Những vành khăn tang nối nhau của 3 đứa trẻ
Cuối năm 2021, mẹ Tuyết Kiều sau thời gian chống chọi với ung thư đã không qua khỏi. Nỗi đau vừa in hằn lên cuộc đời ba đứa con mồ côi thì chỉ 5 tháng sau đó, người cha cũng bỏ lại ba chị em cô mà đi vì lao phổi.
Tuyết Kiều là chị lớn, sau mình còn cô em gái và cậu em trai út. Nước mắt như không còn để khóc sau hai đại tang liên tiếp của cha và mẹ. Nỗi mất mát quá lớn ập xuống đầu ba đứa trẻ mồ côi.
Những tưởng đã tận cùng nỗi đau và còn chút an ủi khi mấy chị em giờ ở cùng ông nội. Vậy mà chỉ hơn 3 tháng sau đám tang của cha, ba đứa cháu nội lại thêm vành tang trắng tiễn ông nội.
Ngôi nhà ấm áp ngày nào cả nhà Kiều sống cùng ông bà nội chỉ còn lại ba cánh cò mồ côi. Tuyết Kiều lúc ấy đang học lớp 10 bỗng dưng phải vừa làm chị, vừa gánh trách nhiệm thay cha mẹ lo cho hai đứa em nhỏ.
Chúng em chỉ còn biết cố gắng học để xứng đáng với những gì đã được nhận, cũng là để cha mẹ ở nơi nào đó yên lòng về các con.
Mai Hoàng Tuyết Kiều (tân sinh viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM)
Đi làm nuôi em, Tuyết Kiều vẫn đậu đại học á khoa ngành
Kiều nói buồn lắm nhưng phải mạnh mẽ lau nước mắt. “Mình phải sống tốt vì lời hứa trước vong linh cha mẹ, vì tương lai của các em. Nhất định không để con đường học vấn bị gián đoạn”, Kiều bộc bạch.
Nói là làm, cô nữ sinh đầy nghị lực ấy đã xin vào phụ quán cà phê gần công viên Tao Đàn (quận 1). Vì còn phải đi học, chỉ làm bán thời gian nên lương cũng rất khiêm tốn. Làm mãi cho đến gần đây Kiều mới xin nghỉ để ổn định việc học ở môi trường mới.
Thành chỗ dựa của hai em, cô bạn cắt giảm tối đa chi tiêu của riêng mình. Sách tham khảo được thầy cô và các bạn tặng. Tài liệu cần thiết phục vụ việc học sẽ tự tìm trên mạng.
Vì phải đi làm thêm, thời gian tự học còn rất ít. Dẫu vậy, Tuyết Kiều vẫn học tốt, đạt thành tích đáng nể. Tạm đi qua những tháng ngày cơ cực ấy không gì vui hơn khi Tuyết Kiều đạt học sinh giỏi năm lớp 12 và trúng tuyển ngành quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM với số điểm á khoa.
Niềm vui hơn khi cô em gái Mai Ngọc Tú Trinh sau một năm tạm dừng để tập trung chữa bệnh hiện đã vào lớp 11 Trường THPT Bình Chiểu. Còn em trai út Mai Hoàng Thiên Phước hiện học lớp 8A3 Trường THCS Thái Văn Lung cũng có kết quả khá tốt.
Hiếm thấy bạn nữ sinh nào có ý chí vượt khó như Tuyết Kiều. Chúng tôi dùng chính tấm gương của bạn để khích lệ tinh thần học tập cho những học sinh khác ở trường.
Cô Nguyễn Thị Mai Anh (giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Kiều tại Trường THPT Hiệp Bình)
Cuộc đời còn những tấm lòng bồ tát
Nhiều lúc cũng mệt mỏi và muốn buông xuôi, ba chị em lại động viên nhau học, đùm bọc nhau qua gian khó. Chị hai Tuyết Kiều như cây cột vững chãi trong nhà cho hai đứa em dựa vào.
Tuyết Kiều hầu như đã quen với việc “quên” bữa điểm tâm để dành những gói mì cho hai em ăn sáng rồi đến trường. Hai đứa em hiểu chuyện, hôm nào nghỉ học đều ngủ nướng đến 10h mới thức để nấu cơm trưa luôn, đỡ được bữa sáng.
Hàng xóm thương ba đứa bé mồ côi, khi cho cái này, lúc mang qua tặng cái kia. Ở trường học cũng vậy, các thầy cô đều biết hoàn cảnh của mấy chị em nên miễn giảm học phí và còn gom góp giúp thêm.
Từ sau khi ba Kiều qua đời, qua kết nối của phường, ông Nguyễn Văn Lê Hùng (52 tuổi, giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Lê Hùng Sao Mai) có trụ sở đóng tại phường Tam Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã tình nguyện đỡ đầu cho ba chị em. Mỗi tháng ông đều đặn gửi 3 triệu đồng và cho biết sẽ duy trì khoản giúp đỡ này đến khi cả ba chị em học xong đại học.
Kiều bảo cuộc sống vất vả của mấy chị em luôn không thiếu những tấm lòng nhân ái. “Chú Hùng thương mấy chị em lắm. Cũng may nhờ chú Hùng mình mới có mười mấy triệu đóng học phí nhập học khi đậu đại học, chứ không cũng đâu biết lấy gì mà đóng”, Kiều kể.
Làm thêm để đi đường dài
Bà Trần Thị Tuyết Nhung – chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tam Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM) – đồng hành với ba chị em Kiều mấy năm qua cho biết đều ưu tiên cho ba chị em mỗi khi địa phương có hoạt động nào chăm lo cho người nghèo và học sinh khó khăn.
“Tôi có đọc bài viết về tân sinh viên của chương trình Tiếp sức đến trường và thấy trường hợp cháu Kiều rất xứng đáng. Học bổng càng ý nghĩa, không khác gì “phao cứu sinh” cho những tấm gương không đầu hàng số phận, giúp ước mơ giảng đường của các cháu thành hiện thực”, bà Nhung chia sẻ.
Kiều ý thức rõ mình không chỉ học vì bản thân mà còn để lo cho hai em. Vì hai năm nữa đến lượt em gái vào đại học sẽ càng vất vả hơn. “Mình sẽ kiếm việc làm thêm sau khi ổn định việc học, có vậy mấy chị em mới mong đi đường dài”, Kiều trải lòng.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội Tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.