Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn cùng đoàn công tác ngành nông nghiệp tỉnh tham quan vườn bưởi hữu cơ tại huyện Châu Thành. Ảnh: Phúc Hậu
* Thưa Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh! Xin đồng chí cho biết công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số trong các cấp hội như thế nào?
– Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn: Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20-10-2020 của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa những nhiệm vụ trọng tâm về CĐS phù hợp với chức năng của hội như đẩy mạnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền về CĐS bằng đa dạng hình thức dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng nông dân. Mời các chuyên gia, nhà khoa học và nông dân thành công chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức các hội thi, cuộc thi sáng tạo, đổi mới trong nông nghiệp để thu hút sự tham gia của nông dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, các ứng dụng nông nghiệp thông minh nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận các nền tảng số, ứng dụng trên thiết bị di động để quản lý sản xuất, tìm kiếm thông tin thị trường.
Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để phổ biến thông tin về CĐS; xây dựng các nhóm tương tác cộng đồng trực tuyến để nông dân chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Tổ chức các hoạt động thực hành, hướng dẫn nông dân sử dụng các thiết bị, máy móc nông nghiệp thông minh; phối hợp với các ngành hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao…
* Công tác phát triển nền tảng dữ liệu số nông nghiệp và nền tảng truy xuất nguồn gốc về các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp được các cấp hội triển khai như thế nào?
– Thực hiện Kế hoạch số 3752-KH/UBND ngày 23-6-2023 của UBND tỉnh về triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh, Hội Nông dân tỉnh cụ thể hóa triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của hội. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực thu thập, tổng hợp và cập nhật thông tin về sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực qua việc phát triển ứng dụng truy xuất nguồn gốc như gắn mã QR hoặc mã vạch cho từng sản phẩm nông nghiệp để người tiêu dùng có thể truy cập thông tin chi tiết về nguồn gốc, quá trình sản xuất, chất lượng sản phẩm. Phát triển các nền tảng truy xuất nguồn gốc trực tuyến, cho phép người tiêu dùng tra cứu thông tin một cách dễ dàng và nhanh chóng; hỗ trợ nông dân tham gia vào các nền tảng dữ liệu, cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ về sản phẩm của mình.
Tổ chức liên kết các doanh nghiệp chế biến và phân phối để cùng xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm; kết nối cơ quan quản lý tích hợp dữ liệu với các hệ thống quản lý của nhà nước tăng cường hiệu quả quản lý và giám sát. Tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo nâng cao nhận thức của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng về tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc; sử dụng các kênh truyền thông đa dạng quảng bá các nền tảng dữ liệu và ứng dụng truy xuất nguồn gốc…
Nhờ thực hiện tốt công tác phát triển nền tảng dữ liệu số nông nghiệp và nền tảng truy xuất nguồn gốc về các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp đã giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm, tạo dựng lòng tin cho thương hiệu nông sản của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản của tỉnh thâm nhập vào các thị trường khó tính, đòi hỏi cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Qua đó, giúp người nông dân nắm bắt được thông tin thị trường, điều chỉnh sản xuất phù hợp, giảm thiểu rủi ro và cung cấp dữ liệu chính xác cho các cơ quan quản lý để xây dựng các chính sách phù hợp, hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững.
* Phương hướng, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội trong năm 2025?
– Năm 2025 là năm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình CĐS của ngành nông nghiệp, các cấp hội sẽ đóng vai trò trung tâm, tiếp tục tăng cường đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên, nông dân về CĐS trong nông nghiệp nhằm giúp nông dân hiểu rõ lợi ích của CĐS như tăng năng suất, giảm chi phí, mở rộng thị trường; xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội trở thành những người truyền thông kiến thức hiệu quả. Hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ qua việc tổ chức các lớp tập huấn, thực hành hướng dẫn nông dân cách sử dụng các ứng dụng, phần mềm nông nghiệp, các thiết bị thông minh. Liên kết với các doanh nghiệp công nghệ để cung cấp các giải pháp, sản phẩm phù hợp với nhu cầu của nông dân.
Khuyến khích, hỗ trợ nông dân thành lập các hợp tác xã để liên kết sản xuất, tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh. Xây dựng các chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Kết nối nông dân với các doanh nghiệp chế biến, phân phối để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Xây dựng nông thôn thông minh qua việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng để quản lý sản xuất, dịch vụ, thông tin nông dân.
Hội Nông dân tỉnh đang xin chủ trương để xây dựng Mini App Nông dân tỉnh Bến Tre giúp nông dân tiếp cận không gian đọc trực tuyến các thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, để giúp hội viên nông dân nắm bắt kiến thức về kinh tế nông nghiệp, thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần vận động các tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng và ủng hộ các chương trình, hoạt động của ngành nông nghiệp. Qua đó, tạo sự kết nối, lan tỏa mạnh mẽ kết quả, hình ảnh hoạt động của ngành nông nghiệp trong toàn tỉnh.
* Xin cảm ơn Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh!
Thành Lập (thực hiện)
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/kinh-te/nong-nghiep/hoi-nong-dan-tinh-day-manh-chuyen-doi-so-trong-nong-nghiep-a141233.html