Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát cống Cái Hàn.
Đoàn đã đến khảo sát cống Cái Hàn nằm trong dự án hạ tầng thiết yếu hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái hoa kiểng khu vực Mỏ Cày Bắc và huyện Chợ Lách do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Địa điểm xây dựng tại xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách và xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc.
Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lê Minh Truyền cho biết, nội dung và quy mô xây dựng dự án, gồm: Cống, cầu giao thông và nhà quản lý.
Hiện giá trị thực hiện đạt 60% giá trị hợp đồng. Dự án đã hoàn thành công tác đỗ bê-tông bản đáy và đổ bê-tông tường thân cống đến cao trình +1,5. Các hạng mục tiếp theo đang tiếp tục triển khai thi công.
Theo hợp đồng, dự án sẽ hoàn thành vào ngày 4-8-2025, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng cơ sở hạ tầng thuỷ lợi huyết mạch, cần thiết để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ổn định, an toàn và bền vững; ứng phó với tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng sẵn có của vùng, góp phần ổn định đời sống cư dân khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát cống Vàm Định Bình
Đoàn khảo sát cống Vàm Định Bình, xã Hoà Nghĩa huyện Chợ Lách là 1 trong 11 cống nằm trong dự án hoàn thành hệ thống thuỷ lợi Bắc, Nam Bến Tre.
Hiện tiến độ thực hiện cống Vàm Định Bình đạt 90%. Đây cũng là cống có tiến độ thi công nhanh nhất. Đến cuối tháng 12-2024, các cống: Vàm Long Huê (xã Long Thới, huyện Chợ Lách – hiện tiến độ đạt 70%), Vàm Định Bình, Vàm Ông Thảo (xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc – hiện tiến độ đạt 75%), Chợ Xếp (xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc – hiện tiến độ đạt 72%), và Cái Dọc (xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc – hiện tiến độ đạt 75%) sẽ cơ bản hoàn thành. Các cống còn lại chờ địa phương bàn giao mặt bằng.
Các đơn vị thi công áp dụng đắp đê quây chặn hai đầu vừa thi công cống, vừa ngăn mặn xâm nhập từ các sông chính vào. Mỗi cống hoàn thành sẽ ngăn mặn bảo vệ hàng chục ha đất của người dân.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, tỉnh đã nhận thức tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn đến sinh hoạt, sản xuất, đời sống của người dân. Nên tỉnh luôn chủ động trong thích ứng và phòng, chống hạn mặn.
Vừa qua, Tỉnh uỷ đã có chỉ thị về phòng, chống hạn mặn trong mùa khô 2024 – 2025. Hôm nay, đoàn kiểm tra các công trình, nhằm đẩy nhanh tiến độ kịp thời cho phòng, chống hạn mặn sắp diễn ra.
Qua kiểm tra, các đơn vị thi công đảm đảm bảo tiến độ. Đặc biệt, khi bổ sung kinh phí thì đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các hạn mục để ngăn mặn. Một túi nước ngọt được hình thành từ Chợ Lách xuống Mỏ Cày Bắc, xuống cống Sa Kê (xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam) phục vụ cho người dân thuộc cù lao Minh.
Các nơi khác, tỉnh cũng đã chủ trương đẩy nhanh tiến độ các công trình để trữ nước ngọt. Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát huy các hồ nước đã đầu tư trước đây. Bên cạnh giải pháp công trình, tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để từng vùng thực hiện trữ nước; từng hộ gia đình trữ nước đảm bảo sản xuất kinh doanh trong mùa hạn mặn 2024 – 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khảo sát phần đất K 26 xã Phú Sơn là một trong những nơi diễn ra Lễ hội Hoa – Kiểng Chợ Lách.
* Cùng ngày, đoàn đã đến huyện Chợ Lách khảo sát việc chuẩn bị tổ chức Lễ hội Hoa – Kiểng Chợ Lách. Bí thư Huyện ủy Chợ Lách Đặng Văn Thanh và Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Văn Hòn hướng dẫn đoàn đến các điểm diễn ra lễ hội như: Sân vận động xã Phú Sơn; phần đất K26 xã Phú Sơn; Vườn Bonsai Minh Thành, ROOSTER MEKONG Garden & Villa, ấp An Hòa xã Long Thới…
Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Văn Hòn thông tin những phần việc huyện đã và đang triển khai thực hiện. Về cơ bản, đến thời điểm này, các phần việc được triển khai đúng theo kế hoạch. Huyện đã tập trung kêu gọi xã hội hóa nguồn kinh phí tổ chức, tuyên truyền trực quan…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đánh giá cao việc huyện phối hợp tổ chức Lễ hội Hoa – Kiểng Chợ Lách, với nhiều nội dung phong phú. Ngoài những điểm tổ chức tập trung, huyện quan tâm đến việc hướng dẫn du khách đến nhà hộ dân tham quan, trải nghiệm sản xuất cây giống, hoa kiểng.
Bố trí nơi để du khách đến chụp hình lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp khi đến vùng quê được mệnh danh là “Vương quốc cây trái”. Thông qua lễ hội, huyện phát huy giá trị kinh tế, các sản phẩm từ hoa, kiểng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế vườn, nghề trồng hoa kiểng gắn với Làng Văn hóa Du lịch và Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm – OCOP. Đẩy mạnh và nâng cao giá trị của thương hiệu hoa, kiểng Chợ Lách…
Tin, ảnh: Trần Quốc
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/kinh-te/nong-nghiep/khao-sat-cong-trinh-cong-ngan-man-tru-ngot-va-vung-san-xuat-hoa-kieng-phuc-vu-tet-nguyen-dan-at-ty–a138956.html