Lòng tốt của con người có khả năng sinh sôi, cứ gieo mầm chỗ này lại sinh ra thêm chỗ khác.
Những câu chuyện “như phép màu” của chương trình Tiếp sức đến trường 2024
Còn nhớ giọt nước mắt của nữ tân sinh viên Huệ An đi lượm ve chai cùng người mẹ ung thư giai đoạn cuối, đứng trước ngưỡng cửa Đại học Kiến trúc, Đại học Đà Nẵng nhưng không có tiền.
Ông Dương Thái Sơn – giám đốc Công ty bao bì Nam Long đã nghe được câu chuyện. 11 năm liền là nhà tài trợ cùng báo Tuổi Trẻ, ông Sơn đã giúp 50 sinh viên, mỗi sinh viên 12 triệu đồng một năm cho tới khi tốt nghiệp. Nhưng với Huệ An, ông đã “phá lệ” tăng lên 20 triệu đồng “giải cứu” ngay kỳ học phí của cô bé. “Giống như là phép màu” – Huệ An nói.
Nhưng phép màu chưa dừng lại. Chuyện đời của Huệ An còn khiến nữ doanh nhân Lê Thị Quỳnh Nga quyết định đóng cho Huệ An toàn bộ học phí 5 năm, trị giá 150 triệu đồng. Chị quyết định trong tích tắc. Chị phủ “phép màu” không chỉ lên cuộc đời Huệ An, mà còn tài trợ luôn trọn thời đại học cho 4 tân sinh viên khác.
“Chỉ vì thấy thương quá thương” – chị Nga nói.
Huệ An hỏi: “Con có nghe nhầm không cô ơi? – câu hỏi của cô gái nghèo làm chị khóc luôn.
Công ty CP Bình Điền – Quảng Trị ngoài tiền tỉ đóng góp vào học bổng chung của Tuổi Trẻ đã quyết định “đột xuất” giúp cả 4 năm học cho tân sinh viên Nguyễn Thị Tình Thương – đứa con gái của người mẹ bị co quắp tay chân đi làm thêm quần quật và luôn thương mẹ.
Ông Trọng Dũng, giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát đã “thấy mình trong nghịch cảnh các em”, tài trợ luôn 80 triệu đồng 4 năm học cho tân sinh viên Ngô Thị An đậu 3 trường đại học tốp đầu nhưng nhà chỉ có 1 con bò duy nhất.
Rồi vì quá thương, anh lại hỗ trợ cả 3 năm học phí cho tân sinh viên Nguyễn Thị Hải không còn cha mẹ sống một mình trong căn nhà trống.
BS Tăng Hà Nam Anh và những người bạn “muốn khóc khi đọc về gương Tiếp sức đến trường trong khi ngồi chờ máy bay”, đã quyết định dùng 50 triệu đồng lâu nay chỉ giúp bệnh nhân giờ giúp thêm tân sinh viên nghèo.
Anh YouTuber tặng chiếc xe máy và 15 triệu đồng cho cô sinh viên Bến Tre lớn lên trong ngôi nhà nhiều người câm điếc…
Rất nhiều câu chuyện về lòng tốt “không theo kế hoạch” như vậy đã diễn ra trên và sau mặt báo, dù tiền trăm triệu hay là vài trăm ngàn đồng của bạn đọc đóng qua tài khoản báo Tuổi Trẻ nhờ chuyển sau mỗi bài viết đăng lên.
Lòng tốt theo đó có thật nhiều dáng vẻ. Hồ hởi có, âm thầm có, nhanh có, chậm có, bền bỉ có, kịp thời có. Nó nằm đâu đó sẵn trong lòng người, chỉ chờ một câu chuyện cảm hứng, và có tính “lây lan” nhanh hơn tốc độ của sự do dự.
Những tấm lòng không cần “báo danh’, giúp tân sinh viên trên đường lập thân, lập nghiệp
Và ngay cả khi 12 lễ trao học bổng chính thức của báo Tuổi Trẻ năm 2024 cho 1.334 tân sinh viên cả nước đã tạm khép lại, tấm lòng của người dân vẫn không khép lại.
