Hệ thống đo nước mặn tự động giúp gia đình ông Nguyễn Văn Bảy và người dân xung quanh chủ động đóng cống, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Sự chủ động của người dân
Cách đây hơn 2 tháng, ông Nguyễn Văn Bảy (ngụ xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm) đã thuê gần chục nhân công vét toàn bộ hệ thống mương vườn với diện tích gần 5ha chuyên trồng dừa, bưởi da xanh, quýt của gia đình. Gia đình ông Bảy tốn gần 200 triệu đồng để bồi phù sa cho vườn và tạo mương để trữ nước ngọt. Mấy ngày nay, khi nước mặn xâm nhập sâu vào mương vườn, hệ thống cống đã đóng lại nên bảo vệ an toàn cho vườn cây ăn trái. Hiện tại, hệ thống kiểm soát sâu rầy và hệ thống quan trắc kiểm soát hạn mặn tự động được đầu tư với kinh phí hơn 500 triệu đồng mang lại hiệu quả rất cao. Ông Bảy cho biết: “Hệ thống thông minh được kết nối qua điện thoại số liệu độ mặn hàng ngày giúp biết chính xác độ mặn để có giải pháp phòng ngừa. Cách đây hơn 1 tuần, máy đã thông báo độ mặn 0,6‰, tôi thông báo ngay cho người dân xung quanh qua hệ thống Zalo nên kịp thời đóng cống lại và trữ nước ngọt trong mương vườn. Hiện tại nước ngoài kênh đã 1,5‰ nhưng trong mương vườn chỉ khoảng 0,4‰ nên người dân sử dụng cho tưới vườn cây ăn quả rất an toàn”.
Tại các vùng trọng điểm trồng cây ăn quả, cây giống, hoa kiểng ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách… người dân đã chủ động trữ nước từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nước tưới phục vụ sản xuất. Ông Trần Văn Bình, ngụ xã Vĩnh Thành (Chợ Lách) cho biết: “Mấy năm nay, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nên gia đình tôi đào ao rồi dùng tấm bạt lót để trữ nước ngọt phục vụ nước tưới cho hơn 300 gốc mai bán Tết. Những hộ dân xung quanh trồng hoa, cây giống đều chủ động trữ nước trong mương vườn, ao hồ nhằm tránh thiệt hại do nước mặn gây ra”.
Năm nay, nước mặn xâm nhập sớm và diễn biến rất phức tạp. Hiện tại, trên sông Cửa Đại, độ mặn 4‰ xâm nhập đến Ấp 5, xã Quới Sơn (Châu Thành), cách cửa sông 45,6km. Độ mặn 1‰ xâm nhập đến Ấp 2, xã Quới Sơn (Châu Thành), cách cửa sông 48km; trên sông Hàm Luông, độ mặn 4‰ xâm nhập đến ấp Hòa Chánh, xã Sơn Hòa (Châu Thành) – ấp Thanh Xuân 1, xã Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 53,3km. Độ mặn 1‰ xâm nhập đến ấp Khánh Hội Đông, thị trấn Tiên Thủy (Châu Thành) – ấp Lân Bắc, xã Phú Sơn (Chợ Lách), cách cửa sông 62,7km. Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre Đặng Hoàng Lam cho biết: “Gần đây, độ mặn tăng nhanh và xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 40km là do thiếu hụt nguồn nước ngọt từ thượng nguồn đổ về khiến nước mặn từ biển lấn vào sâu trong đất liền. Trong thời gian tới, các địa phương thường xuyên theo dõi và kiểm tra độ mặn để vận hành cống hợp lý. Người dân có phương án trữ ngọt phục vụ sản xuất khi mặn xâm nhập sâu vào đất liền”.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Mới đây, trong cuộc họp phòng chống thiên tai, hạn mặn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho rằng: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức phù hợp, đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường.
Ngoài ra, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cấp nước thực hiện phương án bảo vệ nguồn nước, sẵn sàng phương án chuyển nước, đấu nối nguồn nước nhằm đảm bảo nguồn nước cấp có độ mặn thấp nhất phục vụ nhân dân; đẩy nhanh tiến độ thi công các mạng lưới cấp nước, nâng cấp các nhà máy nước; tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng các điểm cấp nước tập trung, các hệ thống lọc mặn… đã được trang bị trong các năm qua đảm bảo vận hành đưa vào phục vụ nhân dân trong mùa hạn mặn.
Đối với ngành nông nghiệp, chỉ đạo các đơn vị cấp nước khu vực nông thôn (thuộc phạm vi quản lý) có phương án đảm bảo cung cấp nước sạch không nhiễm mặn đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho người dân với nhiều hình thức linh hoạt, thuận tiện. Đối với các nhà máy nước tư nhân phải đảm bảo phương án vận chuyển nước ngọt thô, đấu nối nguồn nước về để xử lý cung cấp cho người dân, nhất là Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn sớm có kế hoạch thực hiện triển khai ngay khi xảy ra xâm nhập mặn, đảm bảo vận hành đưa vào phục vụ nhân dân trong mùa hạn mặn. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương triển khai “Cẩm nang thông tin tuyên truyền về hạn mặn mùa khô năm 2024 – 2025” và lịch thời vụ trong sản xuất nông nghiệp rộng rãi đến người dân để tham khảo, áp dụng nhằm bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống.
Bài, ảnh: THÀNH CHÂU
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/kinh-te/nong-nghiep/chu-dong-cac-bien-phap-phong-chong-han-man-a141111.html