Chủ trì hội thảo khoa học cấp tỉnh “Lấy ý kiến định hướng về việc xác định Ngày truyền thống, Ngày thành lập tỉnh và việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh ở Bến Tre”. Ảnh: Thanh Đồng
Kế thừa giá trị của phong trào Đồng khởi
Từ ý nghĩa lịch sử quan trọng của phong trào Đồng khởi năm 1960, nhằm lập thành tích kỷ niệm 17 năm ngày Bến Tre Đồng khởi, ngày 2-1-1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 01-CT/TV về việc kỷ niệm Đồng khởi (17-1-1960 – 17-1-1977). Trong đó, phát động phong trào “Đồng khởi mới”, nhấn mạnh: “Trước đây toàn Đảng, toàn dân đoàn kết nhứt trí xuống áo lưng hè nhau diệt ác, phá kiềm giành quyền làm chủ. Ngày nay, toàn Đảng, toàn dân đoàn kết nhứt trí toàn thể cán bộ, đảng viên đều xuống áo lưng đi sát vai cùng nhân dân hè nhau lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước đây khắc phục muôn ngàn khó khăn, tay không sáng tạo làm mã tấu, súng ngựa trời, chông, ong vò vẽ, ôm hè bắt hè, ba mũi giáp công, dám đánh, dám thắng địch. Ngày nay tuy có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải khắc phục muôn ngàn khó khăn, phức tạp thiếu lương thực, thiếu nước tưới, thiếu máy móc phải làm cho dư lương thực, đủ nước tưới, phải làm bằng tay, bằng công cụ thô sơ để tạo ra máy móc… dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo hè nhau cải tạo thiên nhiên, chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với cao trào Đồng khởi mới, quân dân Bến Tre xốc tới lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhứt định tỉnh nhà sẽ mau giàu mạnh”.
Việc kỷ niệm Ngày Bến Tre Đồng khởi 17-1 luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng bằng các văn bản cụ thể như: Chỉ thị số 01/CT-TU-78 ngày 3-1-1978 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức kỷ niệm trọng thể lần thứ 18 Ngày Bến Tre Đồng khởi để mở đầu cho cuộc Đồng khởi mới tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; Năm 1992, Tỉnh ủy đã quyết định chọn ngày 17-1 hàng năm làm Ngày hội truyền thống cách mạng tỉnh. Ngày 10-5-1993, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban Kế hoạch số 12-KH/TU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoạt động thông tin – báo chí – văn hóa – văn nghệ những năm 1993 – 1995, nhấn mạnh “Đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy các trường phổ thông kể cả hệ dân lập, lấy ngày 17-1 là Ngày hội truyền thống cách mạng và ngày 1-7 là Ngày hội truyền thông văn hóa của Nhân dân Bến Tre”. Ngày 10-9-2012, Văn phòng Tỉnh ủy có Công văn số 803-CV/VPTU về việc thống nhất tên gọi các ngày lễ 17-1 và ngày 1-7 hàng năm. Đồng thời, Tỉnh ủy cũng đã quy định tổ chức kỷ niệm ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960) với quy mô cấp tỉnh 10 năm một lần, hàng năm thì UBND huyện Mỏ Cày Nam tổ chức kỷ niệm.
Phong trào Đồng khởi 1960. Ảnh: Tư liệu
Kế thừa tinh thần “Đồng khởi” trong công cuộc đấu tranh cách mạng, ngày 5-12-1997, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về tổ chức kỷ niệm những ngày lịch sử lớn năm 2000, phát động phong trào “Đồng khởi mới” đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu. Ngày 3-6-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU, về việc tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu và tổ chức những ngày lịch sử lớn trong năm 2010. Ngày 1-1-2015, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Năm 2016, nhằm tạo bước đột phá trong thực hiện phong trào “Đồng khởi mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp (số 10-CTr/TU, ngày 28-4-2016).