Báo Tuổi Trẻ đã nhận được lời tâm sự sâu sắc như sau từ một bạn đọc: “Tôi biết chương trình đã tổng kết, nhưng không có nghĩa là dừng lại. Báo hãy làm cầu nối cho tôi hỗ trợ 1 năm học phí hoặc ăn ở tối đa 50 triệu đồng cho 1 sinh viên được an tâm học hành.
Không cho biết tên tôi. Chỉ cho sinh viên biết có một người giúp đỡ, không tiết lộ đó là ai. Tôi sẽ chuyển thẳng tiền cho báo xử lý.
Tôi làm thế này để cháu thấy trong hoàn cảnh khó khăn, có một người xa lạ âm thầm đứng sau mình giúp đỡ mình trên con đường lập thân, lập nghiệp thì mình cần phải cố gắng, không ăn chơi đua đòi xao nhãng việc học hành”.
Rồi không lâu sau, chính bạn đọc này lại “tăng yêu cầu”, muốn hỗ trợ thêm cho 1 tân sinh viên ngành y nữa.
Anh Thanh Trực, một doanh nhân, chuyển 30 triệu đồng nhờ Tuổi Trẻ với lời nhắn “cứ hỗ trợ cho sinh viên nào báo cảm thấy cần”. Kỹ sư L.P.S. chuyển 10 triệu nhờ Tuổi Trẻ giúp 5 tân sinh viên nào tòa soạn thấy phù hợp.
Bạn đọc Lâm Vy gửi nhờ báo chuyển cho “nữ sinh viên có 5 triệu đồng vẫn liều đi học” tiền mặt và một laptop, 1 tân từ điển, tặng 1 tân sinh viên khác một chiếc xe đạp.
Bạn đọc là một luật sư tặng 3 triệu đồng cho sinh viên đề nghị giấu tên, bạn đọc là một cô giáo ở Nha Trang cùng bạn bè muốn tài trợ cho 2 sinh viên nghèo mà Tuổi Trẻ chọn giùm…
Tất cả đều dặn không cần cho các em biết tên nhà tài trợ cụ thể. Các em không cần canh cánh nỗi lòng, chỉ cần đừng xa rời mục tiêu của mình là được.
Tình thương truyền lửa ấm giữa những cảnh đời
Chúng ta học gì từ sự cao đẹp của những tấm lòng bất vụ lợi? Và người có lòng tốt được gì khi “bắt mình” làm việc tốt cho những con người mình không quen biết, và có thể cả đời họ không có cơ hội trả ơn mình?
Tôi nhớ đến một câu chuyện cũ mình đã được xem clip về một phụ nữ ở Mỹ trải qua 96 lần phẫu thuật hàm sau một tai nạn, dịp Noel đã được một “ông già Noel” ẩn danh chuyển đến tặng 20.000 USD với thông điệp: “Tiền có thể không làm chị bớt đau, nhưng nó giúp chị biết có người quan tâm đến chị”.
Người đàn ông này dành thêm 500 USD để tặng ẩn danh cho những người đáng được chia sẻ trong thành phố của ông ấy dịp Giáng sinh về.
Có thể danh tính ông ấy mãi chìm sâu đâu đó, nhưng thành phố ông yêu thương thì đã ấm áp bao nhiêu vì hy vọng mà ông mang đến.
Khi nào con người đang lạnh lẽo thấy được ấm lên? Là khi lưu lượng máu được tăng lên, được truyền ấm, khởi động được và vận động được. Sự an ủi nhau trong những hoàn cảnh ngặt nghèo chính là truyền ấm giữa cảnh đời này và cảnh đời khác. Một người ấm hơn, nhiều người hạnh phúc. Người cho đi phải chăng cũng “ấm hơn” khi biết rằng từ bản thân mình đã tỏa ra nguồn năng lượng tích cực, không phí hoài? Sống một đời nhân hậu và có ích, vì vậy mà họ cứ làm việc tốt không tính toán.
Câu chuyện về lòng tốt của con người, theo tôi, là một trong những câu chuyện sưởi ấm trái đất này nhiều nhất.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dieu-gi-suoi-am-trai-dat-nay-nhieu-nhat-2024121013091111.htm