tiền, tài sản Nhà nước do chưa nắm đầy đủ các văn bản có liên quan, các hồ sơ, thủ tục trong thanh toán các khoản chi thường xuyên NSNN. Hội nghị khách hàng năm 2024 được KBNN Bến Tre tổ chức với mục đích phổ biển các quy định mới, hạn chế các rủi ro trong công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN, tạo thuận lợi cho đơn vị cũng như KBNN trong thực hiện đúng quy định của Luật NSNN.Một số điểm mới của Thông tư số 17/2024/TT-BTC được trình bày như sau:
Các nội dung Thông tư số 17/2024/TT-BTC kế thừa:
– Điều kiện chi NSNN và nguyên tắc kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước: KBNN hướng dẫn trên cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật NSNN và Khoản 5 Điều 56 Luật NSNN.
– Về mức tạm ứng: Tại Điều 7 Thông tư số 62/2020/TT-BTC quy định: Đơn vị sử dụng ngân sách đượctạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng nhưng tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết và không vượt quá dự toán năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Về trách nhiệm quyền hạn của Bộ Tài chính, Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tài chính – Kế hoạch quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan tài chính), trách nhiệm quyền hạn của Kho bạc Nhà nước, trách nhiệm quyền hạn của các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước hướng dẫn trên cơ sở Luật NSNN và các văn bản liên quan,
Một số điểm mới của Thông tư số 17/2024/TT-BTC:
1. Về phạm vi điều chỉnh của Thông tư: bổ sung quy định ngoài nguồn NSNN, KBNN còn kiểm soát chi các khoản chi từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại theo chế độ quy định; Nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí của đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công do NSNN bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4); Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật đối với cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ.
2. Sửa đổi một số nội dung kiểm soát chi đối với đơn vị sự nghiệp công lập để đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP bao gồm:
– Đối với nguồn NSNN cấp, hồ sơ kiểm soát chi theo quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP, KBNN thực hiện kiểm soát, thanh toán trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Quyết định giao quyền tự chủ của cấp có thẩm quyền, quy chế chi tiêu nội bộ.
– Đối với nguồn thu phí được để lại đơn vị sự nghiệp công để chi theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí: KBNN thực hiện kiểm soát, thanh toán như đối với nguồn NSNN cấp và theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23-8-2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí và quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn thu, nộp quản lý và sử dụng từng loại phí.
– Đối với các khoản thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí theo mức giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đơn vị nhóm 3 và nhóm 4, đơn vị sự nghiệp công mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để quản lý. KBNN thực hiện kiểm soát, thanh toán như đối với nguồn NSNN cấp
– Đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ, đơn vị sự nghiệp công được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và chi tiêu theo đúng quy định của pháp luật.
– Đối với các Quỹ được trích từ kinh phí tiết kiệm được mở tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng thương mại, KBNN không kiểm soát việc trích quỹ, sử dụng các quỹ. Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Bộ Tài chính. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công nhóm 4, KBNN thực hiện kiểm soát việc chi từ kinh phí tiết kiệm được tương tự như các khoản chi khác do đơn vị nhóm 4 không thực hiện trích Quỹ.
– Trường hợp đơn vị sự nghiệp công đề nghị mở tài khoản tiền gửi tại KBNN đối với các khoản thu từ hoạt động sự nghiệp, hoạt động kinh doanh, dịch vụ, các khoản thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ y tế dự phòng, học phí theo mức giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đơn vị nhóm 1 và nhóm 2, các Quỹ được trích từ kinh phí tiết kiệm: KBNN không kiểm soát chi, thực hiện chi trả theo đề nghị của đơn vị sự nghiệp công. Đơn vị sự nghiệp công chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và chi tiêu theo đúng quy định của pháp luật.
3. Sửa đổi quy định đối với kiểm soát chi các khoản chi theo hợp đồng mua sắm, dịch vụ: Thông tư phân định rõ trách nhiệm giữa KBNN và ĐVSDNS, trong đó, ĐVSDNS chịu trách nhiệm tuân thủ theo quy định tại Luật Đấu thầu, KBNN kiểm soát đảm bảo có trong Dự toán của cấp có thẩm quyền phê duyệt (không quy định dự toán chi tiết đến từng máy móc, thiết bị) và đảm bảo không vượt định mức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, theo quy định của hợp đồng.
4. Sửa đổi quy định về kiểm soát kinh phí đặt hàng cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, điểm a Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 56/2022/TT-BTC, Điều 12 và Điều 16 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thì: Cơ quan cấp trên giao dự toán đặt hàng cho các đơn vị trực thuộc trong phần kinh phí thường xuyên giao tự chủ. Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng kinh phí đặt hàng để chi cho các nội dung để thực hiện việc đặt hàng (chi lương, chi chuyên môn, chi quản lý…).