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, ngày 17-10-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phong trào “Đồng khởi mới” đã phát huy tính thống nhất, đồng tâm, đồng lòng, đồng bộ trong giai đoạn xây dựng, phát triển quê hương Bến Tre.
Đảm bảo luận cứ khoa học
Trải qua quá trình hình thành và phát triển, lịch sử là dòng chảy nối tiếp và phát triển không ngừng. Những giá trị lịch sử văn hóa tốt đẹp đã được các thế hệ người Bến Tre vun bồi, trao truyền. Trong giai đoạn ngày nay, kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của tiền nhân trong công cuộc khai hoang, mở cõi, xây dựng và bảo vệ đất nước, người Bến Tre cùng đồng tâm hiệp lực vượt qua những khó khăn, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và phát huy ý chí, khát vọng vươn lên xây dựng vùng đất này trở thành một tỉnh giàu đẹp. Nhằm tiếp thu các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các địa phương, cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh về việc xác định ngày truyền thống, ngày thành lập tỉnh và các lễ hội cấp tỉnh để có thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn đối với ngày truyền thống, ngày thành lập tỉnh và tổ chức các hoạt động kỷ niệm tương xứng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 248-KH/TU ngày 14-4-2023 về tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh lấy ý kiến định hướng về việc xác định ngày truyền thống/ngày thành lập tỉnh và tổ chức các lễ hội cấp tỉnh.
Ngày 30-11-2023, Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Lấy ý kiến định hướng về việc xác định ngày truyền thống, ngày thành lập tỉnh và việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh ở Bến Tre”. Hội thảo nhận được 40 bài tham luận, tập trung vào 3 nội dung chính lấy ý kiến định hướng về việc xác định ngày truyền thống, ngày thành lập tỉnh và việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh, định hướng phương án tổ chức lồng ghép ngày truyền thống, ngày thành lập tỉnh và các lễ hội cấp tỉnh vào năm tròn “0” và năm lẻ “5”. Tại phiên chính thức của hội thảo, có 9 ý kiến tham luận, 4 ý kiến thảo luận của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia nghiên cứu. Hội thảo cũng nghe báo cáo tổng hợp ý kiến phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về các ý kiến phản biện của các đồng chí cán bộ hưu trí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo về các vấn đề liên quan đến hội thảo. Các ý kiến đã chỉ ra nhiều vấn đề mới, kiến giải và đề xuất chọn ngày 17-1 là Ngày truyền thống tỉnh.
Sau thành công của Hội thảo khoa học cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có Công văn gửi Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre mở chuyên mục lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân về ngày truyền thống, ngày thành lập tỉnh và việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh… Kết quả lấy ý cán bộ, đảng viên và nhân dân có 95,96% ý kiến đề xuất chọn ngày 17-1-1960 làm ngày truyền thống tỉnh. Từ kết quả này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI tại Hội nghị lần thứ 17. Hội nghị thống nhất chọn ngày 1-1-1900 là Ngày thành lập tỉnh, chọn ngày 17-1-1960 làm Ngày truyền thống tỉnh.
Tỉnh ủy đã thống nhất đề nghị lấy ngày 17-1-1960 là Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre. Chính vì thế, việc công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre (17-1) là rất cần thiết, nó đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh. Thực tiễn địa phương từ năm 1992, Bến Tre đã có văn bản quy định về ngày truyền thống. Qua hơn 30 năm tổ chức kỷ niệm định kỳ đã tác động tích cực đến công tác giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng trên địa bàn, tạo động lực tinh thần quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương. Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đề nghị của UBND tỉnh, ngày 27-11-2024, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký Quyết định số 1478/QĐ-TTg lấy ngày 17-1 hàng năm là “Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre”. |
Bùi Hữu Nghĩa
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/van-hoa/doi-song/-hanh-trinh-de-nghi-cong-nhan-ngay-truyen-thong-tinh-a140903.html