Trường THCS Nguyễn Thị Định, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: T. Tân
Chỉ huy chuyến “Tàu không số” đầu tiên
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Đầu năm 1946, một đoàn cán bộ miền Nam, trong đó có cô Nguyễn Thị Định (sau này là Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) được cử ra Trung ương báo cáo tình hình tỉnh Bến Tre và cả Khu 8, đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Cô Ba Định được gặp Chính phủ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi yêu cầu của cô đều được Bác Hồ và Trung ương giải quyết. Trung ương hình thành đường dây vận chuyển vũ khí chi viện cho Nam Bộ do cô Nguyễn Thị Định đề xuất và phụ trách tổ chức thực hiện, lấy vùng tự do Khu V làm trung chuyển. Từ Hà Nội, cô Ba Định vào Quảng Ngãi làm việc với Khu ủy khu V và vào Phú Yên tổ chức bến bãi vận chuyển.
Từ Quảng Ngãi, cô Ba nhận vũ khí rồi vận chuyển bằng tàu lửa vào ga Tuy Hoà, Phú Yên. Tại Phường 6, thị xã Tuy Hòa (Phú Yên), dựa vào sự giúp đỡ của Đảng bộ và nhân dân địa phương, cô Ba dành thời gian khảo sát các bến bãi để vận chuyển vũ khí về Nam. Trong thời gian chờ mùa gió bấc để xuất bến, cô Ba Định tham gia công tác vận động quần chúng ở nhiều nơi trong tỉnh Phú Yên cùng dân quân du kích luyện tập quân sự và tập bơi lội, bơi thúng chài, bơi xuồng trên sông Đà Rằng.
Cô Ba Định được bố trí ở nhà bà Châu Thị Nghĩa và bà Phan Thị Nhì là Hội trưởng và Hội phó Phụ nữ và hội mẹ, chị chiến sĩ Phường 6. Với sự giúp đỡ của quân dân Tuy Hoà, cô Ba chỉ huy việc đóng tàu có thể chở được 12 tấn vũ khí và chọn người giúp sức vận chuyển vũ khí về Bến Tre.
Nhà báo Phan Thanh Bình – Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tỉnh Phú Yên cho biết: Theo tài liệu ghi lại, năm 1946, cô Ba Định hoạt động ở Phú Yên khoảng 8 tháng. Trong thời gian này, cô Ba khảo sát rất nhiều bến bãi, tập bơi và tổ chức đóng thuyền để chuẩn bị cho việc chuyển vũ khí của Trung ương chi viện cho chiến trường miền Nam.
Sau một thời gian chuẩn bị, số vũ khí do Trung ương cấp đã tập kết đầy đủ tại Phú Yên. Đợi đến mùa gió bấc, cô Ba Định được lệnh xuất phát chở vũ khí về Bến Tre.
Theo tài liệu ghi lại: Rạng sáng ngày 22-6-1946, cô Ba Định thông báo cho Ban Chỉ huy trung đội tự vệ biết để làm nhiệm vụ bảo vệ việc vận chuyển vũ khí xuống thuyền. Cùng lúc đó có một chiếc thuyền to cập bến. Anh em trong đội tự vệ và các cụ đội Bạch đầu quân Phường 6 tham gia khuân vác vũ khí xuống thuyền. Đến 4 giờ sáng, cô Ba Định lưu luyến tạm biệt nhân dân Phường 6, theo con thuyền tiến ra cửa sông Đà Rằng, vượt biển về Nam. Đến cuối năm 1946, con thuyền đã cập bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) an toàn, mang theo 12 tấn vũ khí Trung ương chi viện cho chiến trường Nam Bộ.
Đây là chuyến “Tàu không số” đầu tiên do cô Ba Định làm thuyền trưởng, chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc cập Bến A101 ở tỉnh Bến Tre bàn giao cho cách mạng miền Nam an toàn, mở đầu cho hành trình phi thường, lập nhiều kỳ tích của “Đường Hồ Chí Minh” trên biển.
