Đây là mục tiêu mà Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đặt ra tại hội nghị triển khai kế hoạch giảm khai thác, tăng cường quản lý tàu cá và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân do cục này tổ chức ngày 13-12.
Tỉ lệ tàu cá được chuyển đổi nghề còn thấp
Ông Vũ Duyên Hải, phó cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết đến tháng 9-2024, cả nước đang có khoảng 84.720, giảm 2.100 tàu cá so với năm 2020.
Theo ông Hải, thực tế cho thấy chính sách giảm khai thác (giảm tàu cá) chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tại các địa phương, số lượng tàu cá vẫn tăng ở phần lớn các địa phương, ở một số (12/28) địa phương giảm chủ yếu do tự giải bản, tàu cá hư hỏng, chìm đắm.
Việc triển khai thực hiện đề án chuyển đổi nghề, cắt giảm tàu cá tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, số lượng tàu khai thác được chuyển đổi nghề còn rất thấp.
“Một số mô hình chuyển đổi nghề đã được triển khai thực hiện nhưng đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí có mô hình đã thất bại sau một thời gian triển khai thí điểm.
Nguyên nhân chủ yếu là phương thức chuyển đổi nghề, cơ chế chính sách của từng địa phương chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến hiệu quả chuyển đổi nghề trong khai thác hải sản, đặc biệt các nghề khai thác ven bờ triển khai còn chậm như Bến Tre, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Nghệ An” – ông Hải nói.
Ông Hải cho biết mục tiêu từ nay đến năm 2030, cắt giảm, chuyển đổi khoảng 6.000 tàu cá hoạt động ven bờ, vùng lộng sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, tham gia hướng dẫn du lịch trong khu vực bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và không vi phạm các quy định của pháp luật.
Cùng với đó, chuyển đổi 3.000 tàu cá hoạt động ở vùng biển khơi làm nghề lưới kéo và lưới rê thu ngừ sang làm các nghề khai thác lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần.
Để làm được điều này, ông Hải đề nghị mỗi địa phương cần xây dựng kế hoạch chi tiết chuyển đổi nghề sang nghề nuôi trồng thủy sản, nghề cá giải trí, hướng dẫn du lịch… cho cộng đồng ngư dân.
Liên quan đến chuyển đổi sang nghề cá giải trí, ông Hải cho biết thực tiễn tại một số tỉnh ven biển Việt Nam đã bắt đầu phát triển nghề cá giải trí mang tính tự phát, đặc biệt là tại các khu bảo tồn biển hoặc các khu vực biển có cảnh quan và sinh cảnh tự nhiên như dịch vụ đi bộ dưới biển ngắm san hô, ngắm cá, xem rùa đẻ trứng, dịch vụ câu cá giải trí…
Tuy nhiên đây là một vấn đề rất mới, chưa có nhiều nghiên cứu, đánh giá và tổ chức triển khai thực tế tại Việt Nam.
Vì vậy trong thời gian tới, cần chú trọng nghiên cứu, đánh giá và xây dựng các cơ chế, chính sách để tổ chức chuyển đổi các nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nghề cá giải trí.
Không có hạt nhân thì không thể nhân rộng được mô hình
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho rằng chỉ có chuyển đổi nghề mới giảm được khai thác.
Để làm được việc này, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng hoàn thiện đề cương về chủ trương, sắp tới sẽ đấu thầu và triển khai các đề án của địa phương.
“Số tàu của tỉnh ở vùng bờ rất nhiều, nhưng thiếu ở vùng khơi. Ưu tiên của tỉnh là giảm tối đa số tàu ở vùng bờ. Để giải quyết, tỉnh ưu tiên cho phát triển du lịch, do đó tỉnh sẽ có khóa đào tạo cho ngư dân chuyển đổi nghề” – ông Toàn nói.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh nhiều khu vực có tiềm năng để chuyển đổi nghề, nhưng hiện nay việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan, “song việc gì có ích cho người dân vẫn phải làm”.
Theo ông Luân, không có hạt nhân thì không thể nhân rộng được mô hình. Câu chuyện khai thác ven bờ nếu không tổ chức lại hợp lý thì vẫn lại là chuyện nguồn lợi thủy sản suy giảm, đời sống bà con sẽ khó khăn.
“Mỗi địa phương có cách làm riêng nhưng cách nào nhàn nhất, hiệu quả nhất thì cần phải quan tâm. Chỗ nào dễ triển khai, chúng ta thực hiện trước như cách làm của nông thôn mới, rồi từ đó nhân rộng ra” – ông Luân nói.