Do đó, để đảm bảo tách được kinh phí đặt hàng trong kinh phí thường xuyên giao tự chủ, kiểm soát được việc đặt hàng của cơ quan cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và kiểm soát được việc thực hiện đặt hàng của đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP và Thông tư số 56/2022/TT-BTC, Nghị định 32/2019/NĐ-CP thì tại Thông tư số 17/2024/TT-BTC đã quy định về tạm ứng và thanh toán tạm ứng kinh phí thực hiện đặt hàng.
Cụ thể, căn cứ phương thức thanh toán quy định tại quyết định của cơ quan quản lý cấp trên đặt hàng đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN, KBNN thực hiện tạm ứng vào tài khoản tiền gửi của ĐVSNCL mở tại KBNN theo đúng mức tạm ứng quy định tại Quyết định đặt hàng. Khi chi từ tài khoản tiền gửi của ĐVSNCL, KBNN thực hiện kiểm soát theo đúng quy chế chi tiêu nội bộ và phù hợp với quyết định giao quyền tự chủ của cấp có thẩm quyền, định mức chi theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.
Khi nghiệm thu, KBNN căn cứ quy định về thanh toán, nghiệm thu tại Quyết định đặt hàng và biên bản nghiệm thu đặt hàng giữa cơ quan cấp trên và đơn vị sự nghiệp công lập để kiểm soát theo đúng đơn giá, giá đặt hàng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp đơn vị đã tạm ứng vượt số lượng, khối lượng sản phẩm, dịch vụ công đặt hàng được nghiệm thu thì phải thu hồi và nộp lại số tiền đã tạm ứng vượt so với số lượng, khối lượng đã được nghiệm thu.
5. Thông tư bổ sung nội dung thu hồi giảm chi hoặc thu hồi nộp NSNN để phù hợp với quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP và thực tế thực hiện, so với quy định tại Thông tư số 62/2020/TT-BTC, thì tại Thông tư 17/2024/TT-BTC bỏ quy định ĐVSDNS gửi “Văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” đồng thời, bổ sung nộp trả NSNN đối với trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách hoặc KBNN phát hiện khoản chi sai sau khi kiểm soát.
6. Đơn vị sử dụng ngân sách gửi Kho bạc Nhà nước giấy nộp trả kinh phí để nộp trả kinh phí theo đúng quy định. Trường hợp khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi của nhà nước theo kết luận, kiến nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc ĐVSDNS hoặc KBNN phát hiện sau khi kiểm soát, ĐVSDNS chịu trách nhiệm thực hiện nộp trả NSNN. KBNN thực hiện hạch toán thu hồi giảm chi NSNN (trường hợp chưa quyết toán ngân sách) hoặc thu hồi nộp NSNN (trường hợp đã quyết toán ngân sách).
6. Sửa đổi quy định đối với khoản chi mua sắm theo phương thức tập trung: Thông tư 17/2024/TT-BTC quy định trong danh mục mua sắm tập trung được cấp có thẩm quyền ban hành (theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15), đảm bảo hợp đồng phù hợp với Thỏa thuận khung (thỏa thuận khung được đơn vị mua sắm tập trung đăng tải theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công).
Để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, ngoài việc phổ biết các điểm mới nên trên, Hội nghị còn lưu ý những hành vi dẫn đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN; (iii) một số nội dung trong công tác khóa sổ cuối năm 2024.
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động chi thường xuyên NSNN tại đơn vị. Lãnh đạo phòng Kế toán Nhà nước đã tiếp thu và trực tiếp giải đáp, đồng thời làm rõ những nội dung liên quan đến hồ sơ kiểm soát chi của các khoản chi sửa chữa, chi phúc lợi, chi tiền lương, chi hoạt động hành chính…Với nội dung trình bày rõ ràng, súc tích, có dẫn chứng cụ thể, Hội nghị đã mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong công tác kiểm soát, lập các hồ sơ, chứng từ thanh toán gửi đến KBNN đảm bảo đúng quy định hiện hành.
Kết thúc Hội nghị, đồng chí Võ Thanh Tâm chủ trì hội nghị ghi nhận sự phối hợp của các đơn vị sử dụng ngân sách đã dành thời gian tham dự.
Phó giám đốc Kho bạc Nhà nước Bến Tre Võ Thanh Tâm phát biểu khai mạc hội nghị.
Hội nghị cơ bản đã hoàn thành những nội dung dự kiến, đưa ra các vấn đề trọng tâm trong công tác kiểm soát chi thường xuyên để trình bày và giải đáp. Thời gian tới, KBNN Bến Tre mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp và quan tâm của các đơn vị sử dụng ngân sách để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về kiểm soát các khoản chi thương xuyên NSNN qua KBNN Bến Tre.
Tin, ảnh: Võ Thủy – Phương Thùy – Minh Kha
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/kinh-te/thuong-mai/kho-bac-nha-nuoc-ben-tre-to-chuc-hoi-nghi-khach-hang-nam-2024-a138635.html