Nhiều bệnh nhân nghèo, vô gia cư hoặc không có giấy tờ tùy thân khi nhập viện trở thành nỗi lo lớn cho các bệnh viện.
Bé Gia Huy vào viện không có thẻ bảo hiểm y tế được mạnh thường quân hỗ trợ viện phí hơn 100 triệu đồng |
Phòng công tác xã hội của các bệnh viện phải “gồng mình” xin tài trợ từ các nhà hảo tâm cho các trường hợp này…
* “Đã nghèo lại gặp eo”
Quê ở tỉnh Cà Mau, nhiều năm nay chị Bùi Thị Nở đưa con trai là Lâm Gia Huy (15 tuổi) lên Đồng Nai sinh sống sau khi ly hôn. 10 năm nay, hai mẹ con ở trọ và đi làm thuê. Không giấy tờ tùy thân nên chị Nở chỉ có thể đi cắt bao bì cho một cơ sở gần nhà trọ với tiền công 150 ngàn đồng/ngày và lấy tiền theo tuần.
Mẹ không giấy tờ tùy thân thì bé Gia Huy cũng vậy. Những lúc bình thường, khỏe mạnh, điều này không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của 2 mẹ con. Nhưng cuộc đời luôn có biến cố xảy ra.
Mới đây, Gia Huy phải nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường mức độ nặng, nhiễm trùng huyết.
“Bữa đó, thấy con nói mệt rồi ho và khó thở, tôi chỉ nghĩ con bị ốm mệt bình thường. Lúc sau, cháu ngã ra ngất xỉu, tôi đưa con đi cấp cứu thì bác sĩ thông báo con bị bệnh nặng. Tôi hoang mang lắm” – chị Nở buồn nói.
Bé Huy phải thở máy suốt vài ngày liền, dùng kháng sinh… Khi đưa con vào viện, chị Nở chỉ còn 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí điều trị lên đến hơn 100 triệu đồng.
Chị Nở nghẹn ngào: “Cả đời tôi chưa từng nhìn thấy số tiền lớn như vậy. May mắn là bệnh viện nhờ các mạnh thường quân hỗ trợ”.
Các ca bệnh nặng phải vào viện không có bảo hiểm y tế (BHYT) thì không chỉ người nhà mà ngay cả bệnh viện đều chung nỗi lo viện phí.
Ông Ý A Sáng (61 tuổi, ngụ tại xã Thanh Bình, H.Trảng Bom) đã phải điều trị hồi sức tích cực vì tràn dịch màng phổi, tổn thương thận cấp tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thống Nhất.
“Đã nghèo lại gặp cái eo” khi gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà cả ông Sáng và vợ đều bị bệnh, phải nằm viện. Hơn nữa, ông Sáng lại không có thẻ BHYT.
Đối với những trường hợp không tự chăm sóc cá nhân được, các bệnh viện phải chăm sóc cho đến khi tìm được nơi ở cho họ. Việc tìm các “mái ấm” (thường là các nhà chùa, nhà thờ…) cũng không đơn giản vì có nhiều khi “mái ấm” cũng quá đông người đến ở nên họ không thể nhận ngay. Những lúc như vậy thì nhân viên phòng xã hội phải “canh” khi nào có giường, phòng trống là xin cho bệnh nhân đến ở. |
“Bệnh nhân có 3 con nhưng 2 người con gái chưa có việc làm, con trai lớn đã có gia đình nhưng làm rẫy và đang nuôi con nhỏ nên viện phí là cả vấn đề lớn với họ. Chúng tôi đã xin mạnh thường quân, nhà dòng hỗ trợ được 23,5 triệu đồng. Ngoài ra, bệnh viện duyệt miễn phí 18 triệu đồng nữa mới đủ” – ông Nguyễn Mạnh Khiết, Trưởng phòng Công tác xã hội, BVĐK Thống Nhất cho hay.
* Từ lo đi xin tiền cho bệnh nhân…
Mới đây, sản phụ Nguyễn Thị Kim Thảo (38 tuổi, ngụ TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) sinh con lần thứ 3 nhưng vào viện chỉ có 1 mình và dắt thêm cậu con trai 6 tuổi. Đã vậy, thai nhi sanh ra lại bị suy dinh dưỡng.
