Mấy ngày nay, nhiều tiểu thương chợ Nam Phước, huyện Duy Xuyên chia vui với bà Võ Thị Ngọc Hạnh (70 tuổi) bên cái sạp bán gia vị ở chợ. Với cái sạp ấy, nhiều năm nay bà kiếm tiền nuôi đứa cháu mồ côi cha mẹ tội nghiệp của mình.
“Nó đậu đại học tui mừng quá. Tui nuôi nó hồi đó đến giờ, thấy con bé vào đại học coi như tui thấy nhẹ một nửa người, còn một nửa… chắc phải gắng thêm” – bà Hạnh thổ lộ.
Số phận bi thảm của đứa trẻ
Ký ức về cha mẹ của Nữ như trang giấy trắng.
Cô tân sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng có một tuổi thơ bất hạnh khi chưa hưởng được trọn vẹn những tháng ngày hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của ba mẹ.
Sinh Nữ được bốn ngày tuổi thì cha trong lúc đi làm về bị tai nạn giao thông mất. Người mẹ của cô đau đớn, bàng hoàng với chồng mất, con thơ dại.
Rồi một năm rưỡi sau, mẹ Nữ đau ốm triền miên và cũng đã rời xa. Chỗ dựa duy nhất còn lại của cô bé là bà nội.
“Tội nghiệp con bé, ba mẹ nó ra đi sớm khi nó còn nhỏ quá, có biết gì đâu” – bà Hạnh lau nước mắt.
Gánh nặng đè lên đôi vai người bà với bao vất vả lo toan, vừa lo cho các con ăn học, bà vừa lo thêm một đứa cháu nhỏ dại. Nhiều năm nay, bà tất bật ở cái sạp nhỏ bán gia vị tại chợ Nam Phước, mỗi ngày kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi cháu.
Bà con tiểu thương ở chợ quen thuộc, rồi xót thương hình ảnh cô cháu gái nhỏ lẽo đẽo bên bà trong cuộc mưu sinh.
Chị Trần Thị Bích Lài, cô ruột của Nữ nói nhiều năm thấy mẹ mình lam lũ lo cho cháu, đóng vai vừa là mẹ, vừa là cha, cũng là người bà của Nữ.
Chị giờ cũng đã có gia đình và hai đứa con, tuy điều kiện không dư dả mấy nhưng cũng phụ thêm với mẹ để lo cho Ngọc Nữ ăn học.
Học mỗi năm mỗi giỏi hơn để bà mừng
Ngọc Nữ tâm sự, sớm mất cha mẹ từ thuở nhỏ, mọi ký ức giờ như như ảo ảnh, cô dồn hết tình thương vào người bà vất vả bao năm vì cháu. Ý thức được việc học quan trọng và có thể vươn lên nên cô nỗ lực để không phụ công bà nội đã lo lắng.
12 năm liền là học sinh khá, giỏi. Nữ cho biết những năm THPT mình đã cố gắng biết chừng nào. Từ điểm trung bình các môn năm lớp 10 chỉ 7,6 thì đến năm lớp 11 cô đạt 8,3 và lớp 12 là 8,1, là học sinh giỏi của lớp. “Có thể điểm số tôi không cao như những bạn trong lớp, nhưng đó là sự nỗ lực rất lớn của bản thân mình. Mình cũng tự hào vì điều đó” – Nữ nói.
Không chỉ nỗ lực học tập, cô còn biết giúp bà đỡ nặng nhọc. Nhiều tiểu thương ở chợ quen với hình ảnh cô học trò nhỏ hằng ngày phụ giúp bà nội bán hàng ở sạp gia vị, ai nhìn thấy hai bà cháu vậy cũng thương. Nghỉ hè, Ngọc Nữ còn xin vào nhà sách để làm thêm công việc bán sách, kiếm tiền phụ nội trang trải ăn học.
Và đồng cảm với những phận người bất hạnh, Nữ cũng năng nổ trong việc thiện nguyện. Nữ kể lúc trước gần trường cô học có một bệnh viện, các cô chú làm từ thiện hằng ngày hay phát cơm miễn phí cho các bệnh nhân. Ngoài giờ học, Nữ phụ các cô đi phát cơm cho các cô chú nằm viện.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, cô đã trúng tuyển vào ngành Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn, Đại học Đà Nẵng.
Nữ chia sẻ chương trình học đại học của cô là 4 năm, nếu thúc đẩy học sớm có thể chỉ học 3,5 năm. Trong quá trình học cô sẽ cố gắng traU dồi tiếng Anh và những kỹ năng cần thiết, nỗ lực hoàn thiện bản thân mình.
“Tôi mong sẽ học tập thật tốt, có một công việc đúng chuyên môn mình học và có một mức thu thập để trang trải cuộc sống và lo cho bà nội, người đã cưu mang mình suốt mười mấy năm nay” – Ngọc Nữ nói.
Mong nhận được ‘suất học bổng quý giá’
Nuôi cháu đến thời điểm này đối với bà Hạnh là ngoài sức tưởng tượng. Cháu đậu đại học, niềm vui hiển hiện trước mắt nhưng còn bao nỗi lo toan. Với những đồng tiền ít ỏi mỗi ngày bán ở chợ, bà nói rằng rất khó để lo cho Nữ trong suốt bốn năm học nơi giảng đường.
“Vừa rồi cháu nhập học ở Đà Nẵng, dù khó nhưng tui cũng cố gắng kiếm tiền để cho cháu nộp học phí, trang trải bước đầu tiền trọ, sinh hoạt. Thôi kệ, mười mấy năm nay mình vượt qua rồi, giờ ráng thêm mấy năm nữa. Miễn sao con bé nỗ lực học, ra trường kiếm việc làm để có tương lai tươi sáng” – bà Hạnh tâm sự.
Nghe có chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ, Ngọc Nữ đã đăng ký, và cô vào danh sách những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhận học bổng.
“Bà giờ cũng già yếu rồi. Suất học bổng sẽ giúp tôi trang trải học phí và chi phí ăn ở bước đầu, nó rất quý giá đối với tôi” – Nữ nói.
Cô cho biết nếu nhận được học bổng, cô sẽ chắt chiu từng đồng tiền có được, nỗ lực học tập. Và ra Đà Nẵng sẽ cố gắng kiếm cho mình công việc làm thêm nào đó để trang trải.
Khi ra trường đi làm, có mức lương ổn định, cô sẽ trích một phần trong khả năng giúp đỡ lại những tân sinh viên khó khăn và cần chi phí để tiếp nối học tập.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Tân sinh viên đăng ký trực tuyến ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường 2024 tại địa chỉ: http://surl.li/fkfhms hoặc quét mã QR.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.
Video hướng dẫn cách đăng ký cho tân sinh viên khó khăn cần giúp đỡ, cũng như cách đóng góp cho chương trình.