SGGPO
Ngày 15-8, bác sĩ Trương Minh Kiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau cho biết, đã báo cáo Sở Y tế tỉnh Cà Mau thông tin vụ “chặt chém” tiền xe cứu thương.
Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau |
Theo đó, vào lúc 7 giờ 30 ngày 4-8, con trai của chị Đ.T.N.H. (34 tuổi) và anh T.M.G. (35 tuổi, ngụ khóm 2, phường Tân Thành, TP Cà Mau) nhập viện tại Khoa sơ sinh của Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau trong tình trạng tím, thở co lõm ngực nặng, được đặt nội khí quản thở máy. Chẩn đoán bị suy hô hấp nặng, TD bệnh màng trong, sinh non tháng.
Các bác sĩ của bệnh viện đã cho thở máy, dinh dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, bơm Surfactant, kháng sinh, điều trị triệu chứng. Hội chẩn trực thường trú nhi thống nhất với chẩn đoán trên và có giải thích tình trạng bệnh nặng với cha bé do tuổi thai 23 tuần (cân nặng lúc sinh 600 gram) khó cứu sống và tiên lượng tử vong.
Ê kíp trực đã hồi sức tích cực và xử trí ủ ấm, lau khô, hút nhớt và thông khí áp lực dương cho bé. Sau hồi sức bé hồng, thở rên rĩ, co lõm.
Trong thời gian điều trị từ 7 giờ 30 ngày 4-8 đến 7 giờ ngày 5-8, bé diễn tiến nặng dần, bác sĩ trực có giải thích tình trạng bệnh nhân nặng và tiên lượng tử vong. Gia đình đồng ý ký tên vào biên bản và không có ý kiến hay yêu cầu giải thích gì thêm.
Đến 9 giờ ngày 5-8, cha bé có đặt vấn đề xin chuyển viện lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 theo yêu cầu. Xét thấy tình trạng bệnh của bé quá nặng, chuyển viện sẽ không an toàn vì khả năng tử vong trên đường chuyển viện rất cao (bé đang thở máy, truyền liên tục thuốc vận mạch Adrenalin, truyền liên tục lnsulin kiểm soát đường huyết).
Bác sĩ trực có giải thích nhưng gia đình cương quyết chuyển bé lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 bằng phương tiện tự túc, chỉ xin giấy chuyển viện theo yêu cầu. Tua trực hoàn thành thủ tục chuyển viện theo yêu cầu gia đình. Đến 15 giờ ngày 5-8, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Về thông tin cha bé được một bác sĩ của bệnh viện giới thiệu số điện thoại của một người phụ nữ điều xe cấp cứu từ TPHCM xuống Cà Mau chuyển viện, bác sĩ Trương Minh Kiển khẳng định: Không có chuyện này. Qua xác minh, tất cả nhân viên khoa sơ sinh không tư vấn chuyển viện đồng thời không liên hệ hay cho số điện thoại của xe cấp cứu chuyển viện từ bên ngoài.
Bác sĩ Trương Minh Kiển cũng thông tin: Lúc 9 giờ ngày 5-8, gia đình có đặt vấn đề chuyển viện nhưng kíp trực không đồng ý và có giải thích với người nhà về tình trạng của bệnh nhi. Sau đó, bác sĩ trực có nhận được điện thoại từ một bác sĩ (không phải là nhân viên của Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau) nói: Đây là người nhà và đã tự liên hệ được với bác sĩ ở khoa hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, đồng ý nhận điều trị cho bé. Sau đó, bác sĩ này hướng dẫn gia đình người bệnh tự liên hệ dịch vụ xe chuyển viện 115 để chuyển bé lên Bệnh viện Nhi đồng 1.
“Từ lâu, bệnh viện đã có quy định nghiêm cấm nhân viên liên hệ với dịch vụ xe cấp cứu từ bên ngoài để vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Nếu phát hiện nhân viên vi phạm sẽ có hình thức xử lý theo quy định”, bác sĩ Trương Minh Kiển thông tin thêm.
Cũng theo BS Trương Minh Kiển, hiện bệnh viện không có ký hợp đồng dịch vụ chuyển viện bất cứ đơn vị tư nhân nào. Hiện Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau có 3 tài xế vận chuyển xe chuyển viện. Trong quá trình điều trị, có bệnh nhân cần chuyển tuyến thì bệnh viện thực hiện các quy trình chuyển viện theo quy định. Nếu bệnh viện hết xe thì liên hệ với Bệnh viện đa khoa Cà Mau hỗ trợ.
Tùy theo thời điểm (do giá xăng biến động), một ca chuyển viện có đầy đủ nhân viên y tế và trang thiết bị cấp cứu từ Cà Mau lên TPHCM khoảng 6-8 triệu đồng. Trong trường hợp gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thì liên hệ phòng công tác xã hội, tùy trường hợp mà Ban Giám đốc có thể giải quyết chuyển viện miễn phí.
Trước đó, anh G. muốn đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị và được bác sĩ (không có công tác tại Bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau) cho số điện thoại liên hệ xe cấp cứu. Một người phụ nữ tên H. báo giá 16 triệu đồng cho chuyến xe đưa bé từ Cà Mau Bệnh viện Nhi đồng 1 (hợp đồng ghi lên Bệnh viện Nhi đồng TP) và yêu cầu phải chuyển khoản trước 50% mới cho xuất xe. Khi xe đến bệnh viện, anh phải đưa 50% còn lại. Gia đình khó khăn, anh G. làm công nhân nên buộc phải vay mượn họ hàng để đủ tiền thuê xe.
Tối 5-8, cha con anh G. được xe cấp cứu chở đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Do tình trạng quá nặng, ngày 8-8 bé qua đời. Hết tiền mua quan tài, anh G. dự định cho con vào thùng xốp rồi ôm con lên xe khách để về Cà Mau. Biết được sự việc, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hỗ trợ, giúp đỡ anh G. đưa thi thể con về Cà Mau.