Phong trào “Đồng khởi mới” tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, trở thành tỉnh phát triển bền vững ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ảnh: Trung Hiếu
Sức mạnh của “Đồng khởi mới”
Phong trào “Đồng khởi mới” là sự vận dụng gần như nguyên vẹn tinh thần Đồng khởi năm 1960 vào thi đua xây dựng và phát triển quê hương, với nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra theo phương châm “Hai chân – Ba mũi” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Mục tiêu của chủ trương này là khơi dậy ý chí và hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, học sinh, sinh viên; khơi dậy tinh thần vượt khó, tự lực vươn lên, biến thách thức thành thời cơ, nắm bắt cơ hội để vươn lên thoát nghèo, làm giàu; làm cho tinh thần “Đồng khởi khởi nghiệp làm giàu, thoát nghèo” lan ra toàn xã hội; biến khát vọng khởi nghiệp của mỗi người thành của cộng đồng khởi nghiệp, để người dân Bến Tre có mức sống ngang bằng với mức bình quân chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, phát huy kinh nghiệm Đồng khởi năm xưa (chỉ với 162 đảng viên, nhưng nhờ nắm chắc cơ sở, bám chặt địa bàn, ta đã làm được cuộc Đồng khởi thần kỳ), thực hiện phương châm “Tỉnh nắm tới xã, huyện nắm tới ấp, xã nắm tới hộ gia đình”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Kế hoạch phân công cấp ủy và cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn (giai đoạn 2016 – 2020). Cấp huyện có kế hoạch phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ địa bàn tới ấp. Chủ trương này đã phát huy được hiệu quả tích cực; việc theo dõi, hỗ trợ địa bàn, giúp cán bộ nắm chắc tình hình tại cơ sở, từ đó đề xuất chủ trương, chính sách phù hợp, đồng thời tăng cường tương tác, hỗ trợ cơ sở trong triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, giúp tháo gỡ “điểm nghẽn”, khó khăn tại địa bàn cơ sở.
Tính đến năm 2020, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TU, 4 năm thực hiện Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, kinh tế – xã hội tỉnh phát triển nhanh chóng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tuy vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, nhưng hàng năm đều tăng. Tăng trưởng kinh tế từ 5,1% (năm 2015) lên 7,39% (năm 2019) và thu nhập bình quân đầu người từ 27 triệu đồng (năm 2015) lên 38,7 triệu đồng (năm 2019). Hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhân dân từng bước hoàn thiện, lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân với nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp sáng tạo, phát huy hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được đặc biệt quan tâm. Cùng với phương châm hành động của toàn khóa “Dân chủ – Kỷ cương – Đoàn kết – Năng động – Đổi mới”, hàng năm, Tỉnh ủy đều có nghị quyết chuyên đề, nhấn mạnh phương châm hành động về công tác tư tưởng để tạo xung lực, nêu cao quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong toàn hệ thống chính trị. Việc thực hiện 3 khâu đột phá được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và đạt kết quả rất khả quan. Ngày 13-2-2019, Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định số 174/QĐ-TTg công nhận TP. Bến Tre là đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Phát huy tinh thần “Đồng khởi mới” góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Ảnh: Trung Hiếu
Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, ngày 17-10-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Điểm nhấn của Chỉ thị này là tiếp tục xác định phương châm “Hai chân – Ba mũi” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Qua hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU, phong trào thi đua “Đồng khởi mới” đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “… xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030” theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Phong trào thi đua “Đồng khởi mới” đã thực sự trở thành nhiệm vụ trọng tâm, được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, tạo sự đồng thuận cao và tích cực hưởng ứng trong toàn hệ thống chính trị và nhân dân.
Phương châm “Hai chân – Ba mũi” đã được quán triệt đầy đủ, triển khai nghiêm túc và đã đạt kết quả rất khả quan. Kết quả, tăng trưởng GRDP năm 2021 toàn tỉnh đạt 1,33%, năm 2022 đạt 7,33%; GRDP bình quân đầu người đạt 44,3 triệu đồng/người năm 2021, tăng lên 49 triệu đồng/người năm 2022. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,15%; thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 19.394 tỷ đồng. Hai thế mạnh kinh tế vườn và kinh tế biển của tỉnh được phát huy hiệu quả. Về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): sau 19 năm kể từ khi tỉnh Bến Tre được công bố PCI (lần đầu vào năm 2005, tỉnh Bến Tre xếp hạng 4 cả nước), tỉnh Bến Tre có nhiều năm trong nhóm điều hành kinh tế tốt cả nước (9 năm trong TOP 10). Những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được doanh nghiệp đánh giá ngày càng thông thoáng, thuận lợi, kết quả là trong 3 năm qua, vị trí của Bến Tre liên tục tăng trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Năm 2021, xếp hạng 18, năm 2022 xếp hạng 13, đặc biệt, năm 2023, Bến Tre xếp hạng 7, nằm trong top 10 các tỉnh, thành có năng lực điều hành xuất sắc nhất cả nước; đồng thời, xếp hạng 3/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp nối và giữ gìn cho muôn đời sau
Bến Tre là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp giữ gìn biển đảo của Tổ quốc. Trong tiến trình phát triển, nhân dân tỉnh Bến Tre đã xây đắp, gìn giữ, lưu truyền những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, anh dũng, kiên cường, góp phần làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc ta. Vùng đất Bến Tre, quê hương ba đảo dừa xanh, quê hương Đồng khởi luôn vững tin tiến bước dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh.Việc công nhận ngày truyền thống tỉnh Bến Tre có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương giúp mọi người hiểu đầy đủ về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Bến Tre, truyền thống lịch sử của địa phương, lịch sử hình thành vùng đất, khắc sâu những sự kiện lịch sử, những chiến công, những tấm gương anh hùng, những địa danh lịch sử, những giá trị cao đẹp, trân quý đã được cha ông dày công vun đắp; góp phần nâng cao nhận thức về dân tộc, cộng đồng, tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tiền nhân, bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc. Đó là tinh thần Đồng khởi trong chiến đấu và phong trào “Đồng khởi mới” trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu cho quê hương, đất nước.
