Sản phẩm bưởi của Hợp tác xã Nông nghiệp bưởi da xanh Bến Tre đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Canada.
Tạo ra sản phẩm chất lượng
Từ chương trình KH&CN hỗ trợ DN, khuyến khích các DN đầu tư nghiên cứu ứng dụng KH&CN, trong năm 2024, Sở KH&CN đã thực hiện đánh giá tình hình sản xuất, sơ chế, bảo quản trái bưởi tươi ở tỉnh và các chỉ số thu hoạch dựa trên độ tuổi thu hoạch. Kết quả, đã nghiên cứu và phát triển hệ thống thiết bị sơ chế, xử lý và bảo quản trái bưởi tươi, với quy mô 4 tấn/giờ. Xây dựng mô hình ứng dụng tại Chi nhánh Công ty TNHH Green Powers, Bến Tre, giúp kéo dài thời gian bảo quản trái bưởi tươi, đáp ứng điều kiện xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Bên cạnh đó, Sở còn xây dựng được 5 quy trình công nghệ, gồm: Quy trình sơ chế, xử lý và đóng gói xoài tứ quý. Quy trình chế biến xoài sấy dẻo từ xoài tứ quý. Quy trình chế biến nước uống từ xoài tứ quý. Quy trình chế biến bột xoài từ xoài tứ quý tươi. Quy trình chế biến bột xoài tứ quý. Thành công của đề tài đã tạo ra sản phẩm mang yếu tố xã hội, góp phần gia tăng giá trị cho quả xoài tứ quý.
Phó chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Trương Thanh Hải cho rằng, hiệu quả quy trình công nghệ trên trái xoài tứ quý góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế, giảm nghèo và là tiền đề để tạo ra cơ hội cho một vùng thâm canh trồng xoài, nâng cao chất lượng sản phẩm và phát huy hiệu quả kinh tế cho người nông dân của tỉnh.
Qua nghiên cứu điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh thạch dừa của 249 cơ sở trên địa bàn tỉnh, hiện sản lượng thạch dừa thô bình quân hàng năm khoảng 100 ngàn tấn. Qua kết quả phân tích mẫu thạch dừa và các chất phụ, Sở KH&CN đã xây dựng dự thảo quy chuẩn địa phương “Sản phẩm thạch dừa Bến Tre – Yêu cầu về an toàn thực phẩm”, nhằm chọn lọc các chỉ tiêu hóa lý (pH); hàm lượng chất xơ; hàm lượng Sulfur dioxide), chỉ tiêu kim loại nặng, chỉ tiêu vi sinh vật (tổng vi khuẩn hiếu khí; tổng nấm mốc và nấm men; Coliforms; Escherichia coli; Staphylococcus aureus; Clostridium perfringens, Salmonella) và giới hạn định mức phù hợp yêu cầu và điều kiện sản xuất thực tế của tỉnh.
Kết quả phân tích đánh giá nhu cầu đổi mới công nghệ của các DN ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh cho thấy, điểm số ngành chế biến chế tạo 50,52 và hệ số mức độ đồng bộ 0,47. Trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của nhóm DN trong lĩnh vực chế biến chế tạo của tỉnh đạt mức trung bình, tiệm cận trung bình tiên tiến.
Kết quả phân tích 200 DN được khảo sát, có 123 DN trong 7 lĩnh vực chế biến, chế tạo có năng lực vận hành công nghệ thấp, 12/77 DN vận hành công nghệ cao có năng lực hấp thụ công nghệ thấp; 31/65 DN hấp thụ công nghệ cao có năng lực làm chủ công nghệ thấp; 13/34 DN làm chủ công nghệ cao có năng lực đổi mới sáng tạo công nghệ thấp.
Giám đốc Sở KH&CN Lâm Văn Tân cho biết, ở lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và năng lượng, các chương trình KH&CN hỗ trợ DN, khuyến khích các DN đầu tư nghiên cứu ứng dụng KH&CN, làm chủ và đưa công nghệ mới, số hóa vào sản xuất, kinh doanh, áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, phát triển tài sản trí tuệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao.
Quản lý sở hữu trí tuệ
Trong năm 2024, Sở KH&CN đã hướng dẫn, hỗ trợ tra cứu, đăng ký mới và đăng ký gia hạn nhãn hiệu cho 32 tổ chức, cá nhân. Tính đến tháng 6-2024, tỉnh có 4 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, được cấp 3 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; giải pháp hữu ích và sáng chế có 1 đơn đăng ký. Lũy kế đến nay, tỉnh có 130 kiểu dáng công nghiệp, 7 sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền.
Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Thạnh Phú” cho sản phẩm gạo và “Bến Tre” cho sản phẩm nghêu; bảo hộ 3 nhãn hiệu ứng nhận cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Định, HTX Nông nghiệp Hương Mỹ và HTX Nông nghiệp An Thới thuộc huyện Mỏ Cày Nam. Nâng tổng số 53 nhãn hiệu cộng đồng, trong đó, 9 CDĐL, 10 nhãn hiệu chứng nhận, 34 nhãn hiệu tập thể.
Đáng chú ý, trong năm 2024, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Canada đã chấp thuận bảo hộ độc quyền cho 2 nhãn hiệu chứng nhận gồm: “Ben Tre Pomelo & Device” dành cho bưởi da xanh và “Ben Tre Coconut & Device” dành cho dừa xiêm xanh. Đây là lần đầu tiên sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được Cơ quan Sở hữu trí tuệ Canada bảo hộ độc quyền nhãn hiệu chứng nhận tại thị trường Canada nói riêng và ở nước ngoài nói chung.
Ngoài ra, có 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “BẾN TRE” đã được cấp đối với sản phẩm bưởi da xanh cho HTX Bưởi da xanh Hoàng Quí, HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Tiên Long và HTX Bưởi da xanh Giồng Trôm; cấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “BẾN TRE” cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh; cấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “THẠNH PHÚ” đối với sản phẩm gạo cho HTX lúa tôm Thạnh Phú; cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “BẾN TRE” đối với sản phẩm nghêu cho HTX Thủy sản Thạnh Lợi, HTX Thủy sản Đồng Tâm và HTX Thủy sản Tân Thủy; cấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “BẾN TRE” đối với sản phẩm chôm chôm cho HTX Nông nghiệp Phú Phụng.
Năm 2024, tỉnh có 7 sản phẩm KH&CN được thương mại, đạt 116,67% so với kế hoạch. Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024, Bến Tre có tăng về điểm số so với năm 2023 (37,65 điểm) và giữ vững thứ hạng 28 cả nước, hạng 5 so với vùng đồng bằng sông Cửu Long.
“KH&CN đang từng bước đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, gắn kết với cuộc sống. Trên cơ sở những kết quả tốt đẹp đã đạt được trong năm 2024, Sở KH&CN cần tiếp tục phát huy trong năm 2025. Trước bối cảnh sáp nhập Sở KH&CN với Sở Thông tin và Truyền thông, việc đoàn kết, thống nhất và nỗ lực của cả hệ thống chính trị là yếu tố then chốt để thực hiện thành công các mục tiêu. Do đó, trong thời gian tới, sở cần tiếp tục phát huy những thành quả đạt được. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, yếu kém để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”. (Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025) |
Bài, ảnh: Thạch Thảo
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/kinh-te/cong-nghiep/dua-cong-nghe-vao-san-xuat-nang-cao-gia-tri-san-pham-a141213.html