Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức lễ khởi công công trình chỉnh trang, nâng cấp Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định. Ảnh: Trần Quốc
Sau hai hội nghị văn hóa lớn đó, nhiều hội thảo chuyên ngành về văn hóa được tổ chức nhằm triển khai có hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa năm 2021. Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương Văn hóa về Việt Nam (1943 – 2023) – Khởi nguồn và động lực phát triển”. Năm 2024, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”. Điều này cho thấy việc đánh giá toàn diện quá trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện thể chế văn hóa ở nước ta, xác định nguồn lực là vô cùng cần thiết để thúc đẩy văn hóa phát triển trong thời kỳ mới.
Nguồn lực văn hóa là động lực nội sinh phát triển bền vững đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Hiện tại, toàn tỉnh có 82 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 64 di tích cấp tỉnh, 16 di tích quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt). Ngoài ra, còn có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Nghệ thuật diễn xướng dân gian Hát Sắc bùa Phú Lễ, Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng, nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng và nghề truyền thống bánh phồng Sơn Đốc. Đây là nguồn tài nguyên nhân văn quý báu, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa; đồng thời, là động lực để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt, khơi thông nguồn lực, từng bước có những chính sách đầu tư cho phát triển văn hóa.
***
Ngày 19-3-2024, UBND tỉnh có Quyết định số 479/QĐ-UBND ban hành Đề án xây dựng, trùng tu, tôn tạo hệ thống tượng, tượng đài, bia trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, Quyết định số 480/QĐ-UBND ban hành Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa tỉnh giai đoạn 2024 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung các đề án đánh giá thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống tượng, tượng đài, bia và hệ thống di tích lịch sử – văn hóa tỉnh; đưa ra nhiệm vụ và giải pháp, tổ chức thực hiện nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống tượng, tượng đài, bia và các di tích lịch sử – văn hóa tỉnh. Đặc biệt, vào tháng 9-2024, Sở VHTT&DL đã tổ chức khởi công xây dựng công trình chỉnh trang, nâng cấp Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định. Sau hơn 20 năm khai thác, phục vụ nhu cầu thăm viếng, thờ tự, giới thiệu hình ảnh, sự nghiệp của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, nay có một số hạng mục đã xuống cấp. Việc đầu tư trùng tu, nâng cấp Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định là nhiệm vụ cấp thiết của tỉnh hiện nay.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, ngày 20-5-2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3110/KH-UBND về đầu tư, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở (cấp xã, ấp) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 – 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, lộ trình đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, giai đoạn 2024 – 2025, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa 46 nhà văn hóa – khu thể thao ấp, khu phố (trong đó xây dựng mới 21, nâng cấp sửa chữa 25) với tổng kinh phí ngân sách 21,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 – 2030, đầu tư nâng cấp sửa chữa 9 trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng cấp xã (xây dựng mới 8, nâng cấp sửa chữa 1) với kinh phí gần 36 tỷ đồng…
***
Theo Phó giám đốc Sở VHTT&DL Trần Thị Kiều Tôn, sở đã tham mưu triển khai nhiều hoạt động cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm phát triển lĩnh vực văn hóa; trong đó, chú trọng khơi thông nguồn lực về con người, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Sở VHTT&DL đã tham mưu Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh tổ chức hoạt động tập huấn công tác truyền thông về văn hóa; Ứng dụng phần mềm trong thiết kế và sản xuất video truyền thông năm 2024. Trước đó là tập huấn phương pháp viết, dàn dựng kịch bản truyền thông… Qua đó, nâng cao nhận thức về lý luận và thực tiễn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông về văn hóa; ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động thiết chế văn hóa ở cơ sở, tạo sân chơi lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
“Mặc dù vẫn còn những khó khăn cần phải khắc phục nhưng với quyết tâm, không ngừng đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tỉnh sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển đã đề ra. Qua đó, từng bước khẳng định bản sắc riêng của tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bến Tre đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. (Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Thị Kiều Tôn) |
Bùi Hữu Nghĩa
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/van-hoa/doi-song/thuc-day-van-hoa-phat-trien-trong-thoi-ky-moi-a141283.html