Công viên Đồng Khởi (TP. Bến Tre). Ảnh:Trung Hiếu
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thì việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử dân tộc còn mang ý nghĩa đặc biệt to lớn, là việc làm cần thiết cần sự chung tay của toàn xã hội. Thông qua những giá trị lịch sử quý giá, góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống đối với mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ, phát huy ý chí tự lực tự cường, khát vọng xây dựng quê hương Bến Tre phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân… Với việc công nhận ngày truyền thống tỉnh, sẽ là một sự khẳng định truyền thống hình thành và phát triển của một tỉnh cù lao đang dần phá thế biệt lập, vươn lên phát triển toàn diện; đánh dấu một dấu son cho chính quyền và nhân dân Bến Tre tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, trở thành tỉnh phát triển bền vững ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Căn cứ Điều 5 của Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương, ngày 17-1 đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định. Thực tế cho thấy, Ngày hội truyền thống cách mạng tỉnh Bến Tre đã được tổ chức đều đặn, xuyên suốt. Hàng năm, UBND huyện Mỏ Cày Nam tổ chức họp mặt kỷ niệm vào tối ngày 17-1 tại Di tích quốc gia đặc biệt Đồng khởi Bến Tre, xã Định Thủy. Điểm nhấn là nghi thức thắp ngọn đuốc truyền thống, phát động thi đua “Đồng khởi mới”; giao việc đầu năm và thực hiện ký cam kết người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về thực hiện thi đua “Đồng khởi mới”; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua Đồng khởi mới. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao như: Giải Việt dã truyền thống, giao lưu văn nghệ, bóng đá mini, biểu diễn Cải lương… Từ đó, tinh thần Đồng khởi năm 1960 và “Đồng khởi mới” đã nhanh chóng lan rộng, thấm sâu vào cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã làm cho các tổ chức đảng ngày càng vững mạnh, đảng viên thể hiện tốt vai trò tiên phong gương mẫu; phong trào đã thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Trong giai đoạn đẩy mạnh đổi mới, hội nhập, liên kết, hợp tác, việc tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của địa phương là rất cần thiết, nhất là phát huy tinh thần Đồng khởi, ý chí, khát vọng phát triển. Việc Chính phủ công nhận ngày truyền thống sẽ có ý nghĩa rất lớn đến công tác giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho thế hệ trẻ của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới. Qua đó, giúp Bến Tre có cơ sở khẳng định ý nghĩa lịch sử của phong trào Đồng khởi, tạo cơ sở vững chắc trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử tỉnh nhà cũng như trong công tác tổ chức lễ kỷ niệm theo quy định.
Ngoài ra, sau khi được công nhận Ngày truyền thống tỉnh, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức sẽ tiếp tục được đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả theo quy định, không phô trương, hình thức gây lãng phí, tốn kém; gắn kết với thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, các phong trào thi đua yêu nước; chăm lo nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Với truyền thống tốt đẹp được vun bồi, Bến Tre luôn vững tin tiến lên trên hành trình tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ý chí, khát vọng được hun đúc sẽ là sức mạnh nội sinh mà mốc son lịch sử 17-1 – Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre đã khẳng định và mãi mãi tỏa sáng cho muôn đời sau.
Lịch sử là sự tiếp nối và kế thừa, để mỗi người rút ra kinh nghiệm từ quá khứ và giáo dục cho thế hệ trẻ biết rõ về nguồn cội, vun bồi lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn của công dân trong đời sống xã hội. Trong mọi chặng đường phát triển, ôn cố tri tân, trân trọng thành quả của các bậc tiền nhân để lại luôn là bài học quý giá để các thế hệ nối tiếp vận dụng và phát huy. |
Bùi Hữu Nghĩa
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/van-hoa/doi-song/giu-gin-va-trao-truyen-gia-tri-ngay-truyen-thong-tinh-ben-tre-a140956.html