“Chúng tôi liên hệ mạnh thường quân, kêu gọi hỗ trợ cho sản phụ được 9,9 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng cho thêm bệnh nhân 1 triệu đồng để trả viện phí và mua thuốc bồi bổ sau sinh” -ông Kiết kể.
Theo điều dưỡng Vũ Thị Ơn, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, thời gian gần đây, tình trạng bệnh nhi nhập viện không giấy tờ tùy thân, không thẻ BHYT nhập viện khá đông. Trong đó, nhiều nhất là các bé ở các tỉnh miền Tây Nam bộ theo cha mẹ đến Đồng Nai lập nghiệp.
“Họ ở trọ và dường như không quan tâm đến việc cần phải có thẻ BHYT. Khi con họ nhập viện chữa trị với số tiền lớn, lúc ấy, họ mới lo lắng về khoản tiền chi trả viện phí. Còn mình cũng mất ăn, mất ngủ vì lo đi xin tiền cho bệnh nhân” – điều dưỡng Ơn tâm sự.
Theo chị Ơn, mỗi khi các khoa báo có trường hợp bệnh nhi không giấy tờ tùy thân vào viện, Phòng đều rất lo lắng. Lý do là nhiều trẻ cần hỗ trợ và không thể mới “xin” hỗ trợ xong lại “xin” tiếp.
Chị Ơn chia sẻ: “Có khi một ngày có đến 3 khoa đều báo bệnh nhân không có giấy tờ vào viện. Ngặt nỗi, viện phí của những bệnh nhân này lại rất cao. Do đó, chúng tôi cũng rất áp lực khi xin tiền của mạnh thường quân cho bệnh nhân”.
Với các trường hợp này, nhân viên Phòng Công tác xã hội các bệnh viện rất muốn mua BHYT cho họ nhưng đành “bó tay” vì họ không có giấy tờ tùy thân hay thẻ căn cước công dân, số định danh.
* … Đến tìm nhà cho bệnh nhân tá túc
Hiện nay, phòng công tác xã hội của nhiều bệnh viện cũng đã “tìm nhà” cho nhiều người không có nơi ở sau khi nhập viện chữa trị.
Anh Trần Hữu Phát, Phó phòng Công tác xã hội, BVĐK khu vực Long Khánh cho rằng, khi làm công tác này, họ gặp nhiều trường hợp người bệnh nghèo, vô gia cư. Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện tìm nơi nuôi dưỡng cho 3 trường hợp là người già lang thang, bán vé số sau khi điều trị bệnh ổn định.
Tuy nhiên, anh Phát phải cẩn thận xác minh thông tin vì không phải ai cũng nói đúng sự thật. Anh Phát thường xác minh thông tin từ những người ở chung hoặc đi theo chăm sóc người bệnh rồi liên hệ Công an phường (nơi mà bệnh nhân đang sống) để tìm thông tin tiếp. Nhưng nhiều trường hợp, việc xác minh thông tin không hề dễ dàng khi bệnh nhân vào viện không có giấy tờ, không người thân.
Theo ThS Nguyễn Như Giao, Trưởng phòng Công tác xã hội, BVĐK Đồng Nai, hiện tại bệnh viên có các nguồn quỹ chính: quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư, bệnh nhân nghèo và nguồn hỗ trợ viện phí của Tổng công ty Sonadezi để hỗ trợ bệnh nhân nghèo, lang thang. Ngoài các nguồn tiền trên, khác với nhiều bệnh viện, BVĐK Đồng Nai không xin mạnh thường quân để hỗ trợ cho bệnh nhân mà họ tự tìm đến và bệnh viện kết nối để MTQ trao trực tiếp cho người bệnh.
Lượng bệnh nhân nghèo, lang thang cần hỗ trợ tại bệnh viện này là khá lớn. Nhiều bệnh nhân vào viện không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào và vô gia cư.
“Không chỉ hỗ trợ viện phí, chúng tôi còn hỗ trợ cả tiền ăn (suất ăn bệnh lý), tiền tã… Sau khi chữa khỏi bệnh, chúng tôi sẽ tìm các trung tâm dưỡng lão, hoặc liên hệ với phường để đưa họ vào đó ở” – ThS Giao cho hay.
Bích Nhàn
.