Giữ lửa truyền thống – Tiếp bước tương lai
Lần này đến vùng đất Phú Yên, những nhà báo chúng tôi có dịp tìm đến gia đình bà Phan Thị Nhi (số nhà 285 và số nhà 248, đường Nguyễn Công Trứ, Phường 6, TP. Tuy Hòa) nơi cô Ba Định được ở trong thời gian hoạt động tại Phú Yên. Bà Nhi đã qua đời, chúng tôi được người cháu của bà Nhi là anh Trần Ái Quốc đón tiếp và nhớ lại những lời của bà và cha anh kể về vị Nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Anh Quốc còn nhớ rõ những lời ông bà và ba anh nói về cô Ba Định: Bà Nguyễn Thị Định là phụ nữ miền Nam, chất giọng nhẹ nhàng, gần gũi, luôn ân cần quan tâm chăm sóc người khác, giản dị như người mẹ, người chị trong một gia đình lớn và hơn thế nữa là cô Ba có trái tim yêu nước nồng nàn. Từ đó mà nhân dân Phường 6, thị xã Tuy Hòa lúc bấy giờ rất mến cô Ba, xem cô Ba như người thân trong gia đình.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian có thể thay đổi, nhưng ký ức vẫn không thể phai mờ, tại tỉnh Phú Yên, hiện tên tuổi của cô Ba Định đã được đặt cho nhiều công trình để tôn vinh và mãi nhắc nhớ, giáo dục các thế hệ trẻ về tấm gương anh hùng của Nữ tướng Nguyễn Thị Định như: tại huyện Tây Hòa, có tuyến đường mang tên Nguyễn Thị Định và Trường THCS Tây Hòa đổi tên thành Trường THCS Nguyễn Thị Định, đến nay trên 30 năm. Điều đó đã nói lên tình cảm tốt đẹp của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên dành cho vị Nữ tướng quê Bến Tre.
Theo thầy Đặng Ngọc Hải – Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Định, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường rất tự hào vì được làm việc, giảng dạy và học tập trong ngôi trường mang tên Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Trong giáo dục, nhà trường thường xuyên lồng ghép tổ chức giáo dục truyền thống của trường, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp học sinh của trường.
Tên tuổi của cô Ba Định gắn liền với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, phong trào Đồng khởi Bến Tre, với “Đội quân tóc dài” làm cho quân thù khiếp sợ. Đến năm 1974, cô Ba Định được phong hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi miền Nam được giải phóng, non sông thống nhất, cô Ba Định đảm đương nhiều vị trí, chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước.
Tháng 7-1992, trên cương vị Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, cô Ba Định về Quảng Ngãi và Phú Yên kiểm tra bầu cử Quốc hội khoá VII nhưng mục đích chủ yếu của chuyến thăm là gặp gỡ đồng đội và bà con thân thuộc đã sát cánh với mình trong quá khứ hào hùng.
Về Phú Yên, Nữ tướng Nguyễn Thị Định nói rằng: “Phú Yên như quê hương thứ hai không về chuyến này tôi ân hận lắm”. Như linh tính trước lúc đi xa, chỉ hơn một tháng sau, ngày 26-8-1992, vị Nữ tướng duy nhất thời đại Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng và vị tướng huyền thoại ấy bất tử trong lòng nhân dân.
Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre Lê Thị Thanh Nga chia sẻ: “Đến Phú Yên, được nghe kể về thời gian cô Ba Định hoạt động tại đây, là một người con của quê hương Bến Tre, tôi vô cùng tự hào về ý chí kiên cường bất khuất của cô Ba. Tấm gương cô Ba Định mãi là niềm tự hào, là động lực to lớn cho phụ nữ Bến Tre nói riêng và phụ nữ cả nước nói chung phấn đấu noi theo. Tôi mong rằng, đội ngũ những người làm báo Bến Tre và Phú Yên thời gian tới sẽ có nhiều tác phẩm về cuộc đời, sự nghiệp, tinh thần cách mạng của cô Ba Định, nhằm tạo sự lan tỏa, góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước cho nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ”.
Ngày nay, tỉnh Phú Yên mãi tự hào về lịch sử một thời hoạt động bí mật của Nữ tướng Nguyễn Thị Định… mở ra một bến vận chuyển vũ khí vào Nam từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám ngay tại cửa sông Đà Rằng.
Trước cô Ba Định, chưa có người phụ nữ nào tham gia cách mạng được phong hàm tướng. Năm 1965, khi cô Ba Định được phong hàm Thiếu tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. |
Q. Khởi – A. Đào
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/van-hoa/doi-song/dau-an-nu-tuong-nguyen-thi-dinh-tren-vung-dat-phu-yen-a140214.html