Những năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và phục vụ người bệnh. Nhiều giải pháp chuyển đổi số được ứng dụng như: đăng ký khám bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip; thanh toán không dùng tiền mặt; hẹn lịch khám; quản lý hồ sơ bằng mã số điện tử…
Thủ tục rút gọn, giảm thời gian chờ
Mắc bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp mãn tính hơn 5 năm nay nên đều đặn hàng tháng, bà Nguyễn Thị Ái Trang (58 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) phải có mặt tại Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định để xếp hàng lấy số chờ khám bệnh và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu như trước đây bà phải đi từ sáng sớm, về khi đã quá trưa và phải mang theo nhiều loại giấy tờ như: thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), CCCD và sổ khám bệnh… thì gần đây, thời gian khám bệnh của bà Ái Trang được rút gọn rất nhiều, chỉ hơn 10 giờ là bà đã có thể nhận thuốc và ra về. Tất cả là nhờ việc ứng dụng CCCD gắn chip được tích hợp thẻ BHYT.
“Trước đây, tôi luôn phải lo lắng cất giữ, bảo quản, mang theo thẻ BHYT và giấy tờ có ảnh khi đi khám chữa bệnh thì hiện nay đa số người bệnh đã được giải tỏa khỏi nỗi lo này. Hành trang đi khám bệnh bây giờ chỉ cần thẻ CCCD hoặc chiếc điện thoại thông minh”, bà Ái Trang chia sẻ.
Còn tại BV quận Phú Nhuận, thời gian gần đây xuất hiện 2 ki-ốt thông minh giúp người bệnh đăng ký khám, thanh toán viện phí qua CCCD, nhận diện khuôn mặt, rút ngắn thời gian chờ… một cách dễ dàng và tiện lợi. BS-CK2 Võ Văn Minh, Giám đốc BV quận Phú Nhuận, cho biết, mỗi ngày, BV tiếp nhận khoảng 1.000 lượt khám bệnh, chưa kể số người đến khám sức khỏe định kỳ. Vài năm nay, BV triển khai ứng dụng lấy số tự động, thanh toán không dùng tiền mặt qua quét mã QR, nhưng mang tính riêng lẻ. Giải pháp ki-ốt lần này tích hợp cùng lúc nhiều tính năng, kết nối CCCD gắn chip, sinh trắc học. Người bệnh đến khám lần sau chỉ cần xác thực bằng khuôn mặt.
“Người dân đăng ký khám chữa bệnh qua CCCD gắn chip, các ứng dụng VssID, VNeID mức độ 2, sử dụng sinh trắc học nhận diện khuôn mặt và thanh toán chi phí ngay tại ki-ốt. Dịch vụ giúp giảm tải những lúc cao điểm, rút ngắn thời gian chờ đợi cũng như giảm sự mệt mỏi cho người dân”, BS-CK2 Võ Văn Minh cho hay.
Tăng thêm sự hài lòng
Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), số hóa BV là việc chuẩn hóa thông tin, dữ liệu và hình thành kho dữ liệu phục vụ công tác quản lý, công tác khám chữa bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh (trước, trong và sau khi khám, điều trị). Tiêu chí số hóa BV cần hướng tới đáp ứng 3 không: không giấy tờ; không xếp hàng và không dùng tiền mặt. Đến nay, 100% các cơ sở y tế đã triển khai phần mềm hệ thống thông tin quản lý bệnh viện (HIS), kết nối liên thông với 63 cơ quan bảo hiểm y tế của 63 tỉnh, thành phố, triển khai đăng ký khám bệnh từ xa, trực tuyến.
Bên cạnh đó, gần 100 BV đã triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy; 100% trạm y tế đã triển khai phần mềm quản lý; hơn 61% cơ sở khám bệnh, trung tâm y tế công đã triển khai kê đơn thuốc điện tử và liên thông cơ sở dữ liệu với hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc; 100% cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo nhân lực y tế thuộc quản lý của Bộ Y tế đã có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức như: chuyển khoản, quét mã QR, ví điện tử, thẻ khám chữa bệnh có kết nối với ngân hàng…
Hiệu quả số hóa được thể hiện rất rõ đối với cả BV, người bệnh và ngành y tế. Đối với BV, việc số hóa đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý BV; nâng cao chất lượng khám, chữa và chăm sóc người bệnh; tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa hoạt động của BV; tăng tính cạnh tranh, tính hấp dẫn và sự hài lòng của người bệnh. Đối với người bệnh, được trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao; được quan tâm, chăm sóc sức khỏe chủ động và tích cực.
Đối với ngành y tế, việc số hóa BV sẽ hình thành các kho dữ liệu chuyên ngành, kho dữ liệu về khám chữa bệnh, kho dữ liệu về hồ sơ sức khỏe điện tử… Các kho dữ liệu này được kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế trên toàn quốc giúp hỗ trợ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho người dân.
“Từ các kho dữ liệu y khoa sẽ hình thành các hệ thống dữ liệu lớn của ngành y tế, để từ đó ứng dụng công nghệ số hiện đại như công nghệ dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… phục vụ nghiên cứu khoa học, phân tích mô hình bệnh tật…”, ông Nguyễn Trường Nam thông tin.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh bằng CCCD gắn chip. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID hoặc VNeID để khám chữa bệnh BHYT.
MINH NAM
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/benh-vien-so-hoa-benh-nhan-huong-loi-post752338.html