Chuyến xe xuất khẩu dừa tươi Bến Tre sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Cẩm Trúc
Từ sản phẩm OCOP 5 sao
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng. Là địa phương khởi động chương trình OCOP đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đến nay, Bến Tre có 316 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 5 sản phẩm OCOP 5 sao, 59 sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm OCOP 5 sao, gồm: kẹo dừa ca cao, kẹo dừa sầu riêng lá dứa, kẹo dừa gừng, kẹo dừa sầu riêng (của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á) và trái sầu riêng cấp đông (của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu). Sản phẩm OCOP 5 sao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia, được sử dụng biểu trưng và tem OCOP quốc gia trên bao bì, nhãn mác, các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm theo quy định và có giá trị 36 tháng, kể từ ngày công nhận. Đồng thời, được hỗ trợ để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu, xúc tiến thương mại trên thị trường trong và ngoài nước.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Võ Tiến Sĩ cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các địa phương rà soát, xây dựng nhiều kế hoạch để hỗ trợ phát triển mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, làm cơ sở cung cấp vùng nguyên liệu địa phương cho các sản phẩm OCOP như: dừa, bưởi, lúa, cây giống và hoa kiểng, cây ăn trái đặc sản, bò, tôm… đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, New Zealand, châu Âu, Trung Quốc, Thái Lan…
Tháng 8-2024, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm sầu riêng đông lạnh và dừa tươi vừa giúp giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, vừa tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho nông sản tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Tiếp nối tin vui, ngày 23-9-2024, 2 sản phẩm bưởi da xanh và dừa xiêm xanh của tỉnh chính thức được Cơ quan Sở hữu trí tuệ Canada cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Đó là “Ben Tre Pomelo & Device” dành cho bưởi da xanh và “Ben Tre Coconut & Device” dành cho dừa xiêm xanh. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Đến “cây dừa tỷ đô”
Năm 2024 có thể nói là năm của cây dừa. Trước đó, năm 2023, dừa tươi Bến Tre được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ. Mới đây, cây dừa được khẳng định có vai trò đóng góp đáng kể vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu, với một héc-ta dừa mỗi năm có thể hấp thụ khoảng 75 tấn CO2.
Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, ngành dừa Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng vượt bậc. Từ con số kim ngạch xuất khẩu 280 triệu USD năm 2010, ngành dừa đã đạt 1,64 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu sản phẩm từ dừa lớn thứ 4 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và giữ vị trí thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường quốc tế.
Trong đó, tỉnh chiếm hơn 40% diện tích trồng dừa cả nước. Ngành công nghiệp chế biến dừa ở tỉnh đã tiêu thụ khoảng 85,7% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm dừa của tỉnh hiện đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Giá trị sản xuất chế biến dừa năm 2023 đạt 3.750 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu từ dừa đã đạt gần nửa tỷ USD.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) là doanh nghiệp dừa hàng đầu của tỉnh, được xếp vào tốp 6 nhà sản xuất dừa lớn nhất thế giới. Bà Đặng Huỳnh Ức My – Chủ tịch Hội đồng quản trị Betrimex cho biết: “Betrimex cam kết tiên phong mở rộng hợp tác, đồng hành cùng các bên liên quan để khai thác sâu chuỗi giá trị cây dừa, đưa sản phẩm dừa trở thành biểu tượng châu Á và ngành công nghiệp tiêu biểu của thế kỷ”.
Giá trị xuất khẩu ngành dừa đang tăng nhanh do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm dừa của thế giới tăng cao. Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, ngành dừa Việt Nam khá non trẻ nên còn nhiều dư địa để phát triển. “Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng cần phát triển các giống dừa chịu hạn, ứng dụng kỹ thuật thu hoạch bền vững để ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển tour tham quan trang trại, workshop chế tác đồ thủ công từ dừa còn giúp thúc đẩy du lịch nông thôn, gia tăng giá trị kinh tế. Đặc biệt, nhấn mạnh việc cần chú trọng tận dụng phụ phẩm từ cây dừa”, Phó chủ tịch Cộng đồng dừa Quốc tế – Nuwan Chinthaka gợi mở giải pháp phát triển ngành dừa (trong diễn đàn về ngành dừa được tổ chức tại tỉnh, vào tháng 12-2024).
“Các chứng nhận về chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận cho hàng nông sản tỉnh là các tài sản trí tuệ, cũng là các công cụ pháp lý hiệu quả để không những ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền mà còn tạo tiền đề để nông sản của tỉnh được khoác lên mình tên gọi “BẾN TRE” khi vươn ra toàn cầu”. (PGS.TS. Lâm Văn Tân – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ) |
Cẩm Trúc
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/kinh-te/nong-nghiep/dua-nong-san-tinh-vuon-xa-a